Tìm kiếm văn bản : | Nơi ban hành : | ||
Số hiệu : | Từ khóa : | ||
Loại văn bản : |
Loại văn bản : | Nghị quyết | Số hiệu : | 09/2007/NQ-HÐND |
Người ký : | Mai Đông Kinh | Nơi ban hành : | HĐND T.P Thái Nguyên |
Ngày phát hành : | 20/07/2007 | Ngày có hiệu lực : | 20/07/2007 |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
Số: 09/2007/NQ-HĐND |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 20 tháng 7 năm 2007 |
NGHỊ QUYẾT
Về việc phê duyệt Đề án Phát triển mạng lưới giao thông tĩnh
thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2007 - 2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ THÁI NGUYÊN
KHOÁ XVI, KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng năm 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số: 278/2005/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020;
Sau khi nghe Tờ trình của Uỷ ban nhân dân thành phố Thái Nguyên về việc đề nghị phê duyệt Đề án phát triển mạng lưới giao thông tĩnh thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2007 - 2010; báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí phê duyệt Đề án Phát triển mạng lưới giao thông tĩnh thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2007 - 2010 với một số nội dung chủ yếu sau:
1. Nhiệm vụ và mục tiêu của đề án.
a. Mục tiêu của đề án.
Cụ thể hoá Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Nguyên đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 278/2005/QĐ-TTg ngày 02 tháng 11 năm 2005.
Làm cơ sở pháp lý để lập kế hoạch đầu tư xây dựng ngắn hạn và dài hạn mạng lưới các điểm, bãi đỗ xe công cộng phù hợp với quá trình xây dựng và phát triển thành phố theo các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Giải quyết nhu cầu về đỗ xe trên địa bàn thành phố đồng thời khai thác có hiệu quả quỹ đất xây dựng trước mắt và lâu dài.
Làm cơ sở để thành phố Thái Nguyên thực hiện các bước tiếp sau quy hoạch và thực hiện các dự án có liên quan.
Đóng góp và hỗ trợ vào việc thực hiện các chủ trương, chính sách, kế hoạch và các dự án cụ thể của thành phố Thái Nguyên trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông, cải thiện môi trường đô thị, xây dựng thành phố văn minh xanh, sạch, đẹp.
b. Nhiệm vụ của đề án
Điều chỉnh tính chất chức năng và quy mô phát triển đô thị trên cơ sở tác động của mối quan hệ phát triển vùng.
Định hướng phát triển không gian đô thị thành phố Thái Nguyên đến năm 2010 phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, của vùng Việt Bắc.
Quy hoạch mạng lưới giao thông các Bến xe, Bãi đỗ rửa xe, các điểm đỗ xe công cộng để làm cơ sở cho việc phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
2. Nội dung và giải pháp của đề án (gồm 4 nội dung chính)
a. Nghiên cứu thực trạng tình hình mạng lưới giao thông tĩnh của thành phố Thái Nguyên
b. Các giải pháp về quy hoạch mạng lưới giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2007 - 2010.
* Bến xe: 03 bến xe.
- Bến xe khách Đồng Quang. Chuyển thành bến xe buýt (1,5ha).
- Bến xe khách phía tây: Dự kiến xây dựng tại khu cầu vượt phường Thịnh Đán (3,5ha).
- Bến xe tải: Dự kiến bố trí tại khu vực cụm công nghiệp phường Tân Lập (5ha).
* Bãi đỗ, rửa xe: 09 Bãi đỗ, rửa xe.
- Khu vực phía Tây xây dựng 02 bãi đỗ, rửa xe:
+ Tại khu du lịch Hồ Núi Cốc, diện tích 1,5 ha.
+ Tại khu vực phường Thịnh Đán, diện tích 2 ha.
- Khu vực phía Bắc.
+ Bãi đỗ, rửa xe khu vực phía bắc (Tân Long), diện tích 1,5 ha.
- Khu vực trung tâm:
+ Bãi đỗ khu vực phường Đồng Quang: Bãi đỗ khu vực phường Hoàng Văn Thụ với tổng diện tích 0,3 ha do diện tích quỹ đất nhỏ nên xây dựng hai bãi đỗ trên theo quy mô bãi đỗ xe cao tầng.
+ Bãi đỗ tại khu đô thị Hồ điều hoà Xương Rồng, diện tích 1,2 ha
- Khu vực phía Nam thành phố.
+ Bãi đỗ, rửa xe khu vực phía Nam (Tích Lương), diện tích 2,5 ha.
+ Bãi đỗ xe tại khu trung tâm bể dầu Gang Thép (đường Cách mạng Tháng tám), diện tích 1,5ha.
+ Bãi đỗ xe, rửa xe tại cửa ngõ phía Đông Nam thành phố xã Lương Sơn. diện tích 2 ha.
Tổng diện tích quy hoạch: 12,5 ha.
c. Yêu cầu và các giải pháp điểm đỗ xe.
* Khu trung tâm thành phố.
+ Tiếp tục khai thác 02 điểm đỗ xe sẵn có là Quảng trường 20-8 và trước cổng Bệnh viện Đa khoa Trung ương.
+ Tất cả quỹ đất giao thông trong khu vực không được chuyển đổi sang mục đích khác.
+ Yêu cầu bắt buộc các công sở, các trung tâm thương mại, dịch vụ, công cộng phải tự giải quyết nhu cầu đỗ xe.
* Yêu cầu các điểm đỗ xe tại các đầu mối giao thông và dọc tuyến quốc lộ và vành đai.
+ Tại các đầu mối giao thông phải tổ chức triệt để làn tách và nhập xe ra vào bãi đỗ.
+ Dọc trên tuyến quốc lộ, đường vành đai bố trí các điểm đỗ với quy mô vừa với khoảng cách trung bình 3 km.
* Yêu cầu các điểm đỗ xe tại khu vực xây mới.
+ Lấy số dân khống chế trong đồ án quy hoạch chi tiết các khu đô thị đã được phê duyệt để xác định nhu cầu đỗ xe của người dân trong khu vực. Cân đối quỹ đất khu vực hạn chế phát triển và khu vực mở rộng phát triển để thiết kế bổ sung vào khu vực xây mới.
+ Bố trí quỹ đất đỗ xe đối ngoại và đối nội trên nguyên tắc hợp lý khoa học nhất. Bố trí các điểm đỗ kết hợp với chức năng dịch vụ kỹ thuật ô tô của thành phố tại khu vực này.
+ Các điểm đỗ, bãi đỗ phải độc lập phải tính thêm 20% quỹ đất để trồng cây xanh. Mục tiêu che phủ đạt trên 60% quỹ đất.
d. Quy hoạch và xây dựng điểm đầu, điểm cuối các tuyến xe buýt.
* Bến xe buýt.
Tiếp tục khai thác bến xe khách Đồng Quang và chuyển đổi dần thành bến xe buýt.
* Các tuyến xe buýt trung tâm Thành phố:
+ Tuyến 1: Đồng Hỷ - Hà Nội, điểm đầu thuộc xã Cao Ngạn - huyện Đồng Hỷ, điểm cuối thuộc nội thành Hà Nội
+ Tuyến 2: Yên Lãng – Gang Thép, điểm đầu thuộc xã Yên Lãng - huyện Đại Từ, điểm cuối tại vỉa hè đường Lưu Nhân Chú (cạnh nhà văn hoá Gang Thép).
+ Tuyến 3. Trung tâm thành phố - Khu du lịch Hồ Núi Cốc, điểm đầu tại vị trí vỉa hè đường Đội Cấn bên trái (cổng chính vườn hoa Sông Cầu), điểm cuối Hồ Núi Cốc.
+ Tuyến 4. Đồng Hỷ - Sông Công, điểm đầu trùng với điểm đầu của tuyến 1, điểm cuối tại thị xã Sông Công.
3. Giải pháp về nguồn vốn và cơ chế chính sách đối với mạng lưới giao thông công cộng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên:
a. Về nguồn vốn đầu tư:
+ Bến xe khách; Bến xe tải; Các tuyến xe buýt: Vốn ngân sách tỉnh và vốn của doanh nghiệp đầu tư khai thác sử dụng.
+ Bãi đỗ, rửa xe; Điểm đỗ xe: Vốn ngân sách thành phố dùng để quy hoạch; Các doanh nghiệp đầu tư khai thác sử dụng.
b. Về cơ chế chính sách:
+ Thực hiện Luật Đầu tư và các cơ chế ưu đãi đầu tư của tỉnh
+ Thành phố quy hoạch chi tiết mặt bằng và xây dựng các điểm dừng xe buýt
4. Hiệu quả của đề án
1. Quá trình đô thị hoá, gia tăng dân số, gia tăng nhu cầu đi lại và vận tải trong đô thị cũng như hoạt động đối ngoại đòi hỏi một khả năng đáp ứng lớn và chất lượng phục vụ tốt đối với hệ thống giao thông đô thị. Một hệ thống các bãi đỗ, điểm đỗ xe hiệu quả là rất quan trọng, đặc biệt đối với hệ thống giao thông của Thái Nguyên hiện nay đang bị quá tải về nhu cầu giao thông và quá tải bởi rất nhiều công năng không chính thức khác: Là nơi đỗ xe, tập kết vật liệu, kinh doanh buôn bán, vui chơi giải trí…
2. Quy hoạch mạng lưới các bến bãi đỗ xe, điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố Thái Nguyên là nhiệm vụ cấp bách và rất cần thiết bởi nó đóng góp vào việc:
- Giảm ùn tắc giao thông.
- Phân bố hợp lý dân cư đô thị.
- Khai thác hiệu quả hệ thống giao thông
- Tăng tiện ích xã hội.
- Đảm bảo tốt nhu cầu trước mắt và lâu dài
- Hiệu quả trong đầu tư xây dựng.
Điều 2. Hội đồng nhân dân thành phố giao cho Uỷ ban nhân dân thành phố tiếp thu ý kiến của hai ban Hội đồng nhân dân thành phố và ý kiến của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố để chỉnh lý, bổ sung hoàn thiện đề án, ra quyết định ban hành thực hiện đề án, xây dựng kế hoạch cụ thể báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố quyết định đưa vào kế hoạch hàng năm để tổ chức thực hiện đề án và báo cáo kết quả hàng năm tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố.
Điều 3. Hội đồng nhân dân thành phố giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Thái Nguyên, các ban của Hội đồng nhân dân thành phố và các vị đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Thái Nguyên khoá XVI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 20 tháng 7 năm 2007./.
|
CHỦ TỊCH (Đã ký) Mai Đông Kinh |