Tìm kiếm văn bản : Nơi ban hành :
Số hiệu : Từ khóa :
Loại văn bản :
Loại văn bản : Quyết định Số hiệu : 628/QÐ-UBND
Người ký : Đặng Viết Thuần Nơi ban hành : UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Ngày phát hành : 03/04/2013 Ngày có hiệu lực : 03/04/2013

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số:  628/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 03 tháng  4  năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt Đề án phát triển Chăn nuôi
tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013-2020.

 

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 2140/QĐ-UBND ngày 17/9/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Thái Nguyên;

Căn cứ Quyết định số 1210/QĐ-UBND ngày 13/16/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt dự toán đề cương phát triển chăn nuôi tỉnh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Thông báo Kết luận số 20/TB-UBND ngày 11/3/2013 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Dương Ngọc Long tại phiên họp thứ 18, trong đó có nội dung yêu cầu bổ sung ý kiến tham gia xây dựng Đề án phát triển chăn nuôi tỉnh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013- 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 490/TTr-SNN ngày 26/3/2013, (Sau khi có ý kiến tham gia và thống nhất giữa Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Trung tâm Giống vật nuôi, Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ môi trường tại Biên bản họp ngày 25/01/2013)

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển Chăn nuôi tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013-2020, với nội dung như sau:

 

1.     Định hướng phát triển:

Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; chuyển dần từ phương thức chăn nuôi truyền thống, phân tán, quy mô nhỏ sang chăn nuôi quy mô trang trại gắn với phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát được môi trường.

Tăng cường đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư đồng bộ cho hệ thống dịch vụ hỗ trợ, mạng lưới cơ sở vật chất kỹ thuật. Hình thành mối liên kết từ các yếu tố đầu vào - sản xuất chăn nuôi - chế biến, bảo quản - tiêu thụ sản phẩm.

Loại vật nuôi được xác định là hàng hoá chủ lực của Thái Nguyên là: lợn thịt, gia cầm, trâu, bò thịt. Định hướng đến năm 2020, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm (chủ yếu là gà, lợn); ổn định đàn trâu, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, tầm vóc. Phát triển các sản phẩm vật nuôi bản địa tại các xã thuộc huyện miền núi.

2. Mục tiêu phát triển:

2.1. Mục tiêu chung:

Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại, sản xuất hàng hoá, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi mạnh cơ cấu giống vật nuôi theo hướng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm: Đưa tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp từ 36,9% năm 2012 lên 40% vào năm 2015 và 50% năm 2020. Từng bước quản lý tốt công tác giết mổ gia súc, gia cầm, công tác thú y; đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, bệnh. Triển khai lập và thực hiện tốt quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

a. Đến năm 2015:

Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành chăn nuôi bình quân đạt 9,0%/năm thời kỳ 2012 - 2015; Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (Giá TT) năm 2015 đạt 4.718.750 triệu đồng, chiếm 40,0% giá trị sản xuất nông nghiệp. Các chỉ tiêu cụ thể như sau:

Quy mô đàn: Đàn trâu: 68.000 con; đàn bò 32.000 con; đàn lợn 690.000 con (trong đó lợn nái 104.800 con; lợn thịt 550.200 con); đàn gia cầm 9.500 ngàn con, sản lượng thịt hơi các loại 123.250 tấn.

Cơ cấu giá trị sản xuất đàn vật nuôi: gia súc 65%; gia cầm 28%; đại gia súc 5%; các loại vật nuôi khác 2%.

Nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm: Đàn lợn nạc hóa trên 50%; nái ngoại chiếm 20%; nái lai 50%; bò lai Zebu 43,8 %.

Chăn nuôi trang trại tăng bình quân 10% bình quân hàng năm; đến năm 2015 toàn tỉnh có 550 trang trại (chăn nuôi trâu, bò: 15 trang trại; lợn: 255 trang trại ; gia cầm: 280 trang trại).

Chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi theo các loại hình sản xuất: Chăn nuôi trâu, bò: Khu vực nông hộ chiếm 90,0%; khu vực trang trại, gia trại chiếm 10,0%. Chăn nuôi lợn: Khu vực nông hộ chiếm 76,5%; khu vực trang trại, gia trại 23,5%; Chăn nuôi gia cầm: Khu vực nông hộ chiếm 60%; khu vực trang trại, gia trại 40%.

Kiểm soát, khống chế cơ bản được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Tai xanh lợn, Dịch tả lợn, Lở mồm long móng gia súc và Cúm gia cầm, v.v…

Giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tỷ lệ 100% trang trại chăn nuôi và 30 % gia trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ Biogas;

Giết mổ, chế biến, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm: tại TP. Thái Nguyên, thị xã Sông Công khoảng 80% sản lượng thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn được kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; tại các huyện còn lại tỷ lệ này chiếm 60%.

b. Đến năm 2020:

Tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành chăn nuôi bình quân đạt 12,0%/năm thời kỳ 2016 - 2020; Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi (giá TT) đến năm 2020 đạt 8.690.990 triệu đồng, chiếm 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Các chỉ tiêu cụ thể như sau:

Quy mô đàn: Đàn trâu: 65.000 con; đàn bò 30.000 con; đàn lợn 800.000 con (trong đó lợn nái 128.000 con; lợn thịt 672.000 con); đàn gia cầm 13.000 ngàn con, sản lượng thịt hơi các loại 156.300 tấn.

Cơ cấu giá trị sản xuất đàn vật nuôi: gia súc 60%; gia cầm 33%; đại gia súc 5%; các loại vật nuôi khác 2%.

Nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm: Đàn lợn nạc hóa trên 60%; nái ngoại chiếm 30%; nái lai trên 60%; bò lai Zebu 60%.

Chăn nuôi trang trại tăng bình quân 10% bình quân hàng năm; đến năm 2020 toàn tỉnh có 920 trang trại;

Chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi theo các loại hình sản xuất: Chăn nuôi lợn thuộc khu vực nông hộ chiếm 50%; khu vực trang trại, gia trại 30%; Chăn nuôi gia cầm thuộc khu vực nông hộ chiếm 35%; khu vực trang trại, gia trại 65%.

Kiểm soát, khống chế cơ bản được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: Tai xanh lợn, Dịch tả lợn, Lở mồm long móng gia súc và Cúm gia cầm, v.v…

Giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, 100% trang trại và gia trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải bằng Biogas.

Giết mổ, chế biến, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm: Đến năm 2020 có 100% gia súc, gia cầm chăn nuôi được giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung; 100% thịt gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn được kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

3. Các giải pháp chủ yếu

3.1. Phát triển các giống vật nuôi chủ yếu và vùng chăn nuôi có thế mạnh

Đối với vùng núi, vùng khó khăn (huyện Võ Nhai, Định Hóa, vùng núi  phía Bắc huyện Đại Từ, Phú Lương): Chủ yếu phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm phù hợp điều kiện chăn nuôi: Trâu nội, Bò lai Zê-bu, Dê; Lợn lai, Lợn Móng Cái, lợn địa phương và nhóm giống gà địa phương ...

Đối với vùng trung du (Đồng Hỷ, các xã phía Nam huyện Phú Lương, Đại Từ và Phú Bình): Tập trung phát triển gia súc, gia cầm năng suất cao như: Trâu lai, bò lai Zê-bu, Lợn ngoại, Lợn lai, nhóm gia cầm siêu thịt, siêu trứng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Xây dựng vùng sản xuất lợn giống, gia cầm giống.

Đối với vùng đô thị: TP. Thái Nguyên, TX. Sông Công... Giảm tối đa chăn nuôi chuyển dần về các huyện còn quỹ đất giành cho chăn nuôi. Duy trì phát triển chăn nuôi tại các xã ngoại thành, phát triển chăn nuôi đô thị hướng chính là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

3.2. Quy mô đàn các loại vật nuôi:

- Đàn trâu: Ổn định đàn trâu, tăng đàn phải phù hợp với điều kiện nuôi gia súc ăn cỏ; phát triển theo hướng nâng cao tầm vóc, chất lượng; hình thức chăn nuôi chủ yếu là chăn nuôi nông hộ;

- Đàn bò: Từng bước phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao theo hướng chăn nuôi quy mô trang trại, công nghiệp;

- Đàn lợn: Phát triển đàn lợn theo phương thức chăn nuôi tập trung với quy mô lớn và trung bình áp dụng theo phương pháp công nghiệp, bán công nghiệp giảm mức độ ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

- Đàn gia cầm: Đưa nhanh các giống mới có năng suất cao, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất để hạ giá thành sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Chủ yếu chăn nuôi gà theo quy mô trang trại công nghiệp; hạn chế tối đa chăn nuôi nhỏ lẻ.

- Phát triển vật nuôi bản địa: Lợn bản địa, nái Móng cái, lợn rừng, gà bản địa tại các xã miền núi huyện Võ Nhai, phía Bắc huyện Đại Từ, huyện Định Hóa.

3.3. Phát triển giống

- Giống trâu, bò: Đến năm 2015 quy hoạch mỗi huyện có 1-2 điểm cung ứng, truyền tinh nhân tạo giống trâu, bò để tăng tỷ lệ bò lai Zêbu và cải tiến, nâng cao chất lượng đàn trâu;

+ Giống trâu:

Tiến hành bình tuyển chọn lọc, phân loại đàn trâu hiện có, cho lai tạo theo hướng nuôi thịt và sinh sản

Đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo: Năm 2015 yêu cầu 1.000 liều tinh/năm; năm 2020 là 2.000 - 2.500 liều tinh/năm.

+ Giống bò:

Thực hiện cải tạo đàn bò thịt theo hướng Zebu hoá; phấn đấu đến năm 2015 đạt 43,8% đàn bò của tỉnh là bò Laisind, năm 2020 đạt 60% .

Để cải tạo chất lượng giống bò, cần phải tiến hành đồng thời 2 cung đoạn lai cải tạo và lai cải tiến đàn bò. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo dự kiến đến năm 2015 mua 7.000 liều tinh và năm 2020 mua 8.500 - 9.000 liều tinh để cải tạo đàn bò và sản xuất bò thịt chất lượng cao.

- Giống lợn

+ Giống lợn ngoại: Đến năm 2015 tỷ lệ lợn nái ngoại đạt 15%; đàn nái ông bà: 1.000 con, sản xuất 4.500 -  5.000 hậu bị bố mẹ/năm. Năm 2020 tỷ lệ lợn nái ngoại đạt 30%; đàn nái ông bà: 2.000 con, sản xuất 10.000 hậu bị bố mẹ/năm;

+ Giống lợn nội: Chọn lọc lợn nái Móng cái thuần chủng để nhân thuần tại các huyện miền núi như Võ Nhai, Định Hóa.

Xây dựng các vùng giống nhân dân đối với lợn bản địa, nái móng cái, lợn rừng lai … để cung cấp giống cho nhu cầu chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Phân bổ chủ yếu tại các xã vùng cao tại các huyện Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ.

- Giống gia cầm

Giống gà: Chọn lọc, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giống gà địa phương. Nhập và nuôi dưỡng tốt một số giống ngoại nhập.

Chăn nuôi gà theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, công nghiệp, bán công nghiệp các trang trại cần nuôi các dòng, giống gà hướng chuyên trứng, chuyên thịt năng suất cao được nhập nội; phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ chủ yếu sử dụng giống gia cầm địa phương, sẽ tự cung cấp giống.

3.4. Chăn nuôi tập trung

- Bố trí đất đai cho phát triển chăn nuôi tập trung.

Trên cơ sở quy hoạch xây dựng nông thôn mới, diện tích quy hoạch khu chăn nuôi tập trung trên địa bàn tỉnh; quy hoạch ddaats đai cho phát triển chăn nuôi tập trung phải đảm bảo lâu dài, ổn định đến tận huyện, xã với diện tích đã được quy hoạch nhằm tạo sự yên tâm, thuận lợi cho nhà đầu tư­ phát triển chăn nuôi. Đồng thời chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả, nhất là tại các vùng trung du, đồi gò... sang phát triển chăn nuôi trang trại.

- Các loại hình chăn nuôi tập trung: Đồng thời phát triển các loại hình chăn nuôi: Trang trại tập trung, khu chăn nuôi tập trung, chăn nuôi gia trại, chăn nuôi nông hộ truyền thống và chăn nuôi liên doanh với nước ngoài. Ưu tiên phát triển chăn nuôi lợn và chăn nuôi gà tập trung.

3.5. Giải pháp về thức ăn chăn nuôi

- Thức ăn tinh

Trước mắt Thái Nguyên vẫn phải mua thức ăn hỗn hợp cho lợn và gia cầm của các nhà máy chế biến công nghiệp thông qua đại lý ở tỉnh và các huyện.

Đến năm 2015: Ước tính khoảng 70% số lợn, 50% gia cầm sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi công nghiệp ước tính: 461.549 tấn; năm 2020 ước tính nhu cầu thức ăn cần 580.825 tấn. Trong kỳ quy hoạch tỉnh Thái Nguyên tự chế biến thức ăn gia súc công nghệ hiện đại với tổng công suất từ 200.000 - 250.000 tấn/năm.

Khả năng cung cấp nguồn nguyên liệu tại chỗ: sản lượng ngô toàn tỉnh quy hoạch đến 2020 là 108.600 tấn. Ngô là nguyên liệu chính để chế biến thức ăn tinh hỗn hợp, nếu đạt được chỉ tiêu trên thì Thái Nguyên có thể có 40% nguồn nguyên liệu tại chỗ cho nhà máy chế biến.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, kiểm tra việc nhập nguyên liệu sạch, an toàn thực phẩm. Sản phẩm thức ăn cho gia súc, gia cầm phải đăng ký công bố chất lượng tiêu chuẩn cơ sở.

- Thức ăn thô xanh

Dự kiến đến năm 2015 tổng nhu cầu thức ăn thô xanh là 978.000 tấn. Trong đó: chăn thả tự nhiên 30%; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp khoảng 30%; còn lại 40% phải trồng cỏ thâm canh 1.300 ha.

Dự kiến đến năm 2020: tổng nhu cầu thức ăn thô xanh là 928.500 tấn. Trong đó: chăn thả tự nhiên đáp ứng 25%; tận dụng phụ phẩm nông nghiệp khoảng 25%; còn lại 50% trồng cỏ thâm canh 1.800 ha.

3.6. Giải pháp về thú y và bảo vệ môi trường

- Giải pháp thú y

Thực hiện các giải pháp và cơ chế chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch thực hiện theo Quyết định số 290/QĐ-UBND, ngày 24/2/2012 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Quyết định số 315/QĐ-UBND, ngày 20/2/2013, của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh và các quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, hiệu quả là đẩy mạnh: Công tác tiêm phòng vacxxin, vệ sinh sát trùng tiêu độc, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, chống dịch kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, triệt để;

Củng cố, hoàn thiệu, quản lý và sử dụng có hiệu quả hệ thống khuyến nông, thú y viên cơ sở;

Quy hoạch và hỗ trợ đầu tư để hình thành cơ sở giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm tập trung nhằm quản lý dịch bệnh ngay từ gốc. Nhà nước phải có chế tài, quản lý bắt buộc giết mổ tập trung. Khuyến khích doanh nghiệp vay vốn ưu đãi đầu tư cơ sở giết mổ lợn.

- Môi trường

100 % các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm thực hiện lập cam kết bảo vệ môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường phù hợp với quy mô sản xuất (theo Nghị định số 29/2011/NĐ-CP, ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường).

Các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn cần kết hợp phương pháp xử lý Biogas và ủ sinh học, các trang trại có quy mô vừa và nhỏ áp dụng phương pháp xử lý bằng Biogas, chăn nuôi trong nông hộ cần có bể ủ phân trước khi đưa ra bón ruộng. Đồng thời khuyến kích đưa công nghệ mới, tiên tiến về xử lý môi trường chăn nuôi như sử dụng công nghệ không phân và các chế phẩn sinh học để xử lý môi trường

3.7. Giải pháp về quản lý Nhà nước

- Tăng cường năng lực quản lý gắn liền với kiện toàn hệ thống tổ chức ngành chăn nuôi từ tỉnh đến các địa phương theo Thông tư số 02-TT/BNN ngày 2 tháng 1 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về hướng dẫn nhiệm vụ quản lý ngành chăn nuôi. Đề xuất giải pháp sát nhập Cục chăn nuôi – Thú y và có hệ thống quản lý từ tỉnh đến xã.

Chỉ đạo thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi và đề án phát triển chăn nuôi đến năm 2020; tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; môi trường trong chăn nuôi.

3.8. Giải pháp về thị trường, tiêu thụ sản phẩm

Thiết lập một chuỗi khép kín cung ứng hàng hóa từ khâu sản xuất, khâu phân phối đến tiêu thụ được cho là một trong những giải pháp thiết yếu đảm bảo nguồn ra ổn định cũng như mức giá thành hợp lý cho người chăn nuôi. Để hình thành chuỗi cung ứng này phải đảm bảo được 4 yếu tố như sau:

Thiết lập hệ thống chứng nhận chất lượng an toàn (3C, VietGAP, GlobalGAP…)

Thiết lập hệ thống chứng nhận chất lượng an toàn cơ chế truy xuất nguồn gốc

Bảo hộ thương hiệu sản phẩm

Xây dựng kênh phân phối: Thành lập các hợp tác xã (nếu quy mô lớn thành lập 1 trung tâm phát triển chăn nuôi của tỉnh liên kết với các trang trại chăn nuôi theo hướng VietGAP) thành một tổ chức lớn mạnh để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao.

3.9. Giải pháp về chính sách

- Đối tượng hỗ trợ

+ Các doanh nghiệp, trạm, trại, các hộ chăn nuôi đầu tư phát triển chăn nuôi trong vùng quy hoạch và tham gia công tác phòng, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Không hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân chăn nuôi theo hình thức gia công và có vốn đầu tư ngước ngoài. Mức hỗ trợ chỉ áp dụng 1 lần đầu.

+ Riêng đối với chính sách về đất đai và quỹ tín dụng thì áp dụng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn, xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nằm trong quy hoạch chăn nuôi của tỉnh.

+ Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ chăn nuôi - thú y trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; khuyến khích các nhà đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, tổ chức sản xuất chăn nuôi hàng hoá tập trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi, tạo các sản phẩm hàng hoá phục vụ tiêu dùng nội địa và vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

- Hỗ trợ phát triển giống

+ Đối với trại chăn nuôi giống ông, bà: Ngân sách nhà nước trợ giá sản xuất giống theo quy định tại Thông tư số 148/2007/TTLT/BTC-BNN & PTNT ngày 13/12/2007 của Bộ Tài Chính - Bộ NN và PTNT và Quyết định số 2489/QĐ-BNN ngày 16/9/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

+Hỗ trợ kinh phí bình tuyển đàn lợn, đàn trâu, bò giống với mức 50.000đ/conp;

+ Hỗ trợ mua mới con giống:

Mua lợn nái giống: hỗ trợ 1 lần mua mới lợn nái giống tối đa 800.000 đồng/con, mỗi hộ không quá 4 con;

Mua bò cái giống: hỗ trợ 1 lần mua mới bò cái giống tối đa 2.000.000 đồng/con, mỗi hộ không quá 2 con;

Mua lợn, bò, trâu đực giống: hỗ trợ một lần mua bò đực giống 8.000.000 đồng/con; hỗ trợ mua trâu đực giống 10.000.000 đồng/con; hỗ trợ  mua lợn đực giống cho các vùng miền núi chưa có thụ tinh nhân tạo 4.000.000 đồng/con, tối đa mỗi hộ không quá 2 con;

Mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được hỗ trợ một trong ba loại trên.

- Hỗ trợ thụ tinh nhân tạo:

+ Đào tạo dẫn tinh viên: Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo nhưng mức tối đa không quá 6 triệu đồng/người.

+ Hỗ trợ mua bình bảo quản tinh cấp phát cho các điểm chuyển giao; dụng cụ phối giống trâu bò (bình ni tơ, súng bắn tinh) cấp cho dẫn tinh viên đã qua đào tạo, có chứng chỉ (mức hỗ trợ 5 triệu đồng/dẫn tinh viên).

+ Hỗ trợ 50% kinh phí mua bổ sung lợn đực giống hàng năm cho các cơ sở thụ tinh nhân tạo đảm bảo các tiêu chuẩn quy định giống chuẩn Quốc gia và theo giá giống tại thời điểm.

+ Hỗ trợ 100% tiền mua tinh trâu, bò; vật tư phối giống và chi phí vận chuyển, bảo quản tinh (tiền công thì để nông dân tự trả).

- Hỗ trợ phát triển trồng cỏ

Hỗ trợ tối đa 200.000 đồng/360m2/năm để trồng mới đồng cỏ phục vụ chăn nuôi; mỗi hộ được hỗ trợ không quá 2 ha/năm, thời gian hỗ trợ trong 5 năm.

- Hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ đào tạo, tập huấn, huấn luyện chuyên môn, kỹ thụât chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh theo các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình đào tạo nghề hàng năm của Chính phủ.

- Hỗ trợ xử lý môi trường

Hộ gia đình, cá nhân chăn nuôi nông hộ được hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi với mức 3.000.000 đồng/công trình khí sinh học có thể tích trên 10m3  trở lên.

- Hỗ trợ hạn chế chăn nuôi thả rông

Hỗ trợ cải tạo, xây dựng chuồng trại: hỗ trợ một lần tối đa 1.000.000 đ/hộ cho các hộ gia đình, cá nhân có nuôi trâu bò (còn thả rông) tại các xã miền núi thuộc Võ Nhai, Định Hóa, Phía Bắc huyện Đại Từ ... để cải tạo và xây dựng chuồng trại nuôi trâu, bò.

- Chăn nuôi tập trung

+ Hỗ trợ cơ sở hạ tầng: xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào (như: đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc và các công trình công cộng khác) đối với các cơ sở chăn nuôi như sau:

Hỗ trợ 20% hộ chăn nuôi có số lượng từ 50 con lợn nái ngoại, nái lai sinh sản hoặc 300 con lợn thịt ngoại, lợn lai trở lên/cơ sở.

Hỗ trợ 10% cho hộ chăn nuôi có số lượng 3.000 gà thương phẩm hoặc 1.500 gà sinh sản (không tính gà dưới 07 ngày tuổi) trở lên/cơ sở.

Hộ chăn nuôi thủy cầm (ngan, vịt) có số lượng như số lượng hộ chăn nuôi gà được hưởng hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ nuôi gà.

Đối với hộ chăn nuôi hỗn hợp có từ 02 loại gia súc, gia cầm trở lên thì tính theo tỷ lệ (%) của từng loại gia súc, gia cầm đó so với số lượng (đàn) quy định thì được hưởng chính sách tương ứng.

- Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi trang trại an toàn sinh học trong vùng quy hoạch, với giống năng suất cao:

Hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản (quy mô 10 cái sinh sản trở lên). Mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/con, tối đa không quá 30.000.000 đ/trại/hộ;

Hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại sinh sản, an toàn sinh học theo quy mô tiêu chí trang trại. Mức hỗ trợ 1 triệu đ/con, hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/trại/hộ.

Hỗ trợ xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gà đẻ an toàn sinh học theo quy mô tiêu chí trang trại. Mức hỗ trợ 20.000.000đ/trại/hộ.

Hỗ trợ mô hình trồng cỏ và chế biến thức ăn cho trâu, bò mức hỗ trợ trồng từ 3 sào cỏ trở lên là 5.000.000đ/ trại/hộ.

Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi gia súc gia cầm đầu tư cơ sở hạ tầng có quy mô lớn, căn cứ vào tình hình cụ thể.

-  Hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh

+ Hỗ trợ công tác phòng bệnh: Hỗ trợ tiền mua vac xin tiêm phòng những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bắt buộc phải tiêm phòng, do Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định. Cụ thể như sau:

Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% tiền mua vac xin phòng bệnh Lở mồm long móng gia súc; hỗ trợ 100% tiền mua vac xin phòng bệnh Cúm gia cầm đối với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Hỗ trợ 100% tiêm vac xin Tụ huyết trùng trâu, bò, vacxin dịch tả lợn, tụ dấu lợn, vac xin lepto lợn đối với các vùng cao (chương trình 135), các xã ATK từ nguồn ngân sách tỉnh; vùng còn lại ngân sách tỉnh 50%, ngân sách huyện, thành phố, thị xã hỗ trợ 50%;

Cơ chế chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống dịch thực hiện theo Quyết định số 290/QĐ-UBND, ngày 24/2/2012 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các quyết định đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Hỗ trợ giết mổ tập trung

+ Tiêu chí về quy mô công suất giết mổ của cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm  tập trung: Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có quy mô giết mổ tối thiểu trong một ngày, đêm:

Giết mổ riêng từng loại gia súc, gia cầm: Trâu bò: 50 con; Heo thịt: 200 con; Gia cầm (gà, vịt): 1000 con

Giết mổ chung cả gia súc, gia cầm:

+ Thành phố Thái Nguyên: Trâu, bò: 10 con; heo thịt: 100 con; gia cầm 200 con;

+ Thị trấn của các huyện: Trâu bò: 03 con;  heo thịt: 50 con; gia cầm: 100 con

+ Thị tứ, khu dân cư tập trung các huyện đồng bằng (Phổ yên, Phú Bình, Đại Từ, Đồng Hỷ) và thị trấn huyện miền núi (Võ Nhai, Định Hóa): Trâu bò: 01 con; heo thịt: 20 con và gia cầm 50 con.

- Các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ và đầu tư phát triển chăn nuôi:

+ Chính sách về đất đai

Áp dụng mức giá thấp nhất trong khung giá cho thuê đất theo qui định hiện hành của Pháp luật.

Nhà nước miễn tiền thuê đất trong 15 năm đầu tiên, kể từ ngày giao đất xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

- Hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng:

+ Ngân sách Tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng đến chân hàng rào của cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung cho 2 huyện Miền núi: Võ Nhai, Định Hóa) và hỗ trợ 50% cho các huyện (Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình).

+ TP. Thái Nguyên, TX. Sông Công và huyện Phổ Yên do ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ 100%.

- Hỗ trợ về tín dụng:

+ Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%/năm lãi suất vay tại thời điểm vay lần đầu ở các Ngân hàng Thương mại cho các dự án xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Khoản hỗ trợ này được tính sau khi đã trừ vào khoản lãi suất ưu đãi (4%) từ chính sách kích cầu của Chính phủ.

+ Thời gian hỗ trợ lãi suất là 02 năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân nhận được khoản vay lần đầu.

+ Điều kiện để được hỗ trợ tín dụng: Chủ đầu tư phải đảm bảo từ 35% vốn tự có của dự án đầu tư.

- Hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải

+ Đối với dự án đầu tư từ 300 triệu đến dưới 2 tỷ đồng được hỗ trợ 15% so với tổng kinh phí đầu tư, nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng.

+ Đối với dự án đầu tư từ 2 tỷ đồng trở lên được hỗ trợ 15% so với tổng kinh phí đầu tư, nhưng tối đa không quá 400 triệu đồng.

- Hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp

+ Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm kể từ khi cơ sở đi vào hoạt động kinh doanh.

+ Miễn thuế 04 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế    phải nộp cho 09 năm tiếp theo.

- Hỗ trợ đối với chủ cơ sở giết mổ gia súc gia cẩm phân tán chấp nhận thức hiện giết mổ gia súc gia cầm tập trung:

Đối với chủ các hộ giết mổ gia súc, gia cầm phân tán phải di dời đến địa điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch được hỗ trợ:

+ Ngân sách huyện, thành phố hỗ trợ chi phí dỡ, đập phá các điểm giết mổ hiện có tại nhà của các hộ giết mổ khi chấp hành đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tập trung từ 2 triệu - 5 triệu đồng cho mỗi hộ (tuỳ theo quy mô điểm giết mổ của từng hộ). Nếu không cam kết thực hiện sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ này.

+Ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% trong 1 năm đầu và 50% cho năm thứ 2 đối với các loại phí và chi phí sau: Phí kiểm soát giết mổ, Chi phí dịch vụ giết mổ.

Hỗ trợ theo số lượng đầu con gia súc cho các hộ giết mổ gia súc, gia cầm phân tán đưa gia súc, gia cầm đến giết mổ tại tại cơ sở giết mổ tập trung. Cụ thể như sau: Trâu, bò: 10.000 đồng/con; Heo thịt (trọng lượng từ 40 kg trở lên): 5.000 đồng/con .

- Hỗ trợ cho đoàn kiểm tra liên ngành về các cơ sở giết mổ:

+ Ngân sách tỉnh hỗ trợ chi phí cho Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và Đoàn kiểm tra liên ngành của 2 huyện Miền núi (Võ Nhai, Định Hóa) và hỗ trợ 50% cho Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phổ Yên, Phú Bình.

+ Ngân sách các huyện, thành phố còn lại: Ngân sách thành phố, thị xã hỗ trợ chi phí cho Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công..

- Một số chính sách khác

+ Chính sách đặc biệt ưu đãi về hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Nghị định số 61/2010/NĐ-CP  ngày 4/6/2010 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

+ Chính sách vay vốn tín dụng theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn.

+ Chính sách hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh theo Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

+ Chính sách về bảo hiểm vật nuôi theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng chính Phủ về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đến năm 2013.

+ Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

+ Thông tư 04/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong công tác thú y.

4. Các dự án ưu tiên

4.1. Dự án xử lý môi trường chăn nuôi trên địa bàn các huyện: các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn cần kết hợp phương pháp xử lý Biogas và ủ sinh học, các trang trại có quy mô vừa và nhỏ áp dụng phương pháp xử lý bằng Biogas, chăn nuôi trong nông hộ cần có bể ủ phân trước khi đưa ra bón ruộng. Dự kiến vốn đầu tư là 50.400 triệu đồng.

4.2. Dự án xây dựng cơ sở giết mổ gia súc gia cầm thời kỳ 2013 - 2020: Xây dựng 4 cơ sở giết mổ công nghiệp trên địa bàn TP. Thái Nguyên và thị xã Sông Công; 5 cơ sở giết bán công nghiệp tại huyện Phú Lương; Đồng Hỷ; Đại Từ; Phổ Yên. Dự kiến vốn đầu tư 60 tỷ đồng (trong đó đầu tư 1 cơ sở giết mổ công nghiệp khoảng 10 tỷ đồng/cơ sở; 1 cơ sở giết mổ bán công nghiệp khoảng 5 tỷ đồng/cơ sở). Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 6.850 triệu đồng.

4.3. Dự án cải tạo và nâng cao chất lượng giống (trâu, bò, lợn) trên địa bàn các huyện. Dự kiến vốn đầu tư Nhà nước hỗ trợ 2.927 triệu đồng.

4.4. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các trang trại chăn nuôi tập trung (số trang trại dự kiến mở rộng thêm đến năm 2020 là 504 trang trại, hỗ trợ cơ sở hạ tầng tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào (như: đường giao thông, hệ thống cung cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc và các công trình công cộng khác). Dự kiến vốn đầu tư khoảng 40,320 triệu đồng

4.5. Dự án tăng cường phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm giai đoạn 2013 - 2015 và giai đoạn 2015 - 2020. Dự kiến vốn đầu tư khoảng 7 tỷ đồng.

5. Kinh phí thực hiện đề án:

5.1. Tổng vốn đầu tư: Nguồn vốn thực hiện đề án bao gồm: nguồn kinh phí đầu tư của người sản xuất chiếm 77%, gồm (vốn tự có, vốn vay của các tổ chức ngân hàng của các thành phần kinh tế khác ...) và kinh phí hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước cho việc thực hiện đề án là 23%.

Tổng kinh phí là: Dự kiến 458.665 triệu đồng, trong đó:

Kinh phí người đầu tư sản xuất: 353.838 triệu đồng;

Kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ: 104.827 triệu đồng. Cụ thể: 

+ Hỗ trợ trang trại tập trung: 40.320 triệu đồng;

+ Hỗ trợ phát triển giống trâu, bò, lợn: 2.927 triệu đồng;

+ Hỗ trợ phát triển đồng cỏ: 3.000 triệu đồng;

+ Hỗ trợ xây dựng lò mổ tập trung: 6.850 triệu đồng;

+ Hỗ trợ xử lý môi trường tại các trang trại, gia trại, các hộ chăn nuôi gia súc gia cầm: 50.400 triệu đồng;

+ Nâng cấp các trạm thú y tại các huyện: 4.500 triệu đồng;

+ Đào tạo tập huấn: 730 triệu đồng.

5.2. Nguồn vốn:

- Giai đoạn 2013- 2015: 127.300 triệu đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước là 30.131 triệu đồng;

- Giai đoạn 2016 - 2020: 331.365 triệu đồng. Trong đó ngân sách Nhà nước là 74.696 triệu đồng;

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Thành lập Ban chỉ đạo tỉnh do đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Sở Nông nghiệp và PTNT làm cơ quan Thường trực, các thành viên gồm lãnh đạo các S, ban ngành liên quan; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở liên quan; Ở huyện thành lập BCĐ thực hiện Đề án;

2. Ủy ban nhân dân tỉnh phân công trách nhiệm cho các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nhiệm vụ theo nội dung sau:

2.1. Sở Nông nghiệp và PTNT: Chịu trách nhiệm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, trực tiếp quản lý Đề án phát triển chăn nuôi theo quy hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt; chủ trì hướng dẫn, phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, các ngành liên quan chỉ đạo thực hiện đề án; chủ trì xây dựng các dự án ưu tiên, chính sách hỗ trợ phát triển, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt, hướng dẫn thực hiện; chỉ đạo Chi cục thú y, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị, các ngành triển khai công tác thú y, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ, phát triển đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, căn cứ chức năng nhiệm vụ tham gia thực hiện đề án;

2.2. Văn phòng điều phối Nông thôn mới phối hợp thực hiện gắn phát triển chăn nuôi với quy hoạch nông thôn mới, phát triển sản xuất chăn nuôi nâng cao thu nhập người dân;

2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Kêu gọi nguồn đầu tư các dự án về đầu tư phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ; kế hoạch vốn cho các dự án phát triển chăn nuôi;

2.3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và đầu tư bố trí nguồn vốn thực hiện đề án; phối hợp tham mưu đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi;

2.4. Sở Công thương: Phối hợp với sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành, thị xúc tiến đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng công nghiệp, chế biến sản phẩm chăn nuôi, triển khai xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp;

2.5. Sở Y tế: Phối hợp với sở Nông nghiệp và PTNT, các ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thị xã trong công tác phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm chung giữa người và động vật; phối hợp trong công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được quy định tại Luật an toàn thực phẩm;

2.6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị, các ngành liên quan quản lý sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi theo quy hoạch; quản lý nguồn chất thải, đề xuất giải pháp phòng chống ô nhiễm môi trường chăn nuôi và môi trường sống;

2.7. Sở Khoa học công nghệ: Phối hợp với sở Nông nghiệp và PTNT đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ mới, hiệu quả lĩnh vực chăn nuôi: giống, thức ăn, phòng trừ dịch bệnh, xây dựng Thương hiệu, sản phẩm chăn nuôi của tỉnh;

2.8. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PTTH tỉnh, Báo Thái Nguyên: tuyên truyền về nhiệm vụ phát triển chăn nuôi của tỉnh, những giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, phản ánh các điển hình tiến tiến, các mô hình chăn nuôi hiệu quả; tuyên truyền bảo vệ môi trường chăn nuôi;

2.9. Công an tỉnh phối hợp trong phòng chống dịch, kiểm tra xử lý vi phạm về môi trường chăn nuôi;

2.10. Hội nông dân, Hội Phụ nữ, Tỉnh Đoàn, Liên minh Hợp tác xã: Căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với Ngành nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã, vận động nông dân, đoàn viên, hội viên, xã viên HTX thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi;

2.11. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi; xây dựng đề án, dự án phát triển chăn nuôi của địa phương; bố trí quy hoạch đất phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trang trại tập trung, khu chăn nuôi tập trung công nghiệp; quy hoạch, và bố trí quy đất xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chăn nuôi; phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm; quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường trong chăn nuôi; xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi; gắn việc thực hiện quy hoạch chăn nuôi với xây dựng Nông thôn mới;

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Công an tỉnh, Thông tin truyền thông, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới, Đài Phát thanh truyền hình, Báo Thái Nguyên, Hội Nông dân, Hội Phụ Nữ, Tỉnh Đoàn, Liên minh HTX; Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:                                                                      

- Thường trực Tỉnh ủy;

- Thường trực HĐND tỉnh;

- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;

- Như điều 3;

- Trung tâm Giống vật nuôi;

- Lãnh đạo VP UBND tỉnh (Linh);

- Lưu: VT, KTNnam, TH.

           namnt/QĐT3/38b.

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

Đặng Viết Thuần