Thắt dây an toàn vì chính bạn

Cập nhật: Thứ hai 10/10/2022 - 11:17
 Cảnh sát Giao thông ghi hình lái xe không cài dây an toàn khi điều khiển ô tô.
Cảnh sát Giao thông ghi hình lái xe không cài dây an toàn khi điều khiển ô tô.

Việc thắt dây an toàn đối với người điều khiển lẫn người ngồi trên xe ô tô là quy định bắt buộc, là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ tính mạng, giảm nhẹ chấn thương nếu có sự cố xảy ra trong quá trình tham gia giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều người không chấp hành.

Quy định đã có từ lâu nhưng nhiều người vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc sử dụng dây đai để bảo đảm an toàn cho bản thân, hoặc sử dụng mang tính chất đối phó.

Chúng tôi đã có buổi khảo sát thực tế cùng lực lượng chức năng. Chỉ trong 30 phút tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường Bắc Kạn, Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) - trật tự Công an TP. Thái Nguyên đã phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Ông Đỗ Đăng, tổ 5, phường Hoàng Văn Thụ, lý giải: Tôi chỉ đi đón cháu trên quãng đường 50m nên mới không thắt dây an toàn… Còn anh Nguyễn Hồng Cường, phường Gia Sàng, nói: Bình thường tôi vẫn thắt dây an toàn, nhưng hôm nay vội chở hàng cho khách nên quên không thực hiện.

Ngoài ra, còn rất nhiều lý do được đưa ra như: Đã có nhiều năm kinh nghiệm lái xe, xử lý tình huống tốt nên không cần sử dụng; cảm thấy vướng, không thuận tiện khi ngồi lái; e ngại sử dụng dây đai sẽ bị kẹt không thể tháo dây đai, thoát khỏi xe khi xảy ra tai nạn, hoặc xe đã trang bị túi khí thì không cần đến dây đai an toàn nữa...

Thậm chí, có lái xe còn cắm chốt nhưng không quàng dây đai qua thân người, hoặc mua các chốt giả để “đánh lừa” hệ thống cảnh báo trên xe, chặn âm thanh cảnh báo.

Thiếu tá Vũ Tiến Thịnh, Đội CSGT - trật tự Công an TP. Thái Nguyên, cho biết: Thời gian qua, lãnh đạo Công an tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo lực lượng CSGT thực hiện nghiêm Nghị định 100 đối với hành vi vi phạm quy định này. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, nhắc nhở vẫn là ưu tiên hàng đầu nhằm nâng cao ý thức cho người dân, tạo thói quen thắt dây an toàn khi tham gia giao thông tương tự như việc đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm.

Thực tế cho thấy, việc xử phạt vi phạm này không đơn giản, bởi kính trước của xe ô tô phản chiếu ánh sáng bị lóa, trong khi hầu hết ô tô hiện nay đều dán kính chống nắng, nên từ ngoài nhìn vào trong rất khó phát hiện người trên xe có thắt dây an toàn hay không khi xe đang di chuyển với tốc độ cao.

Ngay cả khi lực lượng chức năng phát hiện và ra hiệu lệnh dừng, nhiều tài xế chống chế bằng cách vội kéo dây an toàn hoặc cự cãi là có thắt nhưng phải tháo ra để xuống trình diện. Một số lái xe khác viện lý do đi đường gần để “xin xỏ”, hoặc yêu cầu CSGT cung cấp hình ảnh, video vi phạm mới chịu nhận lỗi.

Thiết nghĩ, khi tham gia giao thông ai cũng muốn được an toàn “đi đến nơi, về đến chốn” chứ không phải là để lách luật hay tránh CSGT. Việc xử phạt chỉ là biện pháp cứng rắn để răn đe, chấn chỉnh các vi phạm. Bởi vậy, mỗi người dân cần chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về an toàn giao thông và luôn tâm niệm “Thắt dây an toàn vì tính mạng của chính mình” khi ngồi trên xe ô tô.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, người điều khiển xe ô tô sẽ bị phát tiền từ 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không thắt dây an toàn và chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy; người ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy sẽ bị phát tiền từ 300-500 nghìn đồng.
Hoài Anh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: