Phát huy tinh thần tự quản trong nhân dân

Cập nhật: Thứ năm 28/05/2020 - 08:01
 Nhờ hoạt động của Tổ tự quản bảo vệ môi trường, người dân xóm Hòa Bình đã có ý thức vứt rác vào các bể chứa, trồng hoa hai bên đường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Nhờ hoạt động của Tổ tự quản bảo vệ môi trường, người dân xóm Hòa Bình đã có ý thức vứt rác vào các bể chứa, trồng hoa hai bên đường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đại Từ có 429 mô hình tự quản, huy động sự tham gia đông đảo của người dân. Qua đó nhằm phát huy vai trò chủ động, tích cực của nhân dân trong phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa, giữ vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới…

Với mục tiêu phát huy tinh thần tự quản của nhân dân, những năm qua, MTTQ huyện Đại Từ đã triển khai xây dựng mô hình tổ dân cư tự quản và đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân, đặc biệt là sự tham gia của các tổ chức thành viên như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... Căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, MTTQ hướng xây dựng các mô hình tự quản phù hợp với tình hình, điều kiện của mỗi khu dân cư. Qua tìm hiểu các mô hình trên địa bàn huyện, chúng tôi thấy, chủ yếu các mô hình tập trung vào các lĩnh vực như: Phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn hóa, giữ vệ sinh môi trường…

Đồng chí Nguyễn Bích Quế, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: Mục đích của mô hình tự quản là nhằm phát huy sự sáng tạo, tinh thần tự quản trong nhân dân, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng, tạo thuận lợi cho công tác dân vận khi triển khai các cuộc vận động, các phong trào tại cơ sở. Chính vì vậy, để các mô hình đi vào hoạt động mang lại lợi ích thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tế cuộc sống của các khu dân cư, hầu hết các mô hình tự quản đều do nhân dân tự đề xuất, triển khai, thực hiện. Mỗi tổ tự quản đều có tổ trưởng để cùng với trưởng xóm vận động nhân dân thực hiện các yêu cầu, nội dung của tổ, đồng thời tổ chức các hoạt động tự quản trong phạm vi khu dân cư. Với hiệu quả thiết thực mà các tổ tự quản mang lại, các mô hình tự quản ngày càng được nhân rộng trên khắp toàn huyện.

Hiện nay, huyện Đại Từ có 444 thôn, xóm, tổ dân phố thì có 429 mô hình tự quản. Trong đó, lĩnh vực kinh tế: 52 mô hình; lĩnh vực an ninh trật tự: 47 mô hình; lĩnh vực bảo vệ môi trường: 185 mô hình; lĩnh vực nếp sống văn minh: 85 mô hình, còn lại là lĩnh vực khác: 60 mô hình. Được hình thành với mục đích duy trì sự ổn định, trong sạch về an ninh trật tự, hơn 10 năm nay, mô hình Khu dân cư trắng về ma túy - xóm 7, xã Cù Vân đã khẳng định được hiệu quả hoạt động của mình khi giữ được sự trong sạch theo đúng tên gọi của mô hình. Đồng chí Đặng Cương Quyết, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay từ khi triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xã đã nhận thức rõ người dân chính là chủ thể trong quá trình thực hiên cuộc vận động, vì vậy, Ban thường trực MTTQ xã đã xây kế hoạch, tuyên truyền gửi đến Ban công tác Mặt trận các xóm, các tổ chức thành viên để tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về 5 nội dung của cuộc vận động. Đặc biệt năm 2016, mô hình điểm Khu dân cư trắng về ma túy được thành lập, với 12 thành viên nòng cốt. Sự hoạt động tích cực của 12 thành viên trong tổ cùng với sự tham gia tố giác, ngăn chặn các hành vi, đối tượng có biểu hiện vi phạm về ma túy cũng như an ninh trật tự đã giúp xóm duy trì sự ổn định về an ninh trật tự nhiều năm liền. Đến nay, 11 năm liên tục, xóm đạt xóm văn hóa và không có người vi phạm pháp luật, mua, bán, không sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy, không có người nghiện ma túy.

Còn Tổ tự quản "Cộng đồng tôn giáo và dân cư tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu" xóm Thắng Lợi, xã Yên Lãng được hình thành nhằm hướng tới việc vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Ban đầu chỉ có 65/116 hộ tham gia, qua tuyên truyền, vận động, đến nay, có 110 hộ/116 hộ tham gia. Ngoài việc, người dân thực hiện việc đổ rác đúng nơi quy định, mùng 5 hàng tháng, bà con trong xóm lại vệ sinh môi trường ở các cụm dân cư, huôn viên nhà văn hóa... Nhờ đó, đường làng, ngõ xóm luôn được giữ sạch sẽ, không còn hiện tượng vứt rác bừa bãi ở những ngõ vắng như trước, các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại đồng ruộng được thu gom tại các bể, rồi chuyển đi xử lý. Bên cạnh đó, Tổ tự quản phối hợp với Ban Công tác Mặt trận, Trưởng xóm vận động các hộ chăn nuôi lợn, trâu, bò xây dựng hầm bioga để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường trong xóm. Đến nay, 100% các hộ chăn nuôi đều có hầm bioga. Ngoài ra, xóm đã xây dựng được đường điện thắp sáng đường quê với tổng chiều dài 720m, trị giá trên 30 triệu đồng, đảm bảo thuận lợi cho việc đi lại và trật tự an ninh của xóm được ổn định, Chi hội Phụ nữ thực hiện trồng hoa hai bên đường, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp. Ông Nguyễn Hữu Thắng - người dân của xóm cho biết: Cảnh quan môi trường ở đây mấy năm nay đã thay đổi hoàn toàn. Trước đây, xóm chưa quy định nơi đổ rác cố định, người dân cứ tiện đâu vứt đó rất mất vệ sinh. Giờ thì trước khi mang rác ra, người dân đã có ý thức buộc kín, để rác đúng nơi quy định chờ tổ thu gom đến lấy. Thêm vào đó, người dân đã tích cực trồng cây cảnh, các loại hoa, nên đường làng, ngõ xóm càng thêm sạch, đẹp, chúng tôi thấy thêm yêu quê hương mình hơn.

Từ hoạt động của các tổ tự quản, ý thức người dân về phát triển kinh tế, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, xây dựng đời sống văn hóa... được nâng lên rõ rệt, góp phần thực hiện tốt các phong trào thi đua ở địa phương.

Hải Hằng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: