Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực: Những hệ lụy đau lòng
Hiện trường vụ án mạng nghiêm trọng tại xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến (Võ Nhai), ngày 15-2. |
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra không ít vụ việc có nguyên nhân từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống. Việc nợ tiền chậm trả, khúc mắc về tình cảm hay đơn giản là sự tức giận, ấm ức không được giải toả… khiến một số người không làm chủ được bản thân, dẫn đến hành động côn đồ. Hệ luỵ là người thì bị thương tật nghiêm trọng, thậm chí mất mạng; kẻ vướng vào vòng lao lý, chịu sự trừng phạt của pháp luật và để lại những nỗi đau, sự ám ảnh cho người thân.
Dư luận trong và ngoài tỉnh mới đây không khỏi bàng hoàng trước vụ án mạng nghiêm trọng diễn ra trên địa bàn xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến (Võ Nhai). Cụ thể, vào ngày 15-2, đối tượng Lê Văn Hữu đã dùng súng đứng từ tầng 2 nhà mình bắn vào vợ chồng ông Lê Văn T. và bà Phạm Thị Đ. (cùng 51 tuổi) ở gần đó, rồi tự sát. Hậu quả là ông T. và Hữu tử vong; bà Đ. được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã qua cơn nguy kịch, nhưng thương tổn ở đầu sẽ để lại nhiều di chứng về sau.
Điều đáng buồn là hung thủ và các nạn nhân đều ở cùng xóm và có mối quan hệ họ hàng. Mâu thuẫn đươc cơ quan chức năng bước đầu xác định là liên quan đến số tiền vay nợ không quá lớn. Những người ở địa phương cho biết, trước khi xảy ra sự việc, giữa hai bên từng cự cãi, thách thức lẫn nhau. Bản thân đối tượng Hữu chia sẻ hình ảnh khẩu súng trên mạng xã hội kèm lời đe dọa. Đã có những lo lắng về việc không hay, nhưng ít ai nghĩ từ mâu thuẫn nhỏ bị đẩy lên cao và để lại hậu quả nghiêm trọng như vậy. Ở một vùng quê vốn yên bình, có lẽ vụ việc sẽ còn là nỗi ám ảnh rất lâu.
Cũng vì mâu thuẫn tiền bạc, trên địa bàn xóm Trại, xã Tân Hương (T.X Phổ Yên) đã xảy ra vụ án mạng khiến 1 người tử vong. Vụ việc diễn ra vào tháng 3-2021.
Thời điểm đó, nhóm 3 người là nhân viên của quán Karaoke Dragon (thuộc phường Ba Hàng, T.X Phổ Yên) gồm: Trần Văn Thông, sinh năm 1976 (ở xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội); Dương Đình Thanh, sinh năm 2003 (ở xóm Chiềng, xã Đắc Sơn, T.X Phổ Yên); Lê Huỳnh Đức, sinh năm 2003 (ở xóm Đông Tiến, xã Bình Long, Võ Nhai) đã xô xát với Đặng Đức Đạt, sinh năm 2005 (ở xóm Bến, xã Đắc Sơn, T.X Phổ Yên).
Nguyên nhân do Đạt nợ 11 triệu đồng tiền hát tại quán Karaoke Dragon nhưng chưa trả. Bị đánh, Đặng Đức Đạt đã dùng dao nhọn đâm Thông, Thanh và Đức bị thương rồi cầm dao bỏ chạy; Trần Văn Thông bị thương nặng nên đã tử vong.
Còn nữa những mâu thuẫn nhỏ đã dẫn đến bạo lực, thậm chí án mạng. Tháng 4-2021, đối tượng Vũ Văn Việt (sinh năm 1959, ở xóm Diễn, xã Tân Đức, Phú Bình) đã chặn đường, dùng dao chém ông Vũ Văn Dũng (sinh năm 1963) đang trên đường đón cháu nội sinh năm 2016 từ trường học về. Hậu quả là ông Dũng bị thương nặng, cháu nội ông tử vong. Đối tượng khai là anh ruột ông Dũng, trước đó có xích mích, thường xuyên cãi nhau với em.
Tháng 3-2021, vì mâu thuẫn giữa con với các bạn cùng lớp, một phụ huynh học sinh Trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh Thái Nguyên đã mang theo hung khí, hành hung 2 học sinh Nhà trường. Hậu quả là một em bị gãy sống mũi.
Trước đó, vào tháng 1-2020, liên quan đến mâu thuẫn chuyện tình cảm, đối tượng La Đình Hợi, sinh năm 1983 (ở xã Thượng Đình, Phú Bình), đã chặn đường và chém trọng thương chị Trần Thị H., sinh năm 1987 (trú tại xã Bình Sơn, T.P Sông Công)…
Thực tế cuộc sống hàng ngày không thể tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn. Tuy nhiên, cách xử lý không khéo léo hoặc vì muốn thể hiện cái tôi, thiếu kiềm chế của một số người dẫn đến những hành vi giải quyết bằng bạo lực và bị xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, sự đi xuống về đạo đức và lối sống, thiếu kỹ năng kiềm chế cơn giận cũng như tác động tiêu cực từ các sản phẩm truyền thông, mạng xã hội mang tính bảo lực… cũng khiến một bộ phận, trong đó có giới trẻ thích “động tay, động chân” để giải quyết mâu thuẫn mà không nghĩ đến hậu quả.
Để giải quyết và hạn chế những hành vi bạo lực xuất phát từ mâu thuẫn đòi hỏi phải có cách hành xử và lối sống đúng mực, đúng pháp luật. Chính vì thế, mỗi người cần phải tỉnh táo, kiềm chế để không gây ra những hậu quả đáng tiếc từ những xích mích nhỏ.
Với giới trẻ thì gia đình, nhà trường và các đoàn thể cơ sở cần quan tâm hơn nữa trong việc tạo lập môi trường và định hướng các hoạt động xã hội lành mạnh, trang bị cho họ kỹ năng xử lý những vẫn đề phát sinh trong cuộc sống.