Tìm kiếm văn bản : | Nơi ban hành : | ||
Số hiệu : | Từ khóa : | ||
Loại văn bản : |
Loại văn bản : | Quyết định | Số hiệu : | 1710 /QÐ-UBND |
Người ký : | Ma Thị Nguyệt | Nơi ban hành : | ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN |
Ngày phát hành : | 05/07/2011 | Ngày có hiệu lực : | 05/07/2011 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN Số: 1710 /QĐ-UBND |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT Độc lập - Tự do – Hạnh phúc Thái Nguyên, ngày 05 tháng 7 năm 2011 |
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Kế hoạch kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể
tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015
CHỦ TỊCH UBND TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL, ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Quy định việc kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia;
Xét đề nghị của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 507/SVHTTDL-DSVH, ngày 18 tháng 5 năm 2011 về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch kiểm kê Di sản văn hoá phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch kiểm kê Di sản văn hoá phi vật thể tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2011- 2015 như sau:
I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU:
1. Mục đích:
Nhận diện, xác định giá trị, khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống các cộng đồng làng, xã thuộc tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở đó xác định rõ số lượng và phân loại, xếp hạng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tỉnh đang có để có cơ sở khoa học hoạch định chính sách quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần phát triển văn hóa, du lịch và các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Yêu cầu:
Toàn bộ công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được tiến hành từ năm 2011 và hoàn tất vào năm 2015.
- Đảm bảo tính xác thực, cập nhật, toàn diện và khách quan. Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể cần bao gồm tất cả các hình thức biểu hiện, không kể mức độ thực hành, bao nhiêu người tham gia hay mức độ ảnh hưởng của nó đến cộng đồng. Cần lưu ý tới các di sản bị đe dọa hay chịu nhiều áp lực nhất. Mức độ phổ biến của các biểu đạt và thể hiện văn hóa phi vật thể, số người tham gia và tác động của di sản cần được ghi lại trong danh sách kiểm kê nhằm thể hiện sức sống mạnh hay yếu của di sản.
- Quá trình kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể phải thực hiện đúng theo quy trình, thận trọng tối đa trong việc xác định và nhận diện giá trị của di sản.
- Ưu tiên kiểm kê những di sản văn hoá phi vật thể đang bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp.
II. THỜI GIAN, PHẠM VI, THÀNH PHẦN THAM GIA.
1. Thời gian: Nhiệm vụ kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Thái Nguyên được thực hiện trong 5 năm (từ năm 2011 đến năm 2015)
2. Phạm vi thực hiện:
Kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn 180 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố, thị xã tỉnh Thái Nguyên.
3. Thành phần tham gia:
- Ban, Tiểu ban, tổ kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể;
- Phòng quản lý Di sản văn hóa - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Bảo tàng Thái Nguyên;
- Chủ thể văn hóa ở địa phương, người thực hành, gìn giữ di sản;
Phối hợp với Ban quản lý khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, Phòng văn hóa các huyện, thành thị, cán bộ văn hóa xã, thị trấn...
III. NỘI DUNG KIỂM KÊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ.
1. Đối tượng kiểm kê
Là di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại, bao gồm các loại hình sau đây:
1.1. Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh;
1.2. Ngữ văn dân gian, bao gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết;
1.3. Nghệ thuật trình diễn dân gian, bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác;
1.4. Tập quán xã hội, bao gồm luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác;
1.5. Lễ hội truyền thống;
1.6. Nghề thủ công truyền thống;
1.7. Tri thức dân gian, bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác.
2. Nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức kiểm kê:
2.1. Nội dung kiểm kê: Cần thu thập thông tin có nội dung sau:
2.1.1. Tên gọi: Bao gồm tên thường gọi và tên gọi khác (nếu có)
2.1.2. Loại hình: Căn cứ khoản 1, Điều 4 Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL, ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Trường hợp di sản văn hoá phi vật thể thuộc nhiều loại hình thì xác định đầy đủ loại hình liên quan.
2.1.3. Địa điểm: Xác định địa danh nơi di sản văn hoá phi vật thể đang tồn tại;
2.1.4. Chủ thể văn hoá:
- Là một cá nhân: Xác định rõ họ và tên, tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, địa chỉ và những thông tin liên quan đến quá trình thực hành di sản văn hoá phi vật thể;
- Là một cộng đồng, nhóm người: Xác định tên thường gọi cộng đồng, nhóm người và thông tin về những người đại diện cho cộng đồng, nhóm người đó;
2.1.5. Miêu tả:
- Quá trình ra đời, tồn tại của di sản văn hoá phi vật thể;
- Hình thức biểu hiện, quy trình thực hành, công trình kiến trúc, hiện vật và không gian văn hoá liên quan cùng với các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản văn hoá phi vật thể;
2.1.6. Hiện trạng: Xác định khả năng duy trì, nguy cơ, nguyên nhân mai một của di sản văn hoá phi vật thể;
2.1.7. Đánh giá giá trị: Xác định giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học và vai trò của di sản văn hoá phi vật thể đối với đời sống cộng đồng hiện nay;
21.8. Đề xuất biện pháp bảo vệ;
2.1.9. Lập thư mục tài liệu liên quan tới di sản văn hoá phi vật thể, bao gồm các xuất bản phẩm, tư liệu khảo sát điền dã và tài liệu khác.
2.2. Phương pháp kiểm kê
- Khảo sát điền dã, phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, chụp ảnh, quay phim để thu thập thông tin và tư liệu hoá di sản văn hoá phi vật thể.
- Phân tích, đối chiếu, so sánh, đánh giá, tổng hợp các tư liệu về di sản văn hoá phi vật thể.
2.3. Quy trình tổ chức kiểm kê
2.3.1. Nghiên cứu thu thập tư liệu, thông tin hiện có liên quan đến đối tượng kiểm kê;
2.3.2. Tập huấn cho những người tham gia kiểm kê;
2.3.3. Khảo sát điền dã, thu thập thông tin, tư liệu về đối tượng kiểm kê theo nội dung quy định tại Điều 5, Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL, ngày 30 tháng 6 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
2.3.4. Lập phiếu kiểm kê (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 04/2010/TT - BVHTTDL, ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch);
2.3.5. Lập danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Căn cứ quy định tại Điều 5, Thông tư 04/2010/TT- BVHTTDL, ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. (Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư 04/2010/TT - BVHTTDL);
2.3.6. Tổng hợp, đánh giá, báo cáo kết quả kiểm kê sơ bộ và thông báo với cộng đồng địa phương;
2.3.7. Lập hồ sơ kiểm kê.
2.4. Hồ sơ kiểm kê bao gồm
- Báo cáo kết quả kiểm kê;
- Phiếu kiếm kê;
- Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể;
- Băng ghi âm, ghi hình, ảnh, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ;
- Nhật ký khảo sát điền dã và các tài liệu khác có liên quan.
(Hồ sơ kiểm kê được lưu tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
* Tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để lập hồ sơ khoa học đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Điều 10, Mục 2, Chương 2, Thông tư 04/2010/TT – BVHTTDL, ngày 30/6/2010)
1. Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương;
2. Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ;
3. Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài;
4. Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
IV. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Năm 2011
- Tháng 6, 7, 8: Nghiên cứu hồ sơ điều tra văn hóa phi vật thể huyện Định Hóa do Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên thực hiện năm 2008, để lập danh mục Di sản văn hóa phi vật thể, xác định lại giá trị di sản văn hóa, từ đó hoàn thiện hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể theo hướng dẫn tại Thông tư 04/2010/TT – BVHTTDL, ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Tháng 9: Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh kết quả kiểm kê và công bố kết quả kiểm kê.
- Tháng 10: Làm văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả kiểm kê ở địa phương.
- Tháng 11, 12: Trên cơ sở kết quả kiểm kê, lựa chọn, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
2. Năm 2012
- Quý I, II: Kiểm kê văn hóa phi vật thể huyện Đồng Hỷ
- Quý III: Kiểm kê văn hóa phi vật thể huyện Võ Nhai
- Tháng 9: Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh kết quả kiểm kê và công bố kết quả kiểm kê.
- Tháng 10: Làm văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả kiểm kê ở địa phương.
- Tháng 11, 12: Trên cơ sở kết quả kiểm kê, lựa chọn, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
3. Năm 2013
- Quý I, II: Kiểm kê văn hóa phi vật thể huyện Phú Lương
- Quý III: Kiểm kê văn hóa phi vật thể huyện Đại Từ
- Tháng 9: Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh kết quả kiểm kê và công bố kết quả kiểm kê.
- Tháng 10: Làm văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả kiểm kê ở địa phương.
- Tháng 11, 12: Trên cơ sở kết quả kiểm kê, lựa chọn, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
4. Năm 2014
- Quý I, II: Kiểm kê văn hóa phi vật thể huyện Phú Bình
- Quý III: Kiểm kê văn hóa phi vật thể huyện Phổ Yên
- Tháng 9: Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh kết quả kiểm kê và công bố kết quả kiểm kê.
- Tháng 10: Làm văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả kiểm kê ở địa phương.
- Tháng 11, 12: Trên cơ sở kết quả kiểm kê, lựa chọn, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
5. Năm 2015
- Quý I, II, III: Kiểm kê văn hóa phi vật thể thành phố Thái Nguyên, Thị xã Sông Công.
- Tháng 9: Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh kết quả kiểm kê và công bố kết quả kiểm kê. Tổng kết công tác kiểm kê văn hóa phi vật thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 – 2015.
- Tháng 10: Làm văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết quả kiểm kê ở địa phương.
- Tháng 11, 12: Trên cơ sở kết quả kiểm kê, lựa chọn, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Điều 2.
- Giao sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là đơn vị chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, các đơn vị, các địa phương liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo mục đích, nội dung đã đề ra và đúng quy định hiện hành của nhà nước; xây dựng Dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
- UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập Tiểu ban (Do UBND các huyện, thành phố, thị xã ra quyết định thành lập), thành lập tổ kiểm kê (Do UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập) và triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Sở Tài chính căn cứ các quy định hiện hành, thẩm định và bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể năm 2011 và các năm tiếp theo theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành; các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Ban kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011- 2015 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.
Nơi nhận: - Như điều 3 (thực hiện); - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; - TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh; - Báo Thái Nguyên; Đài PTTH tỉnh; - Trung tâm Thông tin tỉnh; - Đ/c Linh –PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT,VX.
T6/2011-QĐ6 |
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH Ma Thị Nguyệt |