Tìm kiếm văn bản : Nơi ban hành :
Số hiệu : Từ khóa :
Loại văn bản :
Loại văn bản : Nghị quyết Số hiệu : 41/2014/NQ-HÐND
Người ký : Vũ Hồng Bắc Nơi ban hành : HĐND TỈNH THÁI NGUYÊN
Ngày phát hành : 18/05/2014 Ngày có hiệu lực : 16/05/2014

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

TỈNH THÁI NGUYÊN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số:  41/2014/NQ-HĐND

 

             Thái Nguyên, ngày 18 tháng 5  năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

Về việc thông qua Quy hoạch phân bổ, quản lý và bảo vệ Tài nguyên nước mặt tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020,
định hướng
đến năm 2030

 

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XII, KỲ HỌP THỨ 9 (KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ)

 

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước năm 2012;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002;

Căn cứ Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 10/TTr-UBND ngày 26/3/2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

 

QUYẾT NGHỊ:

 

Điều 1. Nhất trí thông qua Quy hoạch phân bổ, quản lý và bảo vệ Tài nguyên nước mặt tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, gồm các nội dung chủ yếu sau: 

1. Mục tiêu chung

 Đảm bảo khai thác hợp lý, bền vững và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên nước mặt; chủ động phòng, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt; đáp ứng nhu cầu nước cho các lĩnh vực đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phân bổ và chia sẻ tài nguyên nước phải hài hòa, hợp lý giữa các ngành, các địa phương, ưu tiên sử dụng nước cho sinh hoạt, sử dụng nước mang lại giá trị kinh tế cao, bảo đảm dòng chảy, môi trường;

- Phấn đấu đến năm 2020, 100% công trình khai thác nước mặt tập trung đều được kiểm soát khai thác về chất lượng, lưu lượng khai thác, sử dụng;

- 100% công trình khai thác mới phải được cấp phép đầy đủ của cấp có thẩm quyền trước khi đi vào hoạt động và phải báo cáo tình hình thực hiện cấp phép khai thác định kỳ hàng năm;

- Đảm bảo nước cho hệ sinh thái thủy sinh và duy trì môi trường các dòng sông;

- Cải thiện chất lượng nước tại các đoạn sông đang bị ô nhiễm theo mục tiêu chất lượng nước;

- Phấn đấu đến năm 2020, 100% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, 80% các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp và 100% bệnh viện có trạm xử lý nước thải đạt Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Việt Nam.

3. Nội dung Quy hoạch

3.1. Quy hoạch phân bổ

a) Phương án phân bổ

- Đến năm 2015: Nước mặt phân bổ cho 50% nhu cầu sử dụng của sinh hoạt (ứng với 30,75 triệu m3/năm), 90% nhu cầu sử dụng của công nghiệp (ứng với 98,16 triệu m3/năm), 98% nhu cầu sử dụng của nông nghiệp (ứng với 526,82 triệu m3/năm);

- Đến năm 2020: Nước mặt phân bổ cho 45% nhu cầu sử dụng của sinh hoạt (ứng với 32,16 triệu m3/năm), 90% nhu cầu sử dụng của công nghiệp (ứng với 116,33 triệu m3/năm); 98% nhu cầu sử dụng của nông nghiệp (ứng với 543,78 triệu m3/năm);

- Đến năm 2030: Nước mặt phân bổ cho 40% nhu cầu sử dụng của sinh hoạt (ứng với 34,06 triệu m3/năm), 90% nhu cầu sử dụng của công nghiệp (ứng với 131,87 triệu m3/năm), 97% nhu cầu sử dụng của nông nghiệp (ứng với 544,66 triệu m3/năm); đảm bảo hài hòa hiệu ích kinh tế xã hội, phù hợp với nhu cầu sử dụng và khả năng đáp ứng của từng vùng.

b) Phân vùng quy hoạch

Vùng quy hoạch được phân thành 5 vùng: Vùng thượng Thác Huống (có 6 khu dùng nước: Khu Chợ Chu, Khu sông Đu, Khu Nghinh Tường, Khu miền núi phía Bắc, Khu miền núi phía Đông, Khu trung tâm ven sông Cầu), vùng hạ  Thác Huống, vùng thượng Núi Cốc, vùng hạ Núi Cốc (có 2 khu dùng nước: khu tả sông Công và khu hữu sông Công), vùng lưu vực sông Rong.

c) Phân bổ tài nguyên nước mặt cho từng vùng (có phụ lục số 01 kèm theo).

3.2. Quy hoạch, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước mặt

a) Phương án quản lý và bảo vệ tài nguyên nước mặt

Quản lý và bảo vệ tài nguyên nước mặt thông qua kiểm soát nguồn thải, nguồn ô nhiễm bằng việc xử lý lượng nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi đổ ra sông theo mục tiêu cụ thể trên từng đoạn sông; đồng thời kiểm soát khai thác nước theo phương án phân bổ tài nguyên nước mặt để duy trì dòng chảy môi trường và bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh trên các sông chính, sông quan trọng .

b) Biện pháp quản lý và bảo vệ tài nguyên nước:

- Phân vùng quản lý và bảo vệ tài nguyên nước mặt (có phụ lục số 02 kèm theo).

- Giảm thiểu ô nhiễm tài nguyên nước.

- Xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước.

- Hoàn thiện mạng lưới thông tin về tài nguyên nước.

- Phát triển nguồn nước (bổ sung nguồn cấp nước).

4. Kinh phí thực hiện

- Đến năm 2015: 12 tỷ đồng; đến năm 2030: 1.560 tỷ đồng.

- Nguồn kinh phí thực hiện: Ngân sách nhà nước là 122 tỷ đồng. Nguồn vốn còn lại là 1450 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn vốn đầu tư xã hội hóa, vốn các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức công bố công khai quy hoạch và triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa XII, Kỳ họp thứ 9 (Kỳ họp chuyên đề) thông qua ngày 16 tháng 5 năm 2014./.

 

Nơi nhận:                                            

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Báo cáo);

- Chính phủ (Báo cáo);

- Bộ Tư pháp (Để kiểm tra);

- Bộ Tài chính (Báo cáo);

- Bộ Tài nguyên và Môi trường (Báo cáo);

- Thường trực Tỉnh uỷ (Báo cáo);

- Thường trực HĐND tỉnh;

- UBND tỉnh;

- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên;

- UB MTTQVN tỉnh Thái Nguyên;

- Các đại biểu HĐND tỉnh khoá XII;

- Toà án nhân dân tỉnh;

- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;

- Kiểm toán Nhà nước Khu vực X;

- Các Sở, ban, ngành, các đoàn thể của tỉnh;

- Ban chỉ đạo GPMB tỉnh;

- Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng UBND tỉnh;

- Lãnh đạo VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;

- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;

- Các Phòng nghiệp vụ thuộc VP;

- Các CV Phòng Công tác HĐND;

- Báo Thái Nguyên, Trung tâm TT tỉnh (Để đăng);

- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH

 

 

 

Vũ Hồng Bắc