Đấu tranh với các tổ chức tôn giáo tự xưng:
Chỉ rõ bản chất để hành động (Kỳ 3)
Một buổi sinh hoạt của các con chiên Hội thánh Đức Chúa trời. |
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Công an và sự phối hợp, vào cuộc của cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn các cấp trong tỉnh, việc đấu tranh với các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép đã đạt được một số kết quả nhất định. Một số tổ chức trên địa bàn tỉnh tuy không hoạt động rầm rộ nhưng vẫn lén lút, nguy cơ bùng phát nếu lơ là trong công tác quản lý, giám sát, đấu tranh truy quét…
Từ năm 2016 đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã tham mưu và trực tiếp giải quyết trên 40 vụ với gần 500 lượt người tập trung hoạt động tôn giáo trái phép. Ngoài ra, lực lượng Công an tỉnh đã khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố, xét xử 1 vụ với 4 đối tượng có hoạt động dưới hình thức sinh hoạt tôn giáo gây mất an ninh trật tự nơi công cộng. Bên cạnh đó, lực lượng công an các cấp trong tỉnh cũng đã trực tiếp tham gia, phối hợp xác minh trên 30 nguồn tin, theo dõi hơn 600 người đã, đang có hành vi tuyên truyền, lôi kéo nhân dân tham gia các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép. |
Sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên thực tế cho thấy, công tác đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, phản khoa học của các tổ chức tôn giáo tự xưng vì mục đích tư lợi vẫn còn nhiều lúng túng. Cụ thể với địa bàn huyện Định Hóa, dù có rất nhiều cơ quan như: Công an, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ủy ban MTTQ, Phòng Nội vụ… và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã vào cuộc đấu tranh, lên án nhưng không cơ quan nào nắm rõ tường tận về tình hình hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn.
Tại hai huyện Đồng Hỷ và Võ Nhai, đấu tranh với tổ chức hoạt động tôn giáo bất hợp pháp Dương Văn Mình mới dừng ở việc tháo dỡ các nhà đòn. Còn đấu tranh trực tiếp với đối tượng cầm đầu chưa thực sự quyết liệt, chưa có biện pháp mạnh để vạch trần việc lôi kéo người dân nhằm mục đích xấu. Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng công an, quân sự theo sát tình hoạt động của tổ chức tôn giáo bất hợp pháp Dương Văn Mình nhưng lại cho đây là vấn đề “nhạy cảm” nên các tài liệu điều tra, xác minh tình hình hoạt động về tổ chức này lại được cơ quan chức năng địa phương cho vào diện “mật”, báo cáo cấp trên là chính. Do đó, việc khai thác tài liệu phục vụ tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ ở cơ sở để phòng ngừa, ngăn chặn việc lôi kéo đồng bào dân tộc Mông theo tổ chức này chưa thực sự thuận lợi.
Đồng chí Đặng Thành Quang, Phó Bí Thường trực Đảng ủy xã Bình Long (Võ Nhai) cho biết: Tính đến ngày 19/4/2018, tại khu vực Lân Thùng của xã còn 19 hộ có biểu hiện theo tổ chức tôn giáo bất hợp pháp Dương Văn Mình. Qua các đợt đấu tranh phá bỏ nhà đòn xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và tiếp xúc trực tiếp với người dân ở đây, chúng tôi thấy bà con thật thà, giản dị nên dễ bị kẻ xấu lợi dụng. Do vậy, cấp ủy đã chỉ đạo chính quyền, các đoàn thể, cán bộ cơ sở bám sát địa bàn, tình hình, tạo sự gần gũi, thân thiện để từng bước vận động nhân dân từ bỏ tổ chức này. Khó nhất với cán bộ địa phương là chưa có bằng chứng cụ thể về hành vi lợi dụng tôn giáo, sự lương thiện của đồng bào dân tộc Mông để quyên góp tài sản vì mục đích tư lợi, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc nên quá trình đấu tranh với các đối tượng cầm đầu tổ chức này vẫn còn hạn chế.
Còn tại T.P Thái Nguyên, thời gian qua có nhiều tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép chọn là nơi gây dựng mầm mống vì việc quản lý hành chính ở đô thị khó khăn hơn nông thôn. Đồng chí Quản Chí Công, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên thông tin: Các tổ chức tôn giáo tự xưng trên địa bàn có chiều hướng gia tăng và phức tạp. Riêng “Hội thánh Đức Chúa trời” quản lý khó khăn hơn do các nhóm, hội này thường hoạt động kín, liên tục thay đổi địa điểm và núp dưới các hình thức như hội thảo khoa học, quán cà phê, bán hàng. Việc xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trái phép chưa thực sự mạnh vì cần cân nhắc kỹ lưỡng, không thể quá cứng nhắc. Từ ngày 1/1/2018, Luật Tôn giáo, tín ngưỡng có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP về quản lý tôn giáo, tín ngưỡng nên các cơ quan chức năng của T.P Thái Nguyên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm nhiều lần.
Ông Phạm Thanh Nhuận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Định Hóa: Vấn đề quản lý về tôn giáo mới được giao cho Ủy ban MTTQ phụ trách nên chúng tôi chỉ dừng lại ở việc nắm thông tin về các tôn giáo chính thống được phép hoạt động. Đơn vị cũng mới tổ chức tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn; lựa chọn, biểu dương khen thưởng các cá nhân người công giáo tiêu biểu và thực hiện mô hình cộng đồng dân cư công giáo tham gia bảo vệ môi trường. Còn kế hoạch đấu tranh với các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép đang gặp khó khăn. |
Anh Nguyễn Đình Yên, Bí thư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên (Đại học Thái Nguyên) cho biết: Qua nắm bắt đã có trên 40 sinh viên của các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên tham gia tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép phải nhận các hình thức xử lý khác nhau. Chúng tôi thực sự lo lắng và đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức và có biện pháp xử lý phù hợp ngay từ ban đầu. Nhưng để ngăn chặn sinh viên bị lôi kéo vào các tổ chức này thì ngoài sự nỗ lực của các nhà trường rất cần sự phối hợp chặt chẽ của gia đình và chính quyền các cấp. |
Trên địa bàn tỉnh hiện tập trung hàng vạn học sinh, viên viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có tri thức, trình độ nhưng tuổi trẻ nông nổi, thích tiếp cận cái mới nhưng ít sàng lọc thông tin nên chuyện bị lôi kéo vào các tổ chức tôn giáo tự xưng là rất dễ xảy ra. Trong khi đó việc quản lý sinh viên hiện nay có phần lỏng lẻo vì phần lớn sinh viên ở trọ bên ngoài các nhà trường; việc đào tạo theo tín chỉ nên giáo viên chủ nhiệm, tổ chức đoàn nắm bắt thông tin, điều kiện, hoàn cảnh của sinh viên không thường xuyên. PGS.TS Trần Văn Điền, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên cho biết: Khi có thông tin sinh viên của Nhà trường tham gia các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép, cấp ủy, Ban Giám hiệu đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, quản lý các khoa, phòng tổ chức tuyên truyền, bám sát tình hình để nắm bắt thông tin, kịp thời báo cáo cấp trên, cơ quan chức năng. Nhà trường cũng đã bí mật cử cán bộ, sinh viên tham gia vào những hoạt động nghi sinh hoạt tôn giáo trái phép để nắm bắt. Tuy nhiên, khi phát hiện có cán bộ và sinh viên của Nhà trường tham gia, đối tượng tổ chức những hoạt động trên lại dừng hoạt động hoặc đột ngột thay đổi địa điểm.
Trao đổi trong các hội nghị liên quan đến công tác tư tưởng, nắm bắt dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng chí Hoàng Anh Trung, Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy băn khoăn: Một số tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái pháp luật đã sử dụng mạng xã hội là phương tiện truyền bá, lôi kéo. Đây đang là một trong những khoảng trống trong công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo cần phải lưu tâm. Khi muốn lôi kéo người dân tham gia sinh hoạt tôn giáo trái phép, các đối tượng cầm đầu đã bằng nhiều hình thức như đăng tải tin bài, video hấp hẫn trên mạng xã hội để thu hút mọi người quan tâm. Do vậy, các lực lượng chức năng nên nghiên cứu thành lập bộ phận chuyên biệt về đấu tranh với các đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này trên mạng xã hội và sử dụng công nghệ cao để tuyên truyền, lôi kéo người dên.
Các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp, có sự kết nối với các tổ chức ở nhiều địa phương khác và cả ở nước ngoài. Niềm tin tâm linh không còn là hiện tượng tâm lý xã hội bình thường mà có nhiều nguy cơ phức tạp. Trước thực tế trên, công luận đề nghị các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình nghiên cứu, đánh giá để nhận diện đúng bản chất, mức độ về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng nói chung, các tổ chức tôn giáo tự xưng, nhóm sinh hoạt tâm linh để có giải pháp quản lý phù hợp. Ngành Công an cần đẩy mạnh điều tra, xác minh để xử lý hình sự đối với những đối tượng cầm đầu tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép khi có dấu hiệu lừa đảo về kinh tế, dấu hiệu cho người dân sử dụng chất gây nghiện để dễ bề xúi giục, sai khiến. Cùng với đó, các cơ quan chức năng nên soạn thảo tài liệu tuyên truyền để làm “cẩm nang” chính thống giúp cán bộ cơ sở nhận biết đúng, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, vạch trần bộ mặt thật, hành vi tư lợi của các đối tượng cầm đầu các tổ chức tôn giáo tự xưng, nhóm tâm linh hoạt động trái pháp luật.