Xin chữ đầu Xuân - một nét đẹp văn hóa của người Việt
Đã từ lâu, phong tục xin và cho chữ đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong những ngày đầu Xuân. Những nét chữ mềm mại, uyển chuyển chứa đựng trong đó những ước vọng về một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và bình an.
Những câu đối, câu chúc bằng mực tàu trên giấy đỏ là những món quà tinh thần để đón chào năm mới, biểu thị cho những ước vọng đầu Xuân.
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân sang, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) lại là điểm đến quen thuộc của hàng nghìn người từ khắp mọi miền đất nước đến xin chữ lấy may đầu năm. Năm nay, hơn 100 ông đồ đến từ các câu lạc bộ Thư pháp nổi tiếng đã góp mặt tại Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 được tổ chức tại Hồ Văn thuộc khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Là một sự kiện văn hóa thường niên nhằm tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học của dân tộc, hội chữ cũng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam.
Bên cạnh hình ảnh quen thuộc của những ông đồ bận áo dài, khăn xếp, hội chữ năm nay cũng có sự xuất hiện của nhiều ông đồ trẻ.
Thông thường, thanh niên, học sinh thường xin chữ Minh, Trí, Tuệ, Đạt… để tự nhắc nhở bản thân thu nạp kiến thức, cầu thi cử đỗ đạt. Người trung tuổi hay chọn chữ An, Phúc, Đức, Tâm… mong một năm mới nhiều bình an, gia đình hòa thuận…
Bên cạnh chữ Hán - Nôm, các mẫu câu đối, câu chúc bằng chữ quốc ngữ cũng được nhiều người chọn treo bởi tính thông dụng, dễ đọc, dễ hiểu.
Xưa kia, người cho chữ thường là các ông đồ học rộng, hiểu nhiều hoặc người đỗ đạt cao, nổi tiếng đức độ. Người đi xin chữ cũng mong muốn thông qua chữ sẽ được hưởng may mắn, phúc đức, tài năng của người cho chữ.
Du khách nước ngoài thích thú chờ đợi tác phẩm thư pháp hoàn thành.
Vừa viết chữ, ông đồ vừa giảng giải ý nghĩa của từng nét cho người xin chữ để họ có thể hiểu được hết những ý nghĩa sâu sắc của từng chữ, qua đó thấu hiểu thêm về một nét đẹp văn hóa của dân tộc.