Nông dân đưa nông sản “lên sóng”
Bằng cách livestream, người sản xuất chuyển tải đến người tiêu dùng toàn bộ quá trình lao động tạo ra sản phẩm. Trong ảnh: Ông Triệu Văn Hoan, xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường (Định Hóa) livestream giới thiệu vườn vải của gia đình với bạn hàng. |
Livestream (phát sóng trực tiếp) là một cách tiếp thị sản phẩm nông nghiệp được nhiều nông dân thời công nghệ 4.0 thực hiện. Giống như nhật ký hình ảnh, từ công đoạn làm đất, tra hạt, thu hoạch, bảo quản sản phẩm đều được bà con livestream, tạo cho người tiêu dùng sự tin tưởng, khích lệ tâm lý mua hàng.
Qua livestream, nhiều mối quan hệ mới giữa nông dân với người tiêu dùng được thiết lập mới. Lợi ích mang lại là hàng nông sản của bà con được bán đúng giá trị; người tiêu dùng không lo lắng khi sử dụng sản phẩm. Đặc biệt từ cuối năm 2021, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với VNPT và Viettel Thái Nguyên “cởi trói” cho nông dân bằng việc đưa sản phẩm của bà con lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart và Voso.vn.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Mục đích chúng tôi đặt ra là nhằm hỗ trợ đưa các hộ nông dân sản sản xuất - kinh doanh giỏi, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp tham gia sàn TMĐT để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Qua đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh tình trạng ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp nông dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.
Với sự trợ giúp của tổ chức Hội Nông dân cùng với chăm chỉ học hỏi, tiếp cận công nghệ, hiện nay, đa số nông dân trong tỉnh đã biết sử dụng các tiện ích của điện thoại thông minh trong hoạt động thương mại. Ông Nguyễn Văn Đường, Chi hội Nông dân tổ 3, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình), chia sẻ: Trang trại gia cầm của gia đình tôi cần một lượng thức ăn chăn nuôi lớn, đồng thời lượng sản phẩm xuất bán tương đối nhiều. Để không lãng phí thời gian tôi thường xuyên chia sẻ với bạn hàng bằng livestream qua nhóm Zalo.
Các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh được hỗ trợ, hướng dẫn livestream giới thiệu, quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh. T.L
Còn ông Trần Xuân Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâu Thượng (Võ Nhai), tâm đắc: Bằng cách livestream, nông dân chúng tôi có thể bán nông sản hoặc mua phân bón, giống cây trồng, vật nuôi thuận lợi. Tuy “xa mặt, cách lòng”, nhưng livestream hỗ trợ hai bên đối tác nhận diện rõ ràng về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Theo đó là giao dịch mua - bán không dùng tiền mặt, không mất công đi lại được thực hiện chính xác. Mộc mạc hơn, ông Triệu Văn Hoan, xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường (Định Hóa), cho hay: Hằng ngày tôi đều dành một chút thời gian để livestream. Đây là cách quáng cáo miễn phí, nhưng mang lại hiệu quả cao cho các sản phẩm mình làm ra.
Để nâng cao trình độ livestream cho nông dân, đồng thời đưa sản phẩm của nông dân lên sàn TMĐT Postmart và Voso, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan mở lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng giới thiệu sản phẩm. Thông qua tập huấn, bà con được hướng dẫn, tạo tài khoản bán hàng trên sàn TMĐT, như cách tạo tài khoản; tạo kho hàng; đăng sản phẩm lên để bán; cách mô tả sản phẩm; kinh nghiệm chốt đơn; xác định đơn hàng; chăm sóc khách hàng đối với các đơn hoàn thành… Đến nay, đã có khoảng trên 60.000 nông hộ được hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, trong đó có gần 55.000 nông hộ được mở gian hàng trên sàn TMĐT, được cơ quan chức năng cung cấp tài khoản thanh toán số.
Trước đó, năm 2021 ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã xây dựng, triển khai kịch bản, kỹ thuật livestream cho hơn 500 lượt nông hộ cách quảng bá, giao bán hàng nông sản qua hình thức trực tuyến. Theo đó, gần 2.000 sản phẩm nông nghiệp, trong đó gần 130 sản phẩm OCOP của bà con được giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các nền tảng: C-ThaiNguyen, Postmart, Voso, Sendo, Lazada, Shopee... Các sản phẩm của nông dân Thái Nguyên được gắn với địa danh lịch sử, nét đẹp văn hóa truyền thống để quảng bá, tạo ấn tượng hấp dẫn với người tiêu dùng trong nước, quốc tế. Trong 3 tháng đầu năm 2022, sàn TMĐT đã hỗ trợ tiêu thụ hàng chục nghìn tấn nông sản các loại.
Mỗi nông hộ, mỗi hợp tác xã, tổ hợp tác đểu có thể mở được một gian hàng số. Để gian hàng sinh động, từng loại hàng hóa nông sản tươi mới đều được cập nhật ngay lập tức trong ngày bằng hình thức livestream, quảng bá để qua đó kích thích tâm lý người tiêu dùng. Các giao dịch mua - bán được thực hiện trực tuyến, thanh toán đơn hàng qua chuyển khoản. Theo đó là đội ngũ những người làm dịch vụ vận chuyển hoàn thiện việc giao, nhận hàng. Và báo cáo hoàn thiện đơn hàng cũng có thể được livestream, chia sẻ trên mạng xã hội...