Quyết liệt bài trừ việc lợi dụng tôn giáo để thực hiện mục đích cá nhân
Mục sư Triệu Phúc Tiến bồi dưỡng về giáo lý cho đại diện các hội nhóm, Hội thánh Tin lành tại Thái Nguyên để đấu tranh với tố chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái pháp luật. |
Trước thực trạng 6 tổ chức tôn giáo tự xưng và 4 nhóm hoạt động tâm linh thâm nhập lén lút hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Thái Nguyên đã tìm hiểu thực tế và phản ánh trong loạt bài 3 kỳ: “Đấu tranh với các tổ chức tôn giáo tự xưng: Nhận diện đúng bản chất để hành động”. Sau khi báo đăng, đã có nhiều ý kiến trao đổi về vấn đề này. Đặc biệt, một số chức sắc tôn giáo được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh cho rằng phải quyết liệt bài trừ việc lợi dụng hoạt động tôn giáo vì mục đích cá nhân.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Việt Nam tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định rõ phương châm Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội và luôn giáo dục phật tử lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Chính vì thế, những người con Phật không mê tín dị đoan, lấy tứ hiếu để giữ nguồn cội, truyền thống. Do vậy, các tà đạo xúi giục người dân phá bỏ bát hương, bàn thờ tổ tiên, sống mộng mị, mê tín, vị kỷ là đi ngược với giáo lý của Phật giáo, truyền thống của người Việt Nam nên cần phải loại bỏ. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức họp các chức sắc để tuyên truyền Luật Tôn giáo, tín ngưỡng, Nghị định số 162/2017/NĐ-CP. Từ đó, các cơ sở của Phật giáo trên địa bàn tỉnh sẽ chấp pháp và làm theo đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng, đấu tranh, lên án để loại bỏ các tà đạo, nhóm tâm linh hoạt động trái pháp luật.
Phân tích về bản chất của các tổ chức tôn giáo tự xưng, Mục sư Triệu Phúc Tiến, Ủy viên Ban Trị sự Tổng thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc, phụ trách linh vụ, các hội nhóm, hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc tại Thái Nguyên thông tin: Thời gian qua, các tín hữu của Đạo Tin lành trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nếu có biểu hiện nào sai lệch với giáo lý của kinh Thánh, chúng tôi kịp thời chấn chỉnh ngay. Hai năm trở lại đây, nhóm tự xưng là “Hội thánh của Đức Chúa trời” hoạt động trên địa bàn tỉnh nhưng thành viên của hội nhóm này chỉ thuộc một vài câu trong kinh Thánh, sau đó phân tích, giảng giải không đúng. Tôi đã từng tiếp xúc với một số người và nhận thấy họ có cách tuyên truyền rất thu hút, lấy danh nghĩa các buổi giao lưu, hội thảo. Trước thực tế đó, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, chỉ rõ cho mọi người biết giáo lý của họ là sai lệch với giáo lý của Hội thánh chính thống. Cụ thể như, người lập ra Hội thánh Đức Chúa trời tự xưng chúa là sai, ai tự xưng chúa đều là tà giáo, bởi Đức chúa trời chỉ có một. Để dẫn chứng cụ thể, Mục sư Triệu Phúc Tiến đã cung cấp cho chúng tôi tài liệu có tựa đề “Nghiên cứu tà giáo” trong đó nêu rõ bối cảnh ra đời của Hội thánh Đức chúa trời tại Hàn Quốc. Những sai lệch về thần học của nhóm này như: Chỉ Hội thánh mới có sổ sách sự sống, ai được ghi vào sách sự sống mới được cứu rỗi; phải giữ lễ Sa - bát mới được cứu…
Tổ chức Công giáo trên địa bàn tỉnh cũng rất bức xúc khi một số tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái phép đã sử dụng nội dung kinh Thánh nhưng lại biến tướng, làm cho lệch lạc để tuyên truyền, lôi kéo người dân. Linh mục Hoàng Văn Sự, Chánh xứ Giáo xứ Nhã Lộng (Phú Bình) cho rằng: Những điều mê muội “Hội thánh của Đức Chúa trời” vẫn giao giảng không thuộc về Công giáo. Họ dùng nội dung kinh Thánh để giải thích theo ý của họ, như vậy là lỗi luật. Ở đây đang có sự nhầm lẫn khiến nhiều người hiểu lầm rằng cứ nhắc đến đạo là Công giáo. Chúng tôi đi theo đạo có cội nguồn, có giáo luật. Do vậy, mỗi buổi sinh hoạt lễ chúng tôi đều nhắc nhở giáo dân phải thực hiện giáo luật răn dạy, đó là nhận biết và tôn thờ thiên chúa, xây dựng xã hội tốt đẹp. Trong lời răn của Chúa, con kính cha mẹ, cha mẹ chăm sóc con, người dưới tôn trọng cấp trên, cấp trên yêu thương cấp dưới, người dân phải phục vụ Tổ quốc. Vậy nhưng giáo lý của “Hội thánh Đức Chúa trời” lại phủ nhận hết những điều đó. Nhất là việc kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ. Tuyên truyền không làm cũng có ăn, không cần phải học… là hết sức vô lý. Đây chính là sự bôi nhọ, xúc phạm đạo Thiên chúa. Tôi mong muốn ngành chức năng cần vào cuộc dẹp bỏ những hội nhóm tà đạo phản khoa học, đi ngược lại truyền thống của dân tộc và quy định của pháp luật.
Một bạn đọc có địa chỉ email: kiencaongan@gmail.com đưa ra ý kiến: Báo Thái Nguyên đăng loạt bài đấu tranh với các tổ chức tôn giáo tự xưng hoạt động trái pháp luật tôi rất đồng tình. Đảng đã có Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 25, Nhà nước có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 14/1/2018. Những văn bản này đã quy định rất rõ các điều cần và đủ trong hoạt động tôn giáo, biện pháp xử lý khi vi phạm nên tôi đề nghị cơ quan chức năng các cấp trong tỉnh có biện pháp đủ mạnh xử lý các đối tượng cố tình vi phạm.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về các giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh thời gian tới, bà Nguyễn Mạnh Anh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo tỉnh cho biết: Ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để tham mûu cho UBND tỉnh giải quyết các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo trên địa bàn tỉnh, chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo; thường xuyên thăm hỏi, động viên các chức sắc, chức việc tôn giáo để chia sẻ tâm tư nguyện vọng và hướng đến các tổ chức, cá nhân tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Hy vọng với việc triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và tinh thần quyết tâm, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhân dân, sự hỗ trợ tích cực của chức sắc, chức việc thuộc các tôn giáo chính thống được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh, vấn đề tôn giáo nói chung trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi tích cực.