Cuộc sống sau “ly nông”: Nông dân và “chiếc cần câu” (Kỳ 2)

Cập nhật: Thứ bẩy 12/08/2017 - 16:12
 Nhiều lao động trong vùng ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo đã được tuyển dụng vào làm việc cho Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo và các nhà thầu.
Nhiều lao động trong vùng ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo đã được tuyển dụng vào làm việc cho Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo và các nhà thầu.

Qua câu chuyện ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) được đề cập trong phần trước của bài viết, tôi nghĩ đến “con cá” và “chiếc cần câu”. Với số tiền đền bù (được ví như “con cá”), nếu người nông dân cứ vui mừng “mổ xẻ từng thớ thịt” để hưởng thụ mà không lo đến việc sắm “chiếc cần câu” để mưu sinh thì tất yếu sẽ dẫn đến những hậu quả như thất nghiệp, đói nghèo, chất lượng cuộc sống nhanh chóng bị giảm sút… Vậy, các cấp, ngành chức năng ở tỉnh ta đã và đang làm gì để giúp bà con nông dân vượt qua thách thức này?

Sự trợ giúp kịp thời

 

Tại thời điểm này, Dự án Núi Pháo là một trong những “siêu dự án” trên địa bàn tỉnh, với hơn 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Ngay từ thời gian đầu triển khai Dự án, Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo đã có nhiều hoạt động, chương trình phục hồi kinh tế cho những hộ nông dân bị ảnh hưởng, như: Hỗ trợ bà con đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nhiều mô hình kinh tế điểm trong và ngoài tỉnh; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; phối hợp với các trường đại học mở lớp đào tạo nghề cho lao động trong vùng ảnh hưởng bởi Dự án; có nhiều chính sách ưu việt trong tuyển dụng người lao động vào làm việc tại Công ty và các nhà thầu; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về việc sử dụng tiền đền bù đúng mục đích, hiệu quả; hướng dẫn bà con nông dân cách thức làm ăn sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, năng lực và sức khỏe... Nhờ đó, hơn 90% số hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án đã có cuộc sống ít nhất là bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Công ty cũng đã nhanh chóng xây dựng các khu tái định cư (KTĐC) hiện đại, như: Nam Sông Công, Hùng Sơn 3, Đồng Bông... để ổn định cuộc sống cho những hộ dân thuộc diện phải di dời nhà cửa. “Hiện nay, KTĐC Nam Sông Công có gần 300 hộ dân đến ở. 100% số hộ sử dụng nhà vệ sinh tự hoại; 100% số hộ được sử dụng nước sạch; tổ không có hộ nghèo, hộ  khá giả chiếm khoảng 90%...; nhiều lao động là con em các hộ dân trong tổ được Dự án hỗ trợ đào tạo nghề, tuyển dụng vào làm việc cho Công ty và các nhà thầu” - ông Đỗ Xuân Quế, Tổ trưởng tổ dân phố Sơn Hà (KTĐC Nam Sông Công) phấn khởi cho biết.

 

Cũng là dự án thuộc tốp “nghìn tỷ”, Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên đã thu hút tới hơn 7 vạn lao động trong và ngoài tỉnh vào làm việc. Để ổn định cuộc sống cho người lao động, Công ty đã xây dựng 9 ký túc xá đảm bảo chỗ ở cho khoảng 8.000 lao động, trong đó có nhiều loại hình dịch vụ phục vụ công nhân sau làm ca, như: Căng tin, siêu thị, thư viện, phòng y tế, phòng hát karaoke... Cùng với đó, lãnh đạo T.X Phổ Yên cũng rất quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng của Thị xã chú trọng việc đào tạo để chuyển đổi nghề cho nông dân, đặc biệt những nông dân phải bàn giao đất cho các dự án.

 

Bà Dương Thị Ngọc Mỹ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội T.X Phổ Yên cho biết: T.X Phổ Yên tự hào là điểm sáng trong thu hút các nhà đầu tư của tỉnh. Khi các dự án vào địa bàn, diện tích đất nông nghiệp dần thu hẹp, chuyển đổi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển nhanh chóng đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn ở địa phương. Để người lao động có việc làm ổn định, bền vững, mỗi năm, Thị xã đã tổ chức khoảng 50 lớp học nghề cho hơn 1.000 lao động với các ngành nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động. Đến nay, tỷ lệ người lao động qua đào tạo của Thị xã chiếm 72%; tỷ lệ sau đào tạo có việc làm đạt trên 90%. Từ đầu năm đến nay, T.X Phổ Yên đã tạo việc làm mới cho hơn 3.000 lao động...

 

Đào tạo và chuyển đổi nghề

 

Những năm qua, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành, địa phương đã tiến hành khảo sát 5 nội dung: Nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp trên địa bàn; danh mục nghề cần đào tạo cho lao động nông thôn; loại hình, thời gian đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là nhóm nông dân nghèo; năng lực đào tạo nghề của các cơ sở dạy nghề; dự báo nhu cầu sử dụng lao động nông thôn đã qua đào tạo đến năm 2020. Căn cứ vào nhiệm vụ trên, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và 9 huyện, thành, thị đã chuyển 250 nghìn phiếu khảo sát nhu cầu học nghề lao động nông thôn tới trưởng xóm, tổ trưởng dân phố trên địa bàn và 2.000 phiếu về nhu cầu sử dụng lao động tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Về nội dung khảo sát nhu cầu học nghề, UBND tỉnh yêu cầu cần thực hiện 10 thông tin cơ bản liên quan tới người lao động như: Năm sinh, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, tình trạng hoạt động kinh tế hiện tại, nhóm ngành kinh tế hiện tại, tên nghề có nhu cầu học, trình độ và thời gian học nghề, hình thức dạy nghề… Qua đó, để định hướng người lao động lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tuổi tác, năng lực... của bản thân; dễ dàng xin việc hơn sau khi đào tạo.

 

Tính riêng 5 năm trở lại đây, các ngành chức năng đã đào tạo được 85 nghề, trong đó có 31 nghề nông nghiệp và 54 nghề phi nông nghiệp. Sự vượt trội về số lượng nhóm nghề phi nông nghiệp cho thấy đây chính là hướng đi tích cực góp phần giải bài toán tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hơn 26.800 lao động nông thôn đã được hỗ trợ việc làm, trong đó, tỷ lệ nông dân học nghề phi nông nghiệp là trên 17.000 người, trên 75% đã có việc làm mới ổn định.

 

“Trong thời gian tới, tỉnh ta sẽ tiếp tục chú trọng phát triển đầu tư theo hướng đảm bảo chiến lược gắn liền giữa đô thị và nông thôn, giữa các huyện với T.P Thái Nguyên, T.P Sông Công, T.X Phổ Yên. Chú trọng phát triển đồng bộ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn liền với cơ cấu lao động; tiếp tục quan tâm đến công tác an sinh xã hội, giải quyết nhà ở cho người lao động...” - Đó là câu trả lời báo giới của đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Hải Đăng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: