Đi ngược chiều vì không có đường

Cập nhật: Thứ tư 13/07/2022 - 12:33
 Người dân phải đi ngược chiều ra Quốc lộ 3 cũ.
Người dân phải đi ngược chiều ra Quốc lộ 3 cũ.

Khoảng 10 năm nay, 6 hộ dân (24 nhân khẩu) ở tổ 3 Tân Sơn, phường Lương Sơn (TP. Sông Công), luôn phải đi vào đường cấm lối lên cao tốc - khu vực nút giao Sông Công để về nhà và đi ngược chiều mỗi khi có việc phải ra Quốc lộ 3. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

6 hộ dân đã sinh sống ổn định ở khu vực này trước khi Nhà nước triển khai Dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Sau khi Dự án hoàn thành, do đoạn đường gom triển khai dở dang nên 6 hộ dân không có lối đi chung ra Quốc lộ.

Ông Ngô Quang Sáng (sinh năm 1955) sống ở tổ 3 Tân Sơn từ năm 1980 cho biết: Từ khi cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên được triển khai và đi vào hoạt động, 6 gia đình ở khu vực này phải đi ngược chiều. Chúng tôi nhiều lần có đơn gửi tổ dân phố, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đề nghị tạo điều kiện cho các hộ có đường gom dân sinh để đi lại thuận tiện và không vi phạm Luật Giao thông, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết.

Ông Sáng chỉ cho chúng tôi nền đường gom chưa hoàn thiện và mốc giới đã được cắm trước đây. Phía đầu đường gom giáp với Quốc lộ 3 cũ là trạm biến áp, cung cấp điện chiếu sáng cho tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Đoạn nút giao do Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng công trình Bắc Nam quản lý, nơi đây cũng đặt biển báo cấm xe máy, xe đạp và người đi bộ vào cao tốc.

Gia đình bà Nguyễn Thị An cũng sinh sống ở khu vực này từ khá lâu, bà An cho biết: Nhà tôi cách Quốc lộ 3 gần 300m, khi chồng tôi đi làm, các cháu đi học đều phải đi ngược chiều. Ngoài ra, gia đình chăn nuôi lợn đã nhiều năm nhưng các phương tiện chở cám hay mua lợn thịt đều phải đi tới nút giao Tân Lập mới quay lại được, đây cũng là nguyên nhân khiến giá bán lợn hơi của chúng tôi thấp hơn nơi khác...

Việc đi ngược chiều gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên có phương án xây dựng hoàn trả đường gom dân sinh. Tuy nhiên, đoạn cuối tuyến đường gom bị thi công dở dang.

Tháng 5 vừa qua, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên - Môi trường TP. Sông Công, phường Lương Sơn và đại diện Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng công trình Bắc Nam, đại diện tổ dân phố 3 Tân Sơn và các hộ dân liên quan đã có buổi làm việc về vấn đề này. Các thành phần liên quan đã ký biên bản trong đó có nội dung Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng công trình Bắc Nam khôi phục lại mốc giải phóng mặt bằng đoạn nút giao cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; đề nghị đơn vị quản lý bàn giao một phần diện tích để địa phương cùng nhân dân đầu tư làm đường dân sinh.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Sông Công, cho biết: Phần đường hiện 6 hộ dân đang đi tạm nằm trong hành lang của đường dẫn lên cao tốc, do Cục Quản lý đường bộ quản lý. Địa phương và cơ quan chức năng đã làm việc với đơn vị quản lý cao tốc về việc bảo đảm an toàn giao thông cho 6 hộ dân. Trong đó có kiến nghị Cục Quản lý đường bộ hoàn trả lại đường gom theo thiết kế ban đầu khi xây dựng đường cao tốc, hoặc bàn giao lại một phần diện tích đường gom để thành phố làm đường giao thông. Tuy nhiên, cho tới nay TP. Sông Công chưa nhận được văn bản trả lời.

Mong muốn có đường dân sinh của 6 hộ dân nói trên là hoàn toàn chính đáng. Bởi thế, các cơ quan liên quan cần sớm có giải pháp khắc phục.

Quỳnh Mai
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: