Tìm kiếm văn bản : | Nơi ban hành : | ||
Số hiệu : | Từ khóa : | ||
Loại văn bản : |
Loại văn bản : | Các văn bản khác | Số hiệu : | 34-HD/BTGTU |
Người ký : | Lê Quang Dực | Nơi ban hành : | BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY |
Ngày phát hành : | 06/03/2012 | Ngày có hiệu lực : | 06/03/2012 |
TỈNH UỶ THÁI NGUYÊN BAN TUYÊN GIÁO * Số 34-HD/BTGTU |
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Thái Nguyên, ngày 06 tháng 3 năm 2012 |
HƯỚNG DẪN
Tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh
cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (09/7/1912 - 09/7/2012)
Thực hiện Hướng dẫn số 39-HD/BTGTW, ngày 24/02/2012 của Ban Tuyên giáo Trung ương về Tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 70-TB/TW, ngày 06/01/2012 của Ban Bí thư về việc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (09/7/1912 - 09/7/2012); Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ hướng dẫn nội dung tuyên truyền và các hoạt động kỷ niệm như sau:
I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tôn vinh, khẳng định công lao và những đóng góp to lớn của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
2. Giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc về thân thế, sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, hy sinh oanh liệt, nêu gương chói lọi về đạo đức cách mạng, chí công vô tư.
3. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cần gắn với đẩy mạnh hoạt động tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng, theo tinh thần tác phẩm “Tự chỉ trích” của đồng chí Nguyễn Văn Cừ; gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Các hoạt động kỷ niệm cần bảo đảm trang trọng, hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức, phô trương, lãng phí.
II- NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ; những bài học sâu sắc rút ra từ cuộc đời và sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam.
2. Những đóng góp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam; cho phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam; cho sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cho sự nghiệp đoàn kết của nhân dân thế giới đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
3. Chủ đề các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay; cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Tuyên giáo các huyện, thành, thị uỷ, các đảng bộ trực thuộc căn cứ Hướng dẫn, Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ triển khai các nội dung tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và nhân dân; chỉ đạo các địa phương, đơn vị có hoạt động kỷ niệm phù hợp với điều kiện thực tiễn.
2. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong các cấp Hội về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các hình thức tuyên truyền phù hợp cho đoàn viên; đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
3. Các cơ quan báo chí của tỉnh có bài viết về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh có kế hoạch tiếp sóng trực tiếp Lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ; tiếp sóng trực tiếp hoặc phát lại phim tài liệu về cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và vở chèo “Tuổi trẻ Nguyễn Văn Cừ” của Nhà hát Chèo Việt Nam phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.
Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ gửi kèm Hướng dẫn này Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (09/7/1912 - 09/7/2012).
Nơi nhận: - Ban Tuyên giáo Trung ương (để b/c); - Thường trực Tỉnh uỷ (để b/c); - Ban Tuyên giáo các đảng bộ trực thuộc; - Uỷ ban MTTQ tỉnh, các đoàn thể CT-XH, Hội VHNT, Hội Nhà báo; - Báo Thái Nguyên, Đài PT-TH tỉnh, Báo Văn nghệ Thái Nguyên; - Lãnh đạo Ban, các phòng thuộc Ban; - Lưu Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. |
TRƯỞNG BAN
Lê Quang Dực |
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư
Nguyễn Văn Cừ (09/7/1912 - 09/7/2012)
I. Khái quát thân thế và sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (09/7/1912 - 26/8/1941), sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã tham gia hoạt động từ khi mới 15 tuổi và được đi “vô sản hoá” vào tháng 8/1928 ở vùng mỏ Đông Bắc. Chỉ một năm sau, đồng chí đã trở thành người chỉ đạo trực tiếp phong trào công nhân, phong trào cộng sản ở khu vực có lực lượng công nhân đông đảo nhất lúc bấy giờ.
Năm 1930, đồng chí Nguyễn Văn Cừ thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở mỏ Mạo Khê, chi bộ Đảng đầu tiên của Đảng ta ở Vùng mỏ Quảng Ninh và dưới sự lãnh đạo của đồng chí, các chi bộ Đảng như Uông Bí, Vàng Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông lần lượt ra đời.
Cùng với các đồng chí của mình: Tô Hiệu, Hạ Bá Cang, Đặng Xuân Khu... Nguyễn Văn Cừ đã tập trung khôi phục cơ sở Đảng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân và thành công trong việc khôi phục Xứ uỷ Bắc Kỳ.
Năm 1938, khi chưa đầy 26 tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được bầu là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng Bí thư trẻ nhất trong lịch sử Đảng ta.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ là người đi đầu trong việc đề cao tinh thần thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình nhằm nâng cao sức mạnh của Đảng thể hiện thông qua tác phẩm “Tự chỉ trích” (7/1939).
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Đảng ta đã kiên quyết đấu tranh chống lại bọn Tơrôtxky. Nguyễn Văn Cừ và Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ đã quyết định những vấn đề cực kỳ quan trọng trong chuyển hướng cách mạng mà nội dung trọng yếu là giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc - giai cấp, xây dựng Đảng và phương pháp cách mạng trong tình hình mới. Đây là quyết định đặt cơ sở quan trọng để Đảng ta hoàn chỉnh chuyển hướng chiến lược cách mạng dẫn tới thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng 8 vào mùa thu năm 1945.
Năm 1940, thực dân Pháp bắt Nguyễn Văn Cừ và hành quyết đồng chí vào ngày 26/8/1941.
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (Sơ thảo – NXB Sự Thật năm 1981) đã đánh giá: “Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho Đảng ta và nhân dân ta một mẫu mực về kết hợp lý luận với thực tiễn cách mạng, về tác phong lăn lộn và hòa mình với quần chúng công nhân, giáo dục, tổ chức và lãnh đạo công nhân đấu tarnh, về thái độ bất khuất trước kẻ thù, về ý thức tự phê bình và phê bình và tinh thần lạc quan cách mạng”. (trang 352).
II. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng Việt Nam, tấm gương ngời sáng của một người cộng sản bất tử, đã dâng hiến cuộc đời cho độc lập của Tổ quốc, cho tự do dân tộc, cho lý tưởng quang vinh của Đảng Cộng sản Việt Nam.
1. Người chiến sĩ cộng sản kiên cường
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ mang trong mình dòng máu yêu nước, văn hoá truyền thống của gia đình; được nuôi dưỡng trong một không gian đặc trưng của văn hóa Việt Nam; lớn lên trong phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1927, khi còn đang theo học ở trường Bưởi (Hà Nội), Nguyễn Văn Cừ đã bắt đầu tham gia các hoạt động yêu nước.
Đầu năm 1928, Nguyễn Văn Cừ đã trở thành hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Lấy cớ các hoạt động yêu nước của Nguyễn Văn Cừ là “hành vi chống đối”, tháng 5/1928, nhà trường thực dân đã buộc anh phải thôi học.
Tháng 8/1928, thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Kỳ hội Bắc kỳ của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng, Nguyễn Văn Cừ được đi “vô sản hóa” ở vùng mỏ than Đông Bắc. Nhiệt huyết cách mạng, năng lực tổ chức phong trào, khả năng tuyên truyền cách mạng trong giai cấp công nhân của Nguyễn Văn Cừ sớm được thể hiện và đồng chí đã nhanh chóng trưởng thành từ phong trào của giai cấp công nhân. Chỉ sau một năm “vô sản hoá”, năm 1929, ở tuổi 17, Nguyễn Văn Cừ đã trở thành người trực tiếp chỉ đạo phong trào công nhân, phong trào cộng sản ở khu vực có số lượng công nhân tập trung lớn nhất nước ta. Tháng 6/1929, đồng chí trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đông Dương cộng sản Đảng.
Tháng 2/1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thống nhất các tổ chức cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Văn Cừ trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng. Cuối tháng 2/1930, đồng chí thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở mỏ Mạo Khê - chi bộ đầu tiên của Đảng ta ở vùng mỏ Quảng Ninh. Sau đó, tháng 4/1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí, các chi bộ đảng ở Uông Bí, Vàng Danh, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông lần lượt ra đời. Với những hoạt động không mệt mỏi của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, ngay từ những ngày tháng đầu mới thành lập, Đảng ta đã đứng vững ở nơi tập trung đông đảo nhất đội ngũ công nhân của nước ta. Lúc này, đồng chí mới 18 tuổi.
Tháng 02/1931, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp bắt và giam cầm ở các nhà tù Hòn Gai, Hoả Lò rồi lưu đày đi Côn Đảo. Sau gần 6 năm bị đày ải trong ngục tù đế quốc, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp, nhờ kết quả đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 11/1936, đồng chí được trả tự do và lại lao ngay vào hoạt động cho Đảng. Cùng với các đồng chí Lương Khánh Thiện, Tô Hiệu, Đặng Xuân Khu, Hạ Bá Cang..., Nguyễn Văn Cừ đã tập trung vào công tác khôi phục cơ sở Đảng, khôi phục và đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân và đã thành công trong việc lập lại Xứ ủy Bắc Kỳ và trở thành Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ (tháng 3/1937).
Các hoạt động của đồng chí đã góp phần vào việc sửa chữa những khuyết điểm của Đảng về tổ chức, lề lối làm việc của thời kỳ trước, củng cố, xây dựng và tổ chức lại các hoạt động của Đảng cho phù hợp với tình hình mới, chống lại tư tưởng cô độc hẹp hòi trong công tác của đảng viên, đáp ứng sự phát triển của phong trào cách mạng.
Năng lực của đồng chí Nguyễn Văn Cừ được Đảng ta khẳng định trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương họp từ ngày 25/8 đến ngày 04/9/1937. Đồng chí đã được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Sáu tháng sau đó, với phẩm chất, trí tuệ và tài năng tổ chức đã được thể hiện của mình, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, họp từ ngày 29 đến 30/3/1938, đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong lịch sử Đảng ta, Nguyễn Văn Cừ là người giữ cương vị Tổng Bí thư ở độ tuổi trẻ nhất, khi đó đồng chí 26 tuổi.
Với sự lãnh đạo đúng đắn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Đảng ta đã lãnh đạo phong trào cách mạng có những bước phát triển mạnh mẽ. Hoảng sợ trước sự phát triển của phong trào cách mạng nước ta, thực dân Pháp tiến hành khủng bố dã man. Ngày 17/1/1940, thực dân Pháp đã bắt Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Cừ và ngày 26/8/1941, chúng đã hành quyết đồng chí. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã anh dũng hy sinh cho lý tưởng của Đảng - vì độc lập của Tổ quốc và tự do cho dân tộc Việt Nam khi mới 29 tuổi. Đó là tấm gương ngời sáng về một chiến sĩ cộng sản kiên cường.
2. Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta
Không phải ngẫu nhiên và càng không phải do tình thế cán bộ lúc bấy giờ mà Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tháng 3/1938, trao trách nhiệm chính trị lớn nhất trước Đảng và dân tộc cho đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Cùng với tài năng tổ chức và chỉ đạo hoạt động thực tiễn, đồng chí đã thể hiện là một trí tuệ kiệt xuất trong việc cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạch định những chủ trương, chính sách mới rất sáng tạo, khắc phục được những nhược điểm trước đó, đưa phong trào cách mạng tiến lên, đáp ứng được sự phát triển mới của tình hình trong nước và quốc tế.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 3/1938, Nguyễn Văn Cừ đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng xây dựng Nghị quyết kiểm điểm các công tác, vạch ra nhiệm vụ của Đảng trong thời kỳ mới, xác định “vấn đề lập Mặt trận dân chủ thống nhất là một nhiệm vụ trung tâm của Đảng trong giai đoạn hiện tại” và chỉ rõ rằng “cần đưa hết toàn lực của Đảng”(1), “dùng hết phương pháp làm thế nào cho thực hiện được Mặt trận dân chủ, ấy là công cuộc của Đảng ta trong lúc này”(2).
Xây dựng Mặt trận dân chủ Đông Dương, một hình thức mặt trận đoàn kết dân tộc thay thế cho Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương trước đó, là chủ trương hết sức đúng đắn và kịp thời của Đảng ta và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trước sự vận động nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới. Để thực hiện nhiệm vụ này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Đảng ta đã chủ trương phải tiến hành cuộc đấu tranh chống khuynh hướng “tả”, đưa ra những khẩu hiệu quá cao, và đề phòng khuynh hướng “hữu”, không chú trọng phong trào quần chúng công nông.
Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (3/1938) còn thể hiện những chủ trương cụ thể về công tác quần chúng: củng cố, chỉnh đốn công tác vận động công nhân; đề ra các biện pháp cụ thể đẩy mạnh công tác vận động nông dân ở ba miền; “xây dựng một đoàn thể thanh niên có tính chất chính trị và quần chúng rộng rãi”(3); đẩy mạnh công tác vận động phụ nữ làm cho phong trào phát triển cả về chiều rộng và bề sâu.
Nghị quyết của Hội nghị còn tập trung đề ra những biện pháp cụ thể nhằm củng cố, phát triển đều khắp tổ chức cơ sở Đảng, củng cố cơ quan lãnh đạo các cấp, giải quyết một cách đúng đắn các phương thức hoạt động và mối quan hệ của các hình thức hoạt động bí mật và công khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huấn luyện cán bộ và tăng cường chỉ đạo công tác vận động quần chúng của Đảng trước tình hình mới. Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh: để củng cố, mở rộng Mặt trận dân chủ Đông Dương và để cho mọi chủ trương chính sách của Đảng được thực hiện, cần phải triệt để chống lại chủ nghĩa Tơ-rốt-xky, đi sâu vào quần chúng để vạch mặt bọn chống Đảng bằng những lời nói cực tả. Mặt khác, Nghị quyết cũng nêu rõ từng nhiệm vụ để củng cố nội bộ Đảng về tổ chức, giao thông liên lạc, phương thức hoạt động bí mật và công khai, công tác tuyên truyền, huấn luyện cán bộ, công tác chỉ đạo quần chúng... Đặc biệt là, Đảng phải kiên quyết tiến hành cuộc đấu tranh chống bọn tờ-rốt-kít, “phải tẩy sạch những phần tử tờ-rốt-kít đã lọt vào trong Đảng” và chỉ rõ “muốn tranh đấu chống chủ nghĩa Tơ-rốt-xky phải nghiên cứu sự khác nhau giữa chủ nghĩa Tơ-rốt-xky và chủ nghĩa Mác - Lênin”(4).
Không chỉ với nhiệm vụ hoạch định chủ trương, chính sách lớn của Đảng, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã lập tức chỉ đạo việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí đã xúc tiến ngay việc thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương. Việc chỉ đạo xuất bản báo Tin tức (ở Hà Nội) và báo Dân chúng (ở Sài Gòn) cũng như lãnh đạo Đảng tham gia đấu tranh nghị trường ở thời kỳ này là những quyết định sáng suốt, kiên quyết của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã góp phần quan trọng trong việc giác ngộ chính trị, giáo dục đảng viên, tập hợp lực lượng quần chúng trong Mặt trận dân chủ Đông Dương, chống lại bọn tờ-rốt-kít và khắc phục tình trạng bất đồng ý kiến xuất hiện trong Đảng lúc đó. Chính Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã trực tiếp tham gia vào cuộc bút chiến phê phán những sai lầm “tả” khuynh về quan điểm chính trị, sai lầm về nguyên tắc tổ chức, về phê bình và tự phê bình, về đoàn kết trong Đảng, đồng thời xác định rõ những vấn đề chiến lược, sách lược của Đảng. Những bài báo và đặc biệt là tác phẩm “Tự chỉ trích” do chính Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết (tháng 7/1939) thể hiện sự vận dụng nhuần nhuyễn chủ nghĩa Mác - Lênin và những vấn đề chiến lược, chỉ đạo chiến lược trong phong trào cách mạng. Đây là một tác phẩm tổng kết thực tiễn sâu sắc, đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận của Đảng ta.
Cần nói rõ rằng, đóng góp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào nội dung Nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng 3/1938 cũng như những vấn đề nêu ra trong tác phẩm Tự chỉ trích hoàn toàn sát đúng với nội dung trong thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi cho Đảng ta vào cuối tháng 7/1939. Điều này thể hiện trí tuệ sáng tạo, sự già dặn chính trị của Tổng Bí thư trẻ tuổi Nguyễn Văn Cừ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, thắng lợi của phong trào Mặt trận dân chủ đã biến những chủ trương của Đảng thành hiện thực và không chỉ dừng lại ở việc giành được những quyền dân chủ, dân sinh tối thiểu mà chính là ở chỗ, đã làm rực cháy lên ngọn lửa tinh thần dân tộc và đoàn kết dân tộc dưới những hình thức mới, phương pháp mới. Qua hoạt động thực tiễn từ phong trào, Đảng ta có thêm nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo chiến lược, trong tìm tòi sáng tạo các hình thức, biện pháp đấu tranh và đồng thời còn đào tạo được nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc cho Đảng như các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn,...
Từ tháng 10/1938, một năm trước chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với thời cuộc, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nhận định rất chính xác về tình hình thế giới trước ngọn lửa chiến tranh của chủ nghĩa phát-xít và những dự báo về sự thất bại của chính sách ngoại giao thoả hiệp của các nước đế quốc với chủ nghĩa phát-xít và những chính sách hy sinh quyền lợi của dân tộc khác cho chủ nghĩa phát-xít là chính sách phản động tất yếu sẽ phải trả giá đắt là hoàn toàn chính xác. Dự báo chiến lược đó đã chuẩn bị cho Đảng ta có sự chuyển hướng chiến lược nhanh chóng và đúng đắn trước sự vận động vô cùng nhanh chóng của tình hình thế giới. Tháng 6/1939, đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết: “Người cộng sản chẳng bao giờ hô hào những chuyện cao xa viển vông cho sướng miệng, nhưng căn cứ vào sự thực, đồng thời nắm lấy sự đi tới (ledevenir) của sự vật, hiểu thấu luật tiến hóa của xã hội... (để) khi tình thế thay đổi thì chính sách sẽ thay đổi”(5).
Chính vì vậy, sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (01/9/1939), ngày 08/9/1939, tại Hội nghị Xứ ủy Bắc kỳ, với nhãn quan chính trị nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, là người có trách nhiệm cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã chủ trì ngay việc tiến hành phân tích tình hình chuẩn bị cho Đảng về chiến lược và phương pháp cách mạng phù hợp với tình hình mới. Từ Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ đến quyết định tổ chức Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương (các ngày 6, 7, 8 tháng 11/1939), hai tháng sau chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Ban Chấp hành Trung ương đã nhanh chóng quyết định chuyển hướng chiến lược và phương pháp cách mạng của Đảng. Sau khi phân tích tình hình, Hội nghị chỉ rõ: “Căn cứ vào những sự biến đổi trên quốc tế và trong Xứ và sự biến chuyển mới của phong trào cách mạng thế giới và Đông Dương, Đảng ta phải thay đổi chính sách”(6) và xác định “Mặt trận dân chủ thích hợp với hoàn cảnh trước kia, ngày nay không còn thích hợp nữa. Ngày nay phải thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để tranh đấu chống đế quốc chiến tranh, đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến thối nát, giải phóng các dân tộc Đông Dương làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập”(7). Nghị quyết của Hội nghị khẳng định: “Cuộc cách mệnh giải phóng các dân tộc của Mặt trận phản đế là một kiểu của cách mạng tư sản dân quyền. Song đứng trong tình thế khác ít nhiều so với tình thế năm 1930 - 1931, chiến lược cách mệnh tư sản dân quyền bây giờ cũng phải thay đổi ít nhiều cho hợp với tình thế mới. Cách mệnh phản đế và điền địa là hai cái mấu chốt của cách mệnh tư sản dân quyền. Không giải quyết được cách mệnh điền địa thì không giải quyết được cách mệnh phản đế. Trái lại không giải quyết được cách mệnh phản đế thì không giải quyết được cách mệnh điền địa - cái nguyên tắc chính ấy không bao giờ thay đổi được, nhưng nó phải ứng dụng một cách khôn khéo thế nào để thực hiện được nhiệm vụ chính cốt của cách mệnh là đánh đổ đế quốc”(8). Đảng ta cho rằng, “đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mệnh, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết”(9).
Để tập trung lực lượng đánh đổ đế quốc, Đảng chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và đề ra khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ phản bội quyền lợi dân tộc, chống tô cao, chống nặng lãi và tạm gác khẩu hiệu lập chính quyền Xô viết công nông binh, thay bằng thành lập chính quyền cộng hòa dân chủ... Hội nghị cũng quyết định thay đổi phương pháp cách mạng hướng vào “dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mệnh giải phóng dân tộc”(10), chuyển từ thời kỳ đấu tranh cho dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ đế quốc và tay sai, từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và khởi nghĩa võ trang. Về xây dựng Đảng, Hội nghị nhấn mạnh: “Trong thời giờ nghiêm trọng này, trong lúc phong trào cách mệnh đương sắp phát triển hết sức to rộng và sắp bước vào thời kì quyết liệt thì Đảng ta nhất định phải thống nhất ý chí lại thành một ý chí duy nhất, một mà thôi”(11).
Rõ ràng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Nghị quyết Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương (tháng 11/1939) đã quyết định những vấn đề cực kỳ quan trọng trong chuyển hướng chiến lược cách mạng, mà nội dung trọng yếu là giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc - giai cấp, giai cấp - dân tộc, vấn đề xây dựng Đảng, Mặt trận và phương pháp cách mạng trong tình hình lịch sử mới. Đây là những quyết định hoàn toàn chính xác, kịp thời và phù hợp với sự biến đổi của tình hình quốc tế và trong nước.
Quyết định chiến lược trên đây đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (11/1940) và sau đó là Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (5/1941), do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, khẳng định là chính xác và đúng đắn. Đây là quyết định đặt cơ sở quan trọng để Đảng ta hoàn chỉnh chuyển hướng chiến lược cách mạng ở Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (5/1941), đưa tới cao trào giải phóng dân tộc 1941 - 1945 và thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Như vậy, với 20 tháng, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng trong việc chỉ đạo và chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng; trong xây dựng củng cố Đảng cả về tư tưởng, tổ chức và phương thức hoạt động, trong xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất trong những điều kiện lịch sử khác nhau. Những đóng góp ấy thể hiện trí tuệ sáng tạo với tư duy chiến lược của nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
3. Phẩm chất chính trị kiên định của một trí tuệ sáng tạo
Tham gia cách mạng và là Tổng Bí thư của Đảng trong những thời đoạn biến động to lớn nhất của lịch sử nhân loại và dân tộc, trước và lúc bùng nổ chiến tranh thế giới lần thứ hai, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã đem hết sức lực, trí tuệ để cống hiến cho Đảng và cách mạng. Trước những vận động phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế, là người hoạch định và quyết định chiến lược mới trong cách mạng giải phóng dân tộc đồng thời chịu trách nhiệm tổ chức thực thi đường lối ấy, đồng chí Nguyễn Văn Cừ luôn khẳng định bản lĩnh chính trị kiên định và trí tuệ khoa học sáng tạo của người lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Cùng với các Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 3/1938 và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11/1939, tác phẩm “Tự chỉ trích” của đồng chí Nguyễn Văn Cừ thể hiện rõ những phẩm chất đó. Tác phẩm này không chỉ thể hiện sự sắc sảo về chính trị, lý luận mà còn là những chỉ dẫn cho chúng ta về tính đảng, tính nguyên tắc, tính kiên định cách mạng, về đạo đức cộng sản trong phê bình và tự phê bình.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết: “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi họ hay phỉnh họ”(12). Và dầu cho có sai lầm, có thất bại thì “phải có can đảm mở to mắt ra nhìn sự thật”(13). “Chúng ta không bao giờ có thể đổ hết những nguyên nhân thất bại cho việc quân thù đàn áp và cử tri chưa giác ngộ. Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”(14). Đồng chí cho rằng, Đảng “có bổn phận phải phân tích xác thực hoàn cảnh, không bi quan hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn, để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ”(15). Do đó, đồng chí yêu cầu Đảng phải: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thoả hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất mạnh mẽ”(16). Theo đồng chí, đó là sự tự chỉ trích bôn-sê-vích và làm như vậy “không sợ địch nhân lợi dụng, chửi rủa vu cáo Đảng, không sợ “nối giáo cho giặc”. Trái lại, nếu “đóng kín cửa bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong thì hổ lốn một cục, đầy rẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa; hơn nữa, đó tỏ ra không phải một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương”(17).
Theo những nguyên tắc lê-nin-nít trong xây dựng đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng “bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích bônsêvích, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chớ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - dù cho đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái, chia rẽ trong hàng ngũ Đảng”(18). Và, sự chỉ trích của người cách mệnh phải là để tìm tòi những lầm lỗi của mình, nghiên cứu phương pháp để sửa đổi, để tiến lên và phải “đứng về lợi ích về công cuộc của dân chúng mà chỉ trích những khuyết điểm, những chỗ lừng chừng hoặc hèn nhát để đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ rộng rãi hơn”(19). Đồng chí khẳng định: “mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận và chỉ trích, nhưng phải có nguyên tắc”(20). Đó chính là những nguyên tắc trọng yếu nhất để xây dựng đảng vững mạnh.
Trong lời kết của tác phẩm Tự chỉ trích viết cách đây 68 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ như đã để lại di huấn cho Đảng ta: “Chúng ta đã phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ: xu hướng “tả khuynh”, cô độc nó muốn làm Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng, và xu hướng thoả hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh”(21).
Sự sáng tạo, tài năng, phẩm chất chính trị kiên cường, đức hy sinh và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã để lại cho chúng ta một tấm gương sáng của nhà lãnh đạo kiệt xuất và mẫu mực của Đảng.
III. Học tập và noi theo tấm gương của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ vốn mang trong dòng máu của mình truyền thống hiếu học của gia đình, nên ngay từ nhỏ tuổi học ở quê cho đến lúc hi sinh, không bao giờ đồng chí Nguyễn Văn Cừ quên việc tự vun đắp, làm giàu thêm kiến thức cho mình bằng nhiều cách học: Học ở trường, tự học, học trong sách, học bạn bè, đồng chí, đồng bào, học trong thực tiễn, tổng kết thực tiễn, học ở trường đời tranh đấu, nêu tấm gương sáng ngời về “Học, học nữa, học mãi” cho chúng ta noi theo. Trong mọi hoàn cảnh, cho dù nghiệt ngã như thế nào, đồng chí cũng tự học: Học trong lao động vô cùng cực khổ, khi đi vào phong trào công nhân mỏ than ở vùng Đông Bắc, để tự cải tạo và rèn luyện mình thành người cộng sản chân chính, học cả trong những năm tháng tù đầy khi mang án tù đầy ở trong các nhà tù Hoả Lò, Côn Đảo, Khám Lớn Sài Gòn, với niềm tin mãnh liệt khi thoát khỏi sự giam cầm đó sẽ có nhiều kiến thức hơn để phục vụ cách mạng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ ham học và học toàn diện, học văn hoá, ngoại ngữ, chính trị và học lý luận Mác - Lênin.
Lên sáu tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ được ông ngoại là cụ Nguyễn Thực (còn gọi là cụ Tú Ba) dạy chữ nho. Vốn thông minh, tiếp thu bài học rất nhanh, nhưng đồng chí vẫn chăm chỉ học hành. Trong lớp, khác với các bạn học cùng tuổi, đồng chí thường hay hỏi thầy giáo về những vấn đề khó hoặc về các điển tích, đồng thời hay phát biểu ý kiến riêng của mình trong học tập, sinh hoạt… Ngoài giờ học, đồng chí hỏi thêm ông ngoại rất nhiều, nhằm hiểu sâu thêm, hiểu rộng hơn bài học, nên ông ngoại đặt tên cho Nguyễn Văn Cừ là Bảy Biêu. Lên 8 tuổi, thấy Nguyễn Văn Cừ thông minh, nhanh nhẹn, giảng đâu biết đấy, cụ Tú Ba quyết định cho anh đi học chữ quốc ngữ ở Trường Tiểu học Từ Sơn. Tuy là học trò nhỏ nhất lớp nhưng bao giờ điểm học tập và hạnh kiểm của anh cũng đứng đầu lớp. Thầy Thiện, thầy Kình… rất quý mến Nguyễn Văn Cừ không chỉ vì học giỏi, mà vì cả thái độ đúng mực, nghiêm túc trong học tập, sự suy xét bình tĩnh, nói năng dứt khoát, mạnh lạc, lưu loát. Đối với những bạn học kém, Nguyễn Văn Cừ sẵn sàng giúp đỡ. Ba năm học ở Trường Tiểu học Từ Sơn, năm nào Nguyễn Văn Cừ cũng được xếp loại học sinh giỏi. Bạn bè suy tôn là “Cây Truyện” vì ham mê đọc Tam quốc, Thuỷ hử, Những người khốn khổ... Sau đó, Nguyễn Văn Cừ tiếp tục được lên thị xã Bắc Ninh học ở trường Sơ học Pháp - Việt. Hai năm sau, thi đỗ hết bậc Tiểu học với tấm bằng loại ưu. Năm đó, Nguyễn Văn Cừ 13 tuổi. Vì có khó khăn về kinh tế, phải đi dạy học tư, vừa để kiếm sống, vừa để ôn thi vào trường trung học khi có điều kiện. Mùa thu năm 1927, Nguyễn Văn Cừ thi vào trường “Bảo hộ” ở Hà Nội còn gọi là trường Bưởi (hiện nay là Trường THPT Chu Văn An), là trường học lớn nhất miền Bắc nước ta lúc bấy giờ. Nguyễn Văn Cừ đỗ loại giỏi nên được nhà trường cấp học bổng toàn phần và ở ký túc xá. Những năm học ở trường Bưởi, bao giờ Nguyễn Văn Cừ cũng là học sinh xuất sắc nhất lớp. Vì tham gia hoạt động cách mạng nên bị đuổi khỏi trường Bưởi, Nguyễn Văn Cừ rất luyến tiếc, xa bạn bè và môi trường hoạt động luôn luôn sôi nổi.
Về quê hương để kiếm sống, Nguyễn Văn Cừ đi dạy học tư. Sau những giờ dạy học hoặc trong những ngày nghỉ, Nguyễn Văn Cừ thường đi đến các gia đình trong xóm, ngoài làng để tìm hiểu thêm về đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Do đó, dân làng yêu mến, tin tưởng như những người trong gia đình.
Trong nhà tù đế quốc, Nguyễn Văn Cừ đã cùng các đồng chí biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng :
“Lao là trường học, xiềng là bạn
Sách ấy con thơ, báo ấy đèn”
Tại nhà tù Hoả Lò (Hà Nội), Nguyễn Văn Cừ lao ngay vào học lý luận, chính trị một cách kiên trì, tự giác. Đối với anh, những ngày bị đế quốc giam cầm trong bốn bức tường là thời gian tranh thủ học tập. Tại đây, Nguyễn Văn Cừ đã gặp đồng chí Đặng Xuân Khu (tức đồng chí Trường Chinh), Bùi Xuân Mẫn và một số chiến sĩ cộng sản khác. Say sưa học tập lý luận và đọc những tài liệu mà anh em cộng sản trong tù đã được học, Nguyễn Văn Cừ nghiền ngẫm và đọc kỹ bản Luận Cương chính trị của Đảng do đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư khởi thảo và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua tháng 10/1930, đồng thời, tìm mọi cách tuyên truyền cho những đồng chí của mình và các bạn tù khác.
Tại Côn Đảo, ngoài những giờ lao động khổ sai, Nguyễn Văn Cừ cùng với các đồng chí của mình chỉ nghỉ ngơi chốc lát để lấy lại sức rồi lao vào học tập văn hoá, lý luận và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình đấu tranh cách mạng. Ra sức học tập các đồng chí có trình độ cao hơn, “Giáo sĩ đỏ”. Nguyễn Văn Cừ học rất kiên trì và tiếp thu nhanh. Đồng chí đã cùng tham gia dịch một số tác phẩm kinh điển ra tiếng Việt như: Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Làm gì, Những nguyên lý của Chủ nghĩa Lênin, Tư bản và nhiều sách báo của Quốc tế Cộng sản, của Đảng Cộng sản Pháp đã được dịch ra tiếng Việt để phục vụ cho việc học tập.
Nhờ có tình cảm cách mạng và trí nhớ tốt, Nguyễn Văn Cừ đã chép lại bản Luận cương chính trị của Đảng, mà đồng chí đã thuộc lòng khi ở nhà tù Hoả Lò để phục vụ cho việc học tập. Trong giảng dạy, đồng chí thường gắn lý luận với thực tiễn cách mạng ở nước ta. Do đó, anh em rất thích và hăng hái học tập. Tại các lớp học ở nhà tù Côn Đảo, đồng chí đã trực tiếp hướng dẫn anh em học tập lý luận và văn hoá.
Noi theo tấm gương học tập sáng ngời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta quyết tâm thực hiện chủ trương của Đảng, xây dựng một xã hội học tập, hướng tới một đất nước văn minh, hiện đại và phát triển.
IV. Học tập Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012 về “Một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay” gắn với học tập tác phẩm “Tự chỉ trích” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Trong quá trình triển khai học tập Nghị quyết số 12-NQ/TW, các chi bộ, tổ đảng cần gắn liền giữa việc học tập Nghị quyết với việc quán triệt những giá trị quý báu về lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Tự chỉ trích” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Cụ thể là:
- Những quan điểm tự phê bình và phê bình trong Đảng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ: “Công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ”. (Nguyễn Văn Cừ - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, NXBCTQG, Hà Nội 2002, tr 683).
- Những nguyên tắc trong tự phê bình và phê bình:
+ “Chúng ta không bao giờ có thể đổ hết những nguyên nhân thất bại cho việc quân thù đàn áp. Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm” (Sđd tr 684).
+ “Tự chỉ trích bônsơvích là để giúp đảng viên tự huấn luyện, để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chớ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - dù cho đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, gieo mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái chia rẽ trong hàng ngũ Đảng.” (tr 383).
- Mục tiêu của tự phê bình và phê bình:
+ “Phải cần làm cho các đảng viên giác ngộ, rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình, biết xoay phương hướng trong những hoàn cảnh khó khăn, nghiêm trọng, biết tự chỉ trích đúng và kịp thời những khuyết điểm, sai lầm; đồng thời Đảng phải tìm cách kiểm soát một cách thiệt sự hơn những hành động của mỗi đảng viên” (tr 382).
+ “Chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ: Xu hướng “tả khuynh”, cô độc nó muốn làm cho Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng, và xu hướng thỏa hiệp hữu khuynh, lung lay trước những tình hình nghiêm trọng nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh” (tr 702).
+ “Thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động”. “Củng cố hàng ngũ để chóng thực hiện thống nhất các lớp nhân dân” (tr 702).
--------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2000, tr 349-350;
(2) Sđd, tr. 351; (3) Sđd, tr. 356; (4) Sđd, tr. 365; (5) Sđd, tr. 633; (6) Sđd, tr. 537;
(7) Sđd, tr. 537; (8) Sđd, tr. 538; (9) Sđd, tr. 539; (10) Sđd, tr.552; (11) Sđd, tr. 556;
(12) Sđd, tr. 644; (13) Sđd, tr. 627; (14) Sđd, tr. 624-625; (15) Sđd, tr. 620;
(16) Sđd, tr. 624; (17) Sđd, tr. 624; (18) Sđd, tr. 623 - 624; (19) Sđd, tr. 640;
(20) Sđd, tr. 623 0- 624; (21) Sđd, tr 645.