Tìm kiếm văn bản : Nơi ban hành :
Số hiệu : Từ khóa :
Loại văn bản :
Loại văn bản : Nghị quyết Số hiệu : 17/2011/NQ-HÐND
Người ký : Vũ Hồng Bắc Nơi ban hành : HĐND TỈNH THÁI NGUYÊN
Ngày phát hành : 20/07/2011 Ngày có hiệu lực : 20/07/2011

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

TỈNH THÁI NGUYÊN

Số: 17/2011/NQ-HĐND

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Thái Nguyên, ngày 20 tháng 7  năm 2011

NGHỊ QUYẾT

Ban hành Nội quy kỳ họp của HĐND tỉnh Thái Nguyên

Khoá XII, nhiệm kỳ 2011 - 2016

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

KHOÁ XII, KỲ HỌP THỨ 2

            Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

            Căn cứ Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân năm 2005;

            Xét Tờ trình số: 17/TTr-HĐND ngày 16/7/2011 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc đề nghị thông qua Nội quy kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XII, nhiệm kỳ 2011 - 2016; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

            Điều 1. Ban hành Nội quy kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XII, nhiệm kỳ 2011 - 2016.

            Điều 2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Đoàn đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và các đại biểu được mời dự kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khoá XII, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 20 tháng 7 năm 2011./.

 

Nơi nhận:

- UBTV Quốc hội;

- Chính phủ;

- Thường trực Tỉnh uỷ;

- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên;

- UBND tỉnh; UBMTTQ tỉnh Thái Nguyên;

- Các vị đại biểu HĐND tỉnh khoá XII;

- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;

- HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;

- VP Tỉnh uỷ, VP  UBND tỉnh;

- LĐVP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;

- Các Phòng nghiệp vụ thuộc Văn phòng;

- Các CV Phòng Công tác HĐND;

- Báo Thái Nguyên, Trung tâm thông tin tỉnh;

- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

 

 

  Vũ Hồng Bắc

NỘI QUY

KỲ HỌP CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

KHOÁ XII, NHIỆM KỲ 2011 - 2016

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số: 17/2011/NQ-HĐND ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XII, nhiệm kỳ 2011 - 2016)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Quy định về kỳ họp Hội đồng nhân dân

Kỳ họp Hội đồng nhân dân là hình thức hoạt động chủ yếu của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Hội đồng nhân dân tỉnh họp công khai, thường lệ mỗi năm hai kỳ. Khi cần thiết, Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định tổ chức kỳ họp chuyên đề, kỳ họp bất thường hoặc họp kín theo quy định của pháp luật.

Căn cứ tình hình cụ thể, Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh gồm phiên họp trù bị và các phiên họp chính thức. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp của kỳ họp.

Điều 2. Quy định về phiên họp trù bị

Tại phiên họp trù bị, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhận tài liệu kỳ họp; Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tham gia ý kiến và biểu quyết thông qua.

Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh nếu không có phiên họp trù bị thì các nội dung của việc trù bị sẽ được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức triển khai trước giờ khai mạc kỳ họp.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Đối với Chủ tọa kỳ họp

1. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Chủ toạ các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh.

2. Chủ toạ kỳ họp có những nhiệm vụ:

Thông báo dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp; thông báo số đại biểu có mặt, vắng mặt; thống nhất và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh khai mạc và bế mạc các kỳ họp (nếu Chủ tịch vắng mặt thì Phó Chủ tịch khai mạc và bế mạc kỳ họp; nếu Chủ tịch, Phó Chủ tịch vắng mặt thì Ủy viên Thường trực khai mạc và bế mạc kỳ họp).

Điều khiển phiên họp theo chương trình đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua; đề nghị Hội đồng nhân dân điều chỉnh chương trình khi cần thiết;

Dự kiến các vấn đề đưa ra thảo luận tại phiên họp của Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc tại phiên thảo luận tổ; chia tổ thảo luận;

Bảo đảm thảo luận dân chủ, tạo điều kiện để các đại biểu đóng góp ý kiến; dành thời gian thỏa đáng cho việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp;

Chỉ đạo việc tổng hợp ý kiến thảo luận của đại biểu tại phiên họp Hội đồng nhân dân và tại phiên thảo luận tổ;

Chỉ đạo việc tiếp thu ý kiến của đại biểu và chỉnh lý dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tại Kỳ họp;

Điều hành để Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết thông qua nghị quyết. Hội đồng nhân dân quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay, bỏ phiếu kín hoặc bằng hình thức khác theo đề nghị của Chủ toạ kỳ họp.

Điều 4. Quy định đối với đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp, họp Đoàn, họp tổ thảo luận. Nếu không tham dự phải có lý do chính đáng và báo cáo trước với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Khi kỳ họp đã khai mạc thì báo cáo với Chủ tọa kỳ họp. Khi được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tọa kỳ họp đồng ý đại biểu mới được phép vắng mặt.

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch và các thành viên khác của Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.

Điều 5. Quy định về vị trí ngồi của đại biểu trong kỳ họp

Trong suốt quá trình diễn ra kỳ họp, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh ngồi họp theo vị trí đã được quy định trong hội trường, Trưởng đoàn các Đoàn đại biểu có trách nhiệm quản lý đại biểu của Đoàn mình. Trước giờ làm việc của từng phiên họp, các Trưởng đoàn báo cáo cho Chủ tọa kỳ họp biết số đại biểu có mặt, vắng mặt để ghi vào biên bản kỳ họp.

Khi tham dự các phiên họp toàn thể tại hội trường, các đại biểu không trao đổi công việc riêng, không tự ý đi lại, không đọc sách, báo, tài liệu không liên quan đến kỳ họp. Đại biểu chỉ được phát biểu khi đã đăng ký với Chủ tọa kỳ họp và được Chủ tọa kỳ họp cho phép.

Điều 6. Quy định về sử dụng trang phục, đeo phù hiệu và sử dụng điện thoại di động tại kỳ họp

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu được mời dự kỳ họp phải sử dụng trang phục lịch sự, theo mùa. Đại biểu là nam giới thắt cà vạt, đi giầy hoặc dép có quai hậu; đại biểu là nữ giới mặc áo dài truyền thống; đại biểu là người dân tộc thiểu số nên mặc trang phục, đồ trang sức truyền thống của dân tộc mình tại phiên khai mạc và phiên bế mạc kỳ họp.

Các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phải đeo phù hiệu đại biểu theo mẫu quy định. Khi bị mất phù hiệu, đại biểu phải báo cáo với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.

Không sử dụng điện thoại di động trong hội trường khi đang diễn ra kỳ họp và trong khi thảo luận tổ.

Điều 7. Đối với các đại biểu là Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, các cấp, các ngành của tỉnh được mời dự kỳ họp

Đại biểu được mời dự kỳ họp có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp, nếu vắng mặt có lý do chính đáng phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tọa kỳ họp.

Điều 8. Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp

Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh muốn chất vấn phải ghi rõ nội dung chất vấn, người bị chất vấn vào phiếu ghi chất vấn và gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để chuyển đến người bị chất vấn; nội dung chất vấn phải rõ ràng, đúng tính chất và nội dung, không được lạm dụng chất vấn và trả lời chất vấn để đạt mục đích ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổng hợp chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, chuyển đến Thủ trưởng cơ quan hoặc người được chất vấn trước phiên họp chất vấn để chuẩn bị trả lời bằng văn bản hoặc trực tiếp tại phiên họp toàn thể.

Thủ trưởng cơ quan hoặc người được được chất vấn trả lời chất vấn trực tiếp tại phiên họp toàn thể của Hội đồng nhân dân tỉnh về những vấn đề mà đại biểu đã chất vấn. Nội dung trả lời chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, đi thẳng vào nội dung được hỏi, xác định rõ trách nhiệm và biện pháp khắc phục và phải lập thành văn bản chuyển đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã chất vấn ngay tại phiên họp. Thời gian trả lời chất vấn về từng vấn đề không quá mười lăm phút, trong trường hợp đặc biệt do Chủ tọa kỳ họp quyết định.

Nếu các đại biểu còn chất vấn bổ sung hoặc cần giải thích rõ thêm thì Chủ tọa kỳ họp yêu cầu người được chất vấn tiếp tục trả lời chất vấn. Khi cần thiết, kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh ra Nghị quyết về việc trả lời chất vấn.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổng hợp các ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn, thống nhất với Uỷ ban nhân dân tỉnh để đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 9. Thư ký kỳ họp

Lập danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có mặt, vắng mặt trong các phiên họp và trong kỳ họp;

Ghi biên bản phiên họp, kỳ họp;

Tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến phát biểu của đại biểu tại cuộc thảo luận tổ và phiên họp toàn thể;

Giúp Chủ tọa kỳ họp trong việc điều khiển thảo luận và biểu quyết;

Giúp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các cơ quan hữu quan chỉnh lý dự thảo nghị quyết và các văn bản khác để trình Hội đồng nhân dân tỉnh.

Điều 10. Tổng hợp ý kiến thảo luận

Thư ký kỳ họp phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh tổng hợp các ý kiến thảo luận ở tổ, ở kỳ họp và được tổng hợp đầy đủ, phản ánh chính xác, trung thực tại kỳ họp. Trong khi thảo luận còn những vấn đề có ý kiến khác nhau, Chủ tọa kỳ họp yêu cầu cơ quan có liên quan báo cáo giải trình cụ thể và kết thúc việc thảo luận bằng cách biểu quyết theo từng vấn đề.

Điều 11. Trình tự thông qua Nghị quyết tại kỳ họp

1. Đại diện cơ quan, tổ chức trình báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết thuyết trình trước Hội đồng nhân dân tỉnh;

2. Trưởng ban hoặc Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh được giao thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình bày báo cáo thẩm tra;

3. Hội đồng nhân dân tỉnh thảo luận;

4. Trong quá trình thảo luận tại phiên họp toàn thể, Chủ tọa có thể nêu những vấn đề còn có ý kiến khác nhau để Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Khi cần thiết, Hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu cơ quan hữu quan báo cáo giải trình, làm rõ về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm.

Cơ quan, tổ chức trình báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

5. Hội đồng nhân dân tỉnh biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án bằng cách biểu quyết từng vấn đề, sau đó biểu quyết toàn bộ hoặc nghe đọc toàn văn rồi biểu quyết toàn bộ một lần hoặc biểu quyết những vấn đề còn có ý kiến khác nhau rồi biểu quyết toàn bộ.

Điều 12. Quy định công tác thông tin tuyên truyền về diễn biến kỳ họp

Thực hiện truyền thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp toàn thể của Hội đồng nhân dân tỉnh tại hội trường.

Ghi hình, tổng hợp diễn biến nội dung các phiên thảo luận ở tổ, chọn lọc nội dung để phát trên kênh truyền hình của tỉnh, đưa tin trên Báo Thái Nguyên và các cơ quan thông tin đại chúng khác trên địa bàn tỉnh.

Điều 13. Quy định đối với cơ quan chuyên môn giúp việc cho kỳ họp

Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh điều khiển lễ chào cờ khi khai mạc và bế mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh. Giới thiệu và mời Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Chủ tọa kỳ họp. Mời Thư ký kỳ họp thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại kỳ họp.

 Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm chuẩn bị nội dung, điều kiện vật chất giúp Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức tốt Kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh theo Nội quy này.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh; các đại biểu được mời dự kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh chấp hành nghiêm chỉnh Nội quy này.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN