Tìm kiếm văn bản : | Nơi ban hành : | ||
Số hiệu : | Từ khóa : | ||
Loại văn bản : |
Loại văn bản : | Quyết định | Số hiệu : | 42/2010/QÐ-UBND |
Người ký : | Ma Thị Nguyệt | Nơi ban hành : | UBND TỈNH THÁI NGUYÊN |
Ngày phát hành : | 06/12/2010 | Ngày có hiệu lực : | 06/12/2010 |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/2010/QĐ-UBND |
Thái Nguyên, ngày 06 tháng 12 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ “CHÈ THÁI NGUYÊN”
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ năm 2003 và Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) năm 2009;
Căn cứ Nghị định 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 2 năm 2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
Theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tại văn bản số 324/KHCN-CN ngày 22 tháng 11 năm 2010 về việc đề nghị ban hành các quy chế về nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và văn bản thẩm định số 1486/TP-XDVB ngày 03 tháng 11 năm 2010 của Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 159/2007/QĐ-UBND ngày 18/01/2007 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc Ban hành Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY CHẾ
VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU TẬP THỂ “CHÈ THÁI NGUYÊN”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2010/QĐ-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành Quy chế về quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.
1.1. Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ chè có xuất xứ từ vùng sản xuất chè Thái Nguyên được quy hoạch; có sản phẩm được sản xuất, chế biến, bảo quản theo quy trình chuẩn, đạt tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm chè Thái Nguyên theo quy định.
1.2. Nhãn hiệu tập thể đề cập trong Quy chế này là chữ “Chè Thái Nguyên” và biểu tượng (lôgô) đính kèm và được bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Điều 2. Điều kiện để trở thành thành viên đăng ký sử dụng.
2.1. Các thành viên đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
- Sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ chè có xuất xứ từ vùng sản xuất chè Thái Nguyên đã được quy hoạch.
- Sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm chè phù hợp với quy trình chuẩn cho sản phẩm chè Thái Nguyên.
- Có sản lượng chè ổn định, liên tục và đạt tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm chè Thái Nguyên theo quy định.
2.2. Các thành viên đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” phải được Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên công nhận bằng Giấy chứng nhận theo mẫu quy định.
Điều 3. Thủ tục xét công nhận thành viên đăng ký sử dụng.
3.1. Các tổ chức, cá nhân có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2.1 Điều 2 Quy chế này muốn trở thành thành viên đăng ký sử dụng phải lập hồ sơ theo quy định gửi tới Ban quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” (sau đây gọi tắt là Ban quản lý).
3.2. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ban quản lý tiến hành xem xét, kiểm tra hồ sơ và thực địa, nếu đạt tiêu chuẩn sẽ trình Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên công nhận thành viên đăng ký sử dụng bằng Giấy chứng nhận. Trường hợp không được công nhận, Ban quản lý sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3.3. Việc công nhận thành viên đăng ký sử dụng được thực hiện theo Quy chế cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
Điều 4. Quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên đăng ký sử dụng.
4.1. Các thành viên đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” có các quyền lợi sau:
- Được sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” kèm với các nhãn hiệu khác của riêng mình (nếu có). Trường hợp không có nhãn hiệu riêng, các thành viên có thể sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” làm nhãn hiệu chính của sản phẩm và phải được Ban quản lý cho phép.
- Được phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và được cung cấp mọi thông tin cần thiết liên quan đến nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
- Được hỗ trợ việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi trong chương trình chung của Ban quản lý.
- Tham gia giám sát việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và được hỗ trợ, giúp đỡ của Ban quản lý khi có tranh chấp xảy ra.
4.2. Các thành viên đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” có các nghĩa vụ sau:
- Sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” theo đúng mẫu được bảo hộ, có trách nhiệm bảo vệ nhãn hiệu tập thể, chống lại bất kỳ hành vi làm tổn hại đến uy tín và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu tập thể đã bảo hộ.
- Các thành viên cam kết thực hiện đúng quy trình chuẩn về sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm chè và bảo đảm chất lượng cho sản phẩm chè Thái Nguyên theo quy định.
- Có ý thức xây dựng, giúp đỡ nhau giữa các thành viên trong quá trình sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, góp phần tích cực vào việc phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
- Chịu sự giám sát, kiểm tra về chất lượng, bao bì sản phẩm của đơn vị trước Ban quản lý về sự phù hợp với quy định của Quy chế này và pháp luật của Nhà nước.
- Các thành viên phải nộp lệ phí hàng năm theo quy định để đảm bảo kinh phí cho Ban quản lý hoạt động. Mức thu và hình thức thu do Ban quản lý thống nhất với các thành viên.
Điều 5. Giải quyết tranh chấp nội bộ.
Nếu có tranh chấp, bất đồng hoặc khiếu nại phát sinh liên quan đến nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” trong nội bộ các thành viên đăng ký sử dụng đều phải được giải quyết thông qua thoả thuận thiện chí giữa các thành viên. Ban quản lý có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở địa phương xem xét việc giải quyết các tranh chấp theo luật định.
Điều 6. Hoạt động của Ban quản lý.
6.1. Ban quản lý sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” do Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên quyết định thành lập, có nhiệm vụ quản lý, giám sát và chỉ đạo trực tiếp quá trình sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
6.2. Ban quản lý gồm 15 người, trong đó 3 người do Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên cử tham gia, 9 người đại diện cho lãnh đạo Hội Nông dân các huyện, thành, thị và 3 người đại diện lãnh đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh chè lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
6.3. Ban quản lý hoạt động theo chế độ bán chuyên trách (kiêm nhiệm), tự chủ về kinh phí hoạt động trên cơ sở nguồn thu từ các thành viên và các nguồn thu khác.
6.4. Quyền hạn, trách nhiệm và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý được quy định theo quyết định của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên.
Điều 7. Quy định về chất lượng sản phẩm.
7.1. Kết quả phân tích mẫu thực tế về chất lượng sản phẩm chè của từng vùng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là cơ sở pháp lý để thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm chè của các thành viên đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
7.2. Nghiêm cấm việc sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” cho sản phẩm từ chè chưa bảo đảm chất lượng theo quy định của Quy chế này.
7.3. Việc quản lý chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được thực hiện theo Quy chế quản lý chất lượng sản phẩm chè Thái Nguyên.
Điều 8. Xử lý vi phạm.
8.1. Các thành viên đăng ký sử dụng sẽ bị tước quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” trong các trường hợp sau:
- Sản phẩm không đạt các tiêu chuẩn chất lượng như đã đăng ký quy định tại Điều 7 của Quy chế này.
- Không thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản 4.2 Điều 4 của Quy chế này.
- Bị khai trừ tư cách thành viên hoặc không gia hạn sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
- Các thành viên đăng ký sử dụng vi phạm các quy định của Quy chế này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thành viên khác hoặc ảnh hưởng đến uy tín của nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
8.2. Bất kỳ thành viên nào phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đều có quyền và nghĩa vụ đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Đăng ký nhãn hiệu tập thể ”Chè Thái Nguyên”.
Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên đại diện cho các thành viên đăng ký độc quyền và tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Điều 10. Tổ chức thực hiện.
10.1. Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan quản lý Nhà nước về các vấn đề về sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” quy định tại Quy chế này.
10.2. Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên là cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo việc thực thi Quy chế này.
10.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan phối hợp xây dựng, kiểm soát các quy trình kỹ thuật, đánh giá việc áp dụng các quy trình, kỹ thuật chuẩn để quản lý sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
10.4. Sở Công thương là cơ quan phối hợp xây dựng, đánh giá và kiểm soát thị trường tiêu thụ sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”.
10.5. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ chè Thái Nguyên có trách nhiệm thực hiện nghiêm Quy chế này.
Điều 11. Hiệu lực thi hành.
11.1. Quy chế này được thực hiện kể từ ngày Quyết định về việc ban hành Quy chế về quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” có hiệu lực thi hành và thay thế Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” ban hành kèm theo Quyết định số 159/2007/QĐ-UBND ngày 18/01/2007 của UBND tỉnh Thái Nguyên.
11.2. Trong quá trình thực hiện, nếu vướng mắc, các tổ chức, cá nhân liên quan phản ánh về Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên để nghiên cứu trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên quyết định sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.