Tìm kiếm văn bản : | Nơi ban hành : | ||
Số hiệu : | Từ khóa : | ||
Loại văn bản : |
Loại văn bản : | Các văn bản khác | Số hiệu : | 68-HD/BTGTU |
Người ký : | Lê Quang Dực | Nơi ban hành : | BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY |
Ngày phát hành : | 19/02/2013 | Ngày có hiệu lực : | 19/02/2013 |
TỈNH UỶ THÁI NGUYÊN BAN TUYÊN GIÁO * Số 68-HD/BTGTU |
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Thái Nguyên, ngày 19 tháng 02 năm 2013 |
HƯỚNG DẪN
Tuyên truyền kỷ niệm 45 năm
cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Thực hiện Hướng dẫn số 73-HD/BTGTW, ngày 01 tháng 02 năm 2013 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ hướng dẫn công tác tuyên truyền kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Thông qua các hoạt động tuyên truyền nhằm khẳng định cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là đường lối đúng đắn của Đảng góp phần làm nên Chiến thắng 30/4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
2. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, niềm tự hào dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay; phản bác những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận giá trị, ý nghĩa của sự kiện này.
3. Gắn tuyên truyền kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với tuyên truyền kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng Xuân Quý Tỵ nhằm tạo không khí phấn khởi, cổ vũ tinh thần quyết tâm khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ, thuận lợi quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay từ tháng đầu, quý đầu năm 2013.
II- NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC
1. Nội dung tuyên truyền
- Tuyên truyền về những thắng lợi to lớn và ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Khẳng định chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta; làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, góp phần chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc, buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri về việc lập lại hoà bình ở Việt Nam.
- Khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng và Bác Hồ; sự mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
- Ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, hy sinh quyên mình của quân, dân ta vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc.
2. Hình thức tuyên truyền
- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ sao gửi Đề cương tuyên truyền tới Ban tuyên giáo các đảng bộ trực thuộc, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh để phục vụ cho công tác tuyên truyền. Các địa phương, đơn vị cung cấp cho báo cáo viên để làm tư liệu tuyên truyền miệng.
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: Căn cứ vào Hướng dẫn và Đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, các báo, đài đăng tin, bài về cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Lưu ý khi đăng tin, bài liên quan đến những quan điểm, nhận định, đánh giá, cần bám sát những văn bản chính thống của Đảng, Nhà nước. Những thông tin, tư liệu mới chưa được thẩm định, có nội dung nhạy cảm, cần trao đổi với các cơ quan có trách nhiệm.
- Tổ chức sưu tầm, ghi chép lại các tư liệu, nhân chứng lịch sử liên quan đến cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 để tuyên truyền và lưu giữ phục vụ cho công tác nghiên cứu lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc.
- Tổ chức các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa đối với đồng bào, chiến sĩ có đóng góp to lớn cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban tuyên giáo các đảng bộ trực thuộc, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh khẩn trương triển khai những nội dung nêu trong hướng dẫn này, tập trung tuyên truyền ngay trong tháng 02/2013.
2. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chỉ đạo báo chí đưa tin, tuyên truyền kịp thời, đúng định hướng về sự kiện này. Theo dõi, tổng hợp đánh giá công tác tuyên truyền trên báo chí thông qua giao ban báo chí hàng quý.
3. Các cơ quan thông tin đại chúng đưa tin về sự kiện này gắn với tuyên truyền mừng Đảng, mừng Xuân và việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý I năm 2013./.
Nơi nhận: - Ban Tuyên giáo Trung ương (để b/c); - Thường trực Tỉnh uỷ (để b/c); - Sở VH-TT&DL; Sở Thông tin & Truyền thông; - Hội Nhà báo; Hội VH-NT tỉnh; - Báo Thái Nguyên; Đài PT-TH tỉnh; - Ban tuyên giáo các đảng bộ trực thuộc; - Uỷ ban MTTQ và các tổ chức CT-XH; - Lãnh đạo Ban, các phòng thuộc Ban; - Lưu Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ. |
TRƯỞNG BAN
Lê Quang Dực |
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
Kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công nổi dậy
Xuân Mậu Thân 1968
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một đòn sấm sét đánh vào sào huyệt của Mỹ - ngụy. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa chiến lược đánh dấu bước ngoặt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
I. TÌNH THẾ MỚI CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC VÀ CHỦ TRƯƠNG CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẢNG TA
1. Tình thế mới của Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
- Từ năm 1960, sau khi phong trào Đồng khởi chính thức được phát động tại tỉnh Bến Tre, cách mạng miền Nam chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang tiến công mạnh mẽ, liên tục hình thành một cao trào cách mạng đồng khởi vũ trang của quần chúng vùng nông thôn. Các đơn vị quân giải phóng ở các địa phương, một số đơn vị chủ lực của Khu và Miền được tổ chức với quy mô trung đoàn, làm nòng cốt cho toàn dân đánh Mỹ - ngụy, giành thắng lợi vang dội trên các chiến trường. Điển hình là chiến thắng Ấp Bắc, Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài…. Ta tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực; phá huỷ, thu giữ nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật, đánh bại các chiến thuật “thiết xa vận”, “trực thăng vận” của địch. Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị phá sản. Cách mạng miền Nam giữ quyền chủ động, tạo thế trận mới, đẩy Mỹ và chính quyền ngụy vào thế bị động chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.
- Trước tình hình đó, Mỹ quyết định thay đổi chiến lược chiến tranh để giành thắng lợi quyết định ở miền Nam Việt Nam: chuyển từ chiến lược “chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Mỹ ồ ạt đưa hàng chục vạn quân vào tham chiến ở miền Nam, hy vọng sẽ nhanh chóng đè bẹp đối phương, tiêu diệt cách mạng miền Nam. Mùa mưa 1965, quân Mỹ gấp rút triển khai chiếm lĩnh những địa bàn chiến lược trọng yếu; triển khai lực lượng, thiết lập hệ thống căn cứ quân sự và hậu cần; mở hàng loạt cuộc hành quân đánh vào vùng giải phóng, vùng tranh chấp, các căn cứ kháng chiến và lần đầu tiên, máy bay ném bom chiến lược B.52 được đưa ra sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
- Trên miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ từng bước được mở rộng về quy mô, gia tăng về cường độ và gắn bó chặt chẽ với nhịp độ chiến tranh trên bộ ở miền Nam.
- Đối với hai nước láng giềng của Việt Nam, Mỹ đẩy mạnh “chiến tranh đặc biệt” ở Lào; sử dụng sức ép quân sự và ngoại giao hòng buộc chính phủ Vương quốc Campuchia từ bỏ thái độ trung lập.
- Trên trường quốc tế, Mỹ triệt để lợi dụng mâu thuẫn của phe XHCN và sự bất đồng trong phong trào cộng sản quốc tế để cô lập Việt Nam, đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở trong nước, chính quyền Mỹ thi hành các biện pháp nhằm bưng bít tin tức, che giấu các hoạt động chiến tranh của Mỹ trên chiến trường.
- Từ thực tiễn chống Mỹ, cứu nước trên khắp hai miền Nam, Bắc; trên cơ sở phân tích toàn bộ tình hình trong nước và thế giới có liên quan, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12, khoá III (12/1965) hạ quyết tâm chiến lược: “Động viên lực lượng của cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào”; xác định phương châm chiến lược chung: “Trên cơ sở đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, cần tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong một thế gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam”.
- Lúc này, trên chiến trường, hơn 20 vạn quân Mỹ và đồng minh (trong đó có 184.134 quân Mỹ) đã triển khai xong ở các điạ bàn chiến lược cùng quân ngụy Sài Gòn hợp thành đội quân 72 vạn tên. Với lực lượng đông đảo ấy, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ quyết định mở cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất, mùa khô 1965 - 1966, với chiến dịch “5 mũi tên”, nhưng bị thất bại thảm hại.
- Mùa khô 1966 - 1967, Mỹ tung vào cuộc phản công chiến lược lần thứ 2 một lực lượng quân sự lớn với 40 vạn quân Mỹ, liên tiếp mở 3 cuộc hành quân lớn cấp quân đoàn là Áttenboro, Xiđaphôn, Gian xơn Xiti nhằm vào căn cứ Dương Minh Châu hòng chụp bắt cơ quan đầu não Trung ương Cục, tiêu diệt chủ lực Quân giải phóng miền Nam….
Bằng sức mạnh của chính nghĩa, quân và dân miền Nam đã làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô (1965 - 1966), (1966 - 1967) của Mỹ - ngụy. Hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” bị bẻ gẫy. Mục tiêu mà Mỹ đề ra không thực hiện được, ngược lại, địch bị tổn thất nặng cả về sinh lực và phương tiện chiến tranh, 1.800 máy bay, 1.786 xe tăng, 100 tàu xuồng bị phá hỏng, bắn cháy, bắn chìm. Chúng ta vẫn giữ vững vùng giải phóng và giành thêm 390 ấp. Đánh bại cuộc phản công chiến lược của Mỹ - ngụy. Cách mạng miền Nam đã tạo ra thế chiến lược mới. Quyền chủ động chiến lược trên chiến trường miền Nam đã chuyển vào tay nhân dân ta.
- Ở các đô thị, phong trào đấu tranh chính trị dâng cao, tập trung vào mục tiêu đòi các quyền tự do, dân chủ; đòi Mỹ phải rút quân ra khỏi miền Nam; đòi Thiệu - Kỳ từ chức; đòi chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hoà bình….
Trên miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại của Không quân, Hải quân Mỹ bị quân và dân ta trừng trị đích đáng: 1.067 máy bay các loại bị bắn rơi, 69 tàu chiến bị bắn chìm, bắn cháy trong năm 1967. Đời sống nhân dân không bị xáo trộn lớn. Sản xuất và mọi mặt sinh hoạt vẫn được giữ vững. Giao thông không bị ngừng trệ. Miền Bắc vẫn giữ vững ý chí quyết tâm đánh Mỹ và tăng sức chi viện cho miền Nam.
Chiến công của quân và dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc, cùng với khí thế phong trào đấu tranh của quần chúng dâng cao đã làm xuất hiện tình thế mới trên chiến trường có lợi cho ta.
2. Chủ trương mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968
Tháng 5 và tháng 6/1967, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá tình hình mọi mặt và xem xét dự thảo kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967 - 1968, đã ra chủ trương: trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất để giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn.
Tháng 10/1967, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương họp mở rộng và quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược vào các đô thị trên toàn miền Nam.
Tháng l/1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (khoá III) sau khi phân tích tình hình đã nhận định: địch thất bại một bước rất cơ bản trong chiến lược chiến tranh cục bộ, đang lúng túng bị động về chiến lược, chiến thuật, do đó, ta phải tranh thủ thời cơ “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định”, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh. Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, nhiệm vụ cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.
II. TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN 1968
1. Chuẩn bị và nghi binh “lừa” địch
Sau thất bại thảm hại trong chiến dịch mùa khô 1966 – 1967, Giôn-xơn liều lĩnh quyết định đưa thêm 10 vạn quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Đầu năm 1968, số quân chiến đấu của Mỹ ở miền Nam đã vượt quá nửa triệu tên chưa kể sự yểm trợ của trên 20 vạn quân Mỹ có mặt ở Thái Lan, Phi-líp-pin, Nhật Bản, Guam, Hạm đội 7, cùng với gần 60 vạn quân Ngụy Sài Gòn, gần 7 vạn quân đồng minh của Mỹ.
Về phía ta, để thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương, các chiến trường ở miền Nam gấp rút bắt tay chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích - tổng khởi nghĩa, chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị lực lượng, xây dựng phương án tác chiến và phương án phát động quần chúng nổi dậy, đảm bảo hậu cần tiếp tế, thông tin liên lạc; chuẩn bị cơ sở giấu ém lực lượng và bàn đạp xuất phát tiến công ở vùng ven và trong các đô thị trên toàn miền Nam.
Cùng với quá trình chuẩn bị, ta mở đợt hoạt động tác chiến Thu Đông 1967 đánh bồi vào quân Mỹ và đồng minh, phá sự chuẩn bị mùa khô của địch, đẩy chúng vào thế bị động hơn, buộc địch phải phân tán lực lượng, trực tiếp tạo thế, tạo lực tạo thời cơ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy quy mô lớn nhằm giành thắng lợi quyết định.
Trong đợt này, ở vùng ven đô thị và nông thôn đồng bằng, lực lượng ta được lệnh duy trì hoạt động như thường lệ để không gây sự chú ý đề phòng của địch. Ở vòng ngoài, ta mở các chiến dịch quy mô tương đối lớn tại các khu vực rừng núi nhằm phân tán chủ lực địch.
Trước sức tiến công và công tác nghi binh, lừa địch của ta, tất cả các lực lượng chủ lực của địch từ chuẩn bị phản công để giành quyền chủ động chiến trường phải quay về phòng ngự bị động chống đỡ. Lực lượng của chúng bị căng ra, kế hoạch quân sự và thế bố trí lực lượng trên chiến trường bị đảo lộn, vỡ từng mảng. Điều này càng tạo ra sơ hở trong thế phòng ngự, bị động của chúng để ta triệt để khoét sâu.
Để tiếp tục nghi binh, căng kéo lực lượng của địch, đẩy chúng tiếp tục bị động về chiến lược, ta và bạn Lào mở chiến dịch Nậm Bạc ở Thượng Lào, chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.
Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, hướng phối hợp đặc biệt quan trọng diễn ra trước Tết Mậu Thân 10 ngày đã dội về nước Mỹ như một tiếng sét kinh hoàng. Khe Sanh đã khiến nước Mỹ lo lắng về một “Điện Biên Phủ mới” Giôn-xơn lệnh cho các tham mưu trưởng liên quân Mỹ phải cam kết giữ Khe Sanh bằng mọi giá; 40% các tiểu đoàn chiến đấu Mỹ ở miền Nam được đồn vào khu vực Trị - Thiên.
2. Diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968
Các hoạt động nghi binh, đặc biệt chiến dịch Khe Sanh đã làm cho Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ tại miền Nam và giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn bị lạc hướng. Trong khi họ dồn toàn trí vã lực lượng ra hướng Đường 9 - Khe Sanh và nhận định Khe Sanh là chiến trường chính, thì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy bất ngờ diễn ra ở một loạt đô thị trên toàn miền Nam.
Trước Tết, miền Bắc công bố lịch mới, Tết Nguyên đán Mậu Thân sớm một ngày so với lịch cũ. Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị lui cuộc Tổng tiến công lại một ngày để thống nhất hành động giờ G trên toàn chiến trường. Tuy nhiên, ở Khu V và Tây Nguyên, lực lượng của ta đã ém sẵn không rút ra hoặc giấu quân tại chỗ an toàn được, nên đã đề nghị cho nổ súng vào đêm 28 rạng ngày 29/1/1968 (tức đêm 29 tháng Chạp năm Đinh Mùi), trước Tết giao thừa theo (lịch miền Nam) một ngày. Tỉnh nổ súng sớm nhất là Khánh Hòa. Lúc 23 giờ ngày 28/1/1968, pháo binh ta bắn phá Trung tâm Huấn luyện hải quân ngụy ở Nha Trang.
Đúng 0 giờ ngày 29/l/1968 (giao thừa theo lịch miền Bắc) ta tiến công địch trong thị xã Tuy Hoà (Phú Yên).
Từ 0 giờ 30 phút đến 1 giờ 15 phút ta đồng loạt tiến công vào thị trấn Tân Cảnh, thi xã Kon Tum (Kon Tum), thị xã Buôn Ma Thuộc (Đăk Lăk), thị xã Plây Cu (Gia Lai), thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An (tỉnh Quảng Đà, Quảng Tín), thành phố Qui Nhơn (Bình Định)... Như vậy, cả dải đất miền Trung đã nổ súng tiến công.
Hôm sau, đêm 29 rạng ngày 30 tháng 1 năm 1968 (tức đêm Giao thừa Tết Mậu Thân theo lịch miền Nam, ngày mùng một Tết theo lịch miền Bắc), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tiếp tục diễn ra ở khắp các tỉnh và thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam. Bộ binh, đặc công, pháo binh, biệt động ta đánh mạnh, đánh trúng các mục tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn - Gia định, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Tây Ninh, Bến Tre, Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, Biên Hoà, Mỹ Tho, Cần Thơ, Trà Vinh, Châu Đốc, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Kiên Giang, Tuyên Đức...
Ngày 31/l và 1/2/1968, quân dân ta tiếp tục tấn công vào Sài Gòn, Huế, Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Kiến Tường, Long Khánh và nhiều nơi khác.
Trong khí thế sôi sục Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình miền Nam Việt Nam thành phố Huế, Sài Gòn - Gia Định ra đời. Uỷ ban lãnh đạo toàn quốc của Liên minh đã ra lời kêu gọi “quốc dân đồng bào” , “không chịu tủi nhục vì mất nước”, “không thể tiếp tục cảnh tôi đòi”, hay “đứng lên giành chính quyền, giành độc lập, hoà bình, tự do vả cuộc sống trong sạch, ấm no”.
Lời kêu gọi của Liên minh đã thôi thúc mọi tầng lớp nhân dân cả thành thị và nông thôn nổi dậy, sát cánh cùng với quân giải phóng, lực lượng cách mạng thừa thắng xốc tới tiến công vào hang ổ địch trên khắp miền Nam.
Sài Gòn - Gia Định là trọng điểm lớn nhất của Tổng tiến công và nổi dây Xuân Mậu Thân 1968, bởi vì đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam.
Để bảo vệ Sài Gòn - Gia Đình, Mỹ - ngụy đã tổ chức một hệ thống phòng thủ vững chắc nhiều tầng, nhiều lớp với nhiều loại lực lượng tham gia. Đặc biệt vào đầu năm 1968, khi phát hiện ta chuyển quân về các vùng trung tâm dân cư Mỹ đã hủy bỏ các cuộc hành quân dự kiến co về vùng vành đai Sài Gòn, hình thành ba tuyến phòng thủ. Lực lượng chủ lực của chúng trực tiếp phòng thủ Sài Gòn - Gia Định gồm: 4 sư đoàn, 2 lữ đoàn, 1 trung đoàn quân Mỹ, 1 lữ đoàn quân Thái Lan, 1 trung đoàn quân Ôxtrâylia, 3 sư đoàn quân ngụy cùng nhiều liên đoàn biệt động, giang thuyền, chưa kể lực lượng an ninh, cảnh sát, bảo an dân vệ.
Ngay từ phút đầu nổ súng, biệt động ta đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu quy định: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Quân lực Việt Nam cộng hoà, Bộ tư lệnh hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài phát thanh, toà Đại sứ Mỹ. Trận đánh toà Đại sứ Mỹ hơn 6 tiếng đồng hồ với 17 chiến sĩ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của Mỹ đã gây một tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ.
Đồng thời với lực lượng biệt động, các tiểu đoàn mũi nhọn trang bị gọn nhẹ, từ các bàn đạp vùng ven, nhanh chóng tiến vào nội đô trên các hướng. Xung quanh Sài Gòn - Gia Định, các căn cứ quân sự, trụ sở quân đội và chính quyền Sài Gòn ở Biên Hoà, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Long An cũng bị tiến công.
Ở mặt trận Trị Thiên, lực lượng ta tiến công Nhà đèn, Ty Cảnh sát, Toà tỉnh trưởng, trụ sở cơ quan bình định và trụ sở MACV, Tri Bưu, Thành Cổ, La Vang, điểm cao 49. Nhân dân Triệu Phong, Hải Lăng, Bến Đá rầm rộ nổi dậy cùng bộ đội địa phương bao vây địch ở trong các quận lỵ cầu Nhùng, Bến Đá làm chủ đoạn quốc lộ 1 từ Diên Sanh đến Mỹ Chánh; đánh chìm quận lỵ Phú Lộc, cắt đứt quốc lộ 1 đoạn từ Đà Nẵng ra Huế, phá sập Cầu Hai, cầu Nước Ngọt, giải phóng khu vực xung yếu ven biển và phía nam Cầu Hai, khu vực Ruồi.
Tại Huế, thành phố lớn thứ 3 miền Nam, hầu hết các cơ quan đầu não của địch bị ta đánh chiếm. Phối hợp với chủ lực, quần chúng nổi dậy lùng bắt ác ôn, phá bỏ bộ máy kìm kẹp, thiết lập chính quyền cách mạng cơ sở, xây dựng trận địa phòng thủ... Địch sau đó phản kích dữ dội. Ta và địch giành giật nhau từng góc phố, từng căn nhà, từng đoạn đường. Ngày 25/2, quân ta rút khỏi Huế để bảo toàn lực lượng. Như vậy, quân và dân ta đã làm chủ thành phố Huế 25 ngày đêm.
Bị tiến công đồng loạt, bất ngờ, địch lúc đầu choáng váng. Chúng dồn về mặt trận đô thị, bỏ ngỏ vùng nông thôn. Nắm thời cơ, lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giải phóng nhiều vùng rộng lớn.
Tiếp theo đợt một, chúng ta còn mở đợt tiến công mùa hè (5/1968) và mùa thu (8/1968). Hai đợt tiến công này bồi tiếp đòn nặng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, gây cho chúng những tổn thất lớn về sinh lực và phương tiện chiến tranh.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ta đã đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ. 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân đội Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự địch bị tiến công đồng loạt. Chúng ta tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân địch trong đó có 4 vạn quân Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng thêm 100 xã với hơn 1,6 triệu dân.
3. Ý nghĩa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968
Trên chặng đường 21 năm chiến đấu giành độc lập tự do cho Tổ quốc (1954 - 1975), dân tộc Việt Nam đã buộc phải đương đầu với đế quốc Mỹ - một cường quốc hàng đầu của thế kỷ XX đang theo đuổi chiến lược toàn cầu mà Việt Nam là một “đôminô” trong tính toán chiến lược của Mỹ. Trong suốt quá trình đó, Mỹ đã thi hành nhiều thủ đoạn và biện pháp, thay đổi nhiều chiến lược chiến tranh, bỏ ra nhiều tiền của và công sức hòng khuất phục đối phương. Tìm đường đánh Mỹ và tìm cách thắng Mỹ, là cả một quá trình đầy sáng tạo, rất mưu lược của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, với hiệu quả chiến lược của nó, là một thành công lớn trong quá trình này .
a. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được khởi xướng khi nỗ lực xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lên tới đỉnh cao, khi lực lượng so sánh đôi bên trên chiến trường nghiêng mạnh về phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn, bằng cuộc tiến công đồng loạt, táo bạo, dũng mãnh, nhằm vào đô thị trên toàn miền Nam, quân và dân ta đã đánh đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải đơn phương xuống thang chiến tranh, khởi đầu cho một quá trình đi xuống về mặt chiến lược. Và quá trình đó là không thể đảo ngược cho dù phải 5 năm sau Mỹ mới rút hết quân ra khỏi miền Nam và phải 7 năm sau chế độ Sài Gòn mới sụp đổ, nhưng về mặt chiến lược, Mỹ đã thua cuộc từ mùa xuân 1968.
Sau một tháng, tướng Oétmolen, Tổng chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam bị cách chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Namara từ chức. Sau 2 tháng, ngày 31/3/1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn phải tuyên bố ba điểm: Đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; đồng ý đàm phán với ta tại Hội nghị Pari; Không ra tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai nữa…. Đây là sự thừa nhận đầu tiên nhưng đầy đủ nhất về sự phá sản của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, chiến lược chiến tranh quan trọng nhất được Mỹ công phu chuẩn bị và đánh giá cao trong chiến lược toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của Mỹ những năm 60. Đến tháng 5/1968, Mỹ phải bắt đầu đàm phán với ta về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giáng một đòn quyết định làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ dù rất ngoan cố và hiếu chiến vẫn phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom miền Bắc, giảm dần quân Mỹ trên chiến trường, ngồi vào bàn đàm phán ở Hội nghị Pari.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, dù chưa đạt được yêu cầu của khả năng thứ nhất theo dự kiến ban đầu; và phải hy sinh to lớn, nhưng quân và dân ta đã xoay chuyển được cục diện tình hình mà trước đó ta chưa bao giờ tạo được. Cục diện đó cho phép chúng ta tiếp tục đưa sự nghiệp kháng chiến tiến lên theo phương hướng chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong Thư chúc Tết năm 1969; “Vì độc lập, vì tự do; đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”.
b. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ta tiêu diệt, tiêu hao một lực lượng quan trọng quân địch, phá huỷ nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị của chúng trên quy mô toàn miền, đã tạo bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo một bước phát triển đột biến trong cục diện chiến tranh.
Lần đầu tiên, trên chiến trường miền Nam, ta tiến công vào hàng loạt thành thị lớn nhỏ, kể cả thành phố Sài Gòn, đánh thẳng vào những trung tâm đầu não chính trị, quân sự của Mỹ - ngụy, vào hậu phương trọng yếu của chúng, phá tan kế hoạch bình định của địch, giải phóng thêm nhiều vùng nông thôn với hàng triệu dân, phá hơn một nửa số “ấp chiến lược” của địch, mở rộng và củng cố hậu phương của ta, tăng thêm nguồn sức người, sức của cho cuộc kháng chiến.
Quân giải phóng miền Nam mở cuộc tổng tiến công rộng lớn, đồng loạt, gây cho Mỹ tổn thất nặng, trong khi chỉ sử dụng một bộ phận lực lượng không nhiều; ghìm chặt đội quân đông hơn 1 triệu 20 vạn tên vào mặt trận đô thị; tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch; phá huỷ, phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh; phá rã chính quyền địch ở nhiều vùng nông thôn; phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị trên quy mô toàn miền; làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng ở miền Nam.
Trên miền Bắc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi to lớn và toàn diện, tiếp tục đánh bại chiến tranh phá hoại của địch, bảo đảm giao thông thông suốt trong điều kiện địch đánh phá rất ác liệt, tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến lớn, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện có chiến tranh.
Trên thế mạnh của tiến công quân sự và tiến công chính trị trên chiến trường, chúng ta đã đẩy mạnh tiến công ngoại giao, buộc địch phải đàm phán với ta ở Pari, làm cho địch càng bị động, cô lập và mâu thuẫn trong nội bộ, mâu thuẫn giữa Mỹ - ngụy càng gay gắt.
Thắng lợi to lớn và quan trọng nhất là chúng ta đã tạo ra một sự thay đổi đột biến trong cục diện chiến tranh, thể hiện tập trung ở những mặt sau đây:
Về mặt thêm chiến lược: Thế chiến lược của địch đã bị đảo lộn và càng lún sâu vào phòng ngự bị động. Kế hoạch chiến lược “tìm diệt và bình định” năm 1968 chưa kịp triển khai đã phải vứt bỏ; địch đã phải bị động chuyển một cách đột ngột sang “chiến lược quét và giữ”. Chiến lược này ngay khi mới đưa ra đã bị đánh bại bước đầu, thế chiến lược của ta càng vững mạnh. Ta đã đưa chiến lược tiến công của chiến tranh cách mạng lên một bước mới tạo ra thế tiến công, bao vây địch trên tất cả các chiến trường, nhất là trên mặt trận thành thị.
Về mặt lực lượng: Sự so sánh lực lượng địch - ta đã biến đổi một bước quan trọng có lợi cho ta.
Lực lượng quân sự Mỹ - ngụy kể cả sinh lực và phương tiện chiến tranh đã bị tổn thất nặng nề, tinh thần chiến đấu của địch càng sa sút. Đặc biệt, hiệu lực chiến lược của quân Mỹ và quân ngụy trong thế chiến lược phòng ngự bị động càng giảm sút rõ rệt. Những mâu thuẫn, khó khăn và bế tắc của chúng về số quân, về chất lượng, về cách đánh càng gay gắt và trầm trọng.
Về mặt chính trị: Điều quan trọng nhất là giới cầm quyền Mỹ đã mất tin tưởng ở chiến lược quân sự của chúng. Trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ, giữa Mỹ và ngụy, trong nội bộ bọn tay sai Mỹ ở miền Nam, mâu thuẫn trở nên rất gay gắt, hàng ngũ của chúng phân hoá sâu sắc và rối loạn hơn bao giờ hết. Phong trào nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam càng lên cao. Ngày 31/3/1968, Giôn-xơn đã phải thú nhận thất bại, thực hiện ném bom hạn chế miền Bắc và rút lui việc ra ứng cử tổng thống, đồng thời chúng phải cách chức Oétmolen.
c. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một biểu hiện sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, biểu hiện sự độc lập tính sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta.
Sự chỉ đạo chiến lược của Đảng trong giai đoạn này, giai đoạn đánh thắng nỗ lực cao nhất của cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ, nổi lên những điểm sau:
Một là, đã dự kiến sớm và đúng xu hướng phát triển của chiến tranh, nên có sự chủ động chuẩn bị đối phó. Khi địch đang đưa chiến lược “chiến tranh đặc biệt” đến mức cao ở miền Nam, trước sự thay đổi chiến lược và bước leo thang chiến tranh mới, Mỹ đưa hàng chục vạn quân ồ ạt vào miền Nam, dùng hàng ngàn máy bay, hàng chục tàu chiến lớn đánh phá miền Bắc, ta đều chủ động chuẩn bị đối phó và đánh thắng từng bước chiến lược mới của Mỹ.
Hai là, đã đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch. Khi Mỹ đưa mấy chục vạn quân ồ ạt vào miền Nam; kiên định quyết tâm đánh Mỹ, giữ vững và thực hành chiến lược tiến công và kịp thời xác định quyết tâm trực tiếp đánh quân chiến đấu Mỹ với chủ trương chiến lược kết hợp phản công với tiến công. Đã chỉ đạo đánh thắng Mỹ ngay từ những trận đầu, chiến dịch đầu, thời kỳ đầu. Đặc biệt, ta đã động viên xây dựng được quyết tâm và khí thế đánh Mỹ trên cả nước cao chưa từng thấy, củng cố được niềm tin và tạo được đà thắng Mỹ trên chiến trường miền Nam, liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược trong hai mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của địch cũng như đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ trên miền Bắc.
Ba là, đã chọn đúng hướng tiến công rất hiểm là thành thị, sáng tạo cách đánh mới trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 rất bất ngờ và đầy hiệu lực làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng; làm rung chuyển cả nước Mỹ và chấn động dư luận thế giới; làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, mở đầu quá trình xuống thang chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Đã tròn 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã kết thúc thắng lợi, Tổ quốc đã thống nhất nhưng ý nghĩa của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên tính thời sự đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là khát vọng về một nền độc lập tự do cho Tổ quốc, một nền hoà bình bền vững cho đất nước hôm nay và mai sau. Đó là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm tạo nên sức mạnh to lớn, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mâu Thân 1968 là dịp để chúng ta ôn lại trang sử truyền thống vẻ vang của dân tộc, bản chất truyền thống tốt đẹp và những chiến công oanh liệt của quân đội và nhân dân ta. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu CNXH, ý chí tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn thử thách, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành vừng mạnh, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của cách mạng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH - HĐH đất nước và mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG