Tết ông Công, ông Táo - Nhân lên những giá trị truyền thống tốt đẹp

Cập nhật: Thứ sáu 20/01/2017 - 22:30

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích "Hai ông một bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Đây là ba vị thần định đoạt phước đức cho gia đình. Theo đó, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng việc làm ăn, bếp núc, cư xử của gia đình gia chủ trong năm qua, cầu cho một năm mới gặp nhiều may mắn, bình an.

Không chỉ chứa đựng nhiều ý nghĩa về văn hóa và tâm linh, ngày này trở thành một nét đẹp trong cuộc sống của người Việt. Bởi, đây cũng là dịp để những người con đang công tác ở phương xa tạm gác những công việc để trở về bên mái ấm gia đình, cùng nhau tiễn ông Táo về trời và quây quần bên mâm cơm sum họp, chờ đón một năm mới bình an, ngập tràn hạnh phúc.


 

Trong ngày Tết ông Công, ông Táo, mỗi gia đình đều sắm sửa một bộ vàng mã đầy đủ gồm quần áo, giày dép, tiền vàng, cá chép để tiễn các ông lên “chầu trời”. Năm nay, mặt hàng này có mẫu mã đa dạng, kiểu dáng phong phú, bắt mắt hơn. Giá dao động từ 35.000 đồng đến 300.000 đồng/bộ; ngựa từ 25.000 đồng đến 120.000 đồng/con tùy loại to, nhỏ; quần áo từ 10.000 đến 20.000 đồng/bộ.


 

 
Trong mâm lễ cúng Táo quân không thể thiếu cá chép. Bên cạnh các sản phẩm giấy tiền, vàng mã thì mặt hàng cá chép cũng được bày bán ở các chợ trên địa bàn với nhiều chủng loại như: cá chép hồng, vàng, ngũ sắc. Giá cá chép năm nay tăng hơn năm ngoái, cá vàng nhỏ có giá từ 10.000 - 15.000 đồng/con; cá chép ngũ sắc 20.000 – 30.000 đồng/con.

 
 
 
 

 

 

Với mong ước về một năm mới may mắn, thành công, mâm lễ cúng ông Công, ông Táo được mỗi gia đình đều chuẩn bị tươm tất, thịnh soạn với đủ màu sắc và các món ăn truyền thống như xôi, gà luộc, nem rán, giò...


 
Sau lễ cúng, người dân sẽ đem cá chép ra sông, ao, hồ để thả phóng sinh, ngụ ý cá chép hóa rồng, vượt vũ môn, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá chép vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công. Cùng với khẩu hiệu “Thả cá đừng thả túi nilon”, từ sáng sớm ngày hôm nay, 80 công nhân viên, người lao động Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Thái Nguyên, trên 20 đoàn viên Chi đoàn Hậu cần kỹ thuật (Công an tỉnh) túc trực tại các khu vực cầu Gia Bẩy và dọc hai bên bờ sông Cầu, để hỗ trợ người dân thả cá và nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
 

Hoài Anh