Cần tìm hiểu kỹ trước khi mua hàng tại siêu thị

Cập nhật: Thứ tư 05/01/2022 - 09:39
 Siêu thị điện máy HC Thái Nguyên - nơi bị phản ánh “bắt bí” khách hàng.
Siêu thị điện máy HC Thái Nguyên - nơi bị phản ánh “bắt bí” khách hàng.

Mua phải sản phẩm bị lỗi, nhưng khi muốn lấy lại tiền hoặc đổi sang sản phẩm khác có giá trị thấp hơn thì người mua “được” bên bán yêu cầu phải trả phí 10-30%. Chị H.T.H, xã Thượng Đình (Phú Bình) - khách hàng của Siêu thị điện máy HC Thái Nguyên phản ánh.

Chị H cho biết: Ngày 12-12-2021, chồng và con tôi đến Siêu thị điện máy HC, trên đường Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên), để mua chiếc tủ lạnh 2 buồng của hãng Panasonic với giá 36.990.000 đồng. Sau khi tủ được lắp đặt, tôi cắm điện để sử dụng thì sáng hôm sau bên trong tủ nóng ran nên đã phản ánh tới Siêu thị. Theo lời nhân viên kỹ thuật của HC, chiếc tủ bị lỗi. Nhân viên bán hàng của HC cho biết sẽ đổi cho tôi sản phẩm cùng loại, nhưng do không cảm thấy yên tâm với dòng sản phẩm này nên gia đình tôi không muốn mua loại tủ đó nữa. Ngày hôm sau, tôi đến Siêu thị để đổi sang sản phẩm của hãng khác có trị giá 32,5 triệu đồng thì nhân viên HC trả lời tôi chỉ có thể đổi sang sản phẩm cùng loại, nếu không phải là sản phẩm có giá trị bằng hoặc cao tiền hơn. Nếu không, tôi sẽ bị tính phí đổi trả 10% trên giá trị số tiền mà tôi đã mua sản phẩm đầu tiên. Còn nếu lấy lại tiền, tôi sẽ bị trừ 30%.

Sau 2 lần đến HC một mình không được giải quyết thỏa đáng, lần này chị H. đi cùng em gái (người có kiến thức về pháp luật) để tiếp tục yêu cầu HC giải quyết. Cũng như hai lần trước, chị H. yêu cầu HC trả lại tiền (chị H. đồng ý trả tiền phí vận chuyển chiếc tủ) hoặc được đổi sang bất cứ sản phẩm nào, nếu ít tiền hơn thì HC phải hoàn trả đủ số tiền chênh lệch. Còn nếu không trả lại tiền thì ghi rõ vào giấy nguyên nhân Siêu thị không trả đủ tiền cho khách.

Lúc này, một nhân viên được cho là người có trách nhiệm đứng ra để giải quyết sự việc giải thích rằng, họ chỉ biết làm theo quy định. Ngày hôm qua, khi được nghe báo cáo lại sự việc, trực tiếp người này đã xin “cấp trên” xem xét giải quyết để có lợi nhất cho khách hàng và được trả lời: Nếu lấy lại tiền thì khách bị trừ 20% (thay vì 30% trước đó), còn nếu muốn đổi sang sản phẩm khác mà không bị trừ tiền thì khách hàng phải lấy sản phẩm có giá thấp hơn không đáng kể (từ một vài trăm nghìn đến 1-2 triệu đồng là cùng). Còn nhiều hơn thì vẫn bị trừ 10%.

Nghe nói đến đây, chị H. lúc này một mực yêu cầu lấy lại tiền. Thấy thái độ cương quyết của chị H. nhân viên này lại đề nghị được báo cáo sự việc lên cấp trên một lần nữa. Sau khoảng 10 phút, người này cho biết cấp trên đã đồng ý để khách hàng đổi sang sản phẩm bất kỳ mà không phải chịu chi phí gì. Chị H. bảo, với cung cách phục vụ thế này, tôi không muốn mua hàng tại HC nữa. Thích trừ bao nhiêu thì trừ và viết nguyên nhân trừ vào giấy cho tôi là được.

Để hài hòa, em gái chị H. đã động viên chị H. đồng ý lấy chiếc tủ của hãng khác, với giá trị sau khuyến mại là 29 triệu đồng. Tuy nhiên, cũng phải sau gần 1 tuần kể từ ngày chị H. được HC chuyển tủ lạnh đến, số tiền còn lại mới được HC chuyển trả.

Có thể thấy, bên có lỗi ở đây là HC vì đã bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Vậy nhưng, khi khách hàng yêu cầu lấy lại tiền hoặc đổi sang sản phẩm của nhà sản xuất khác - một yêu cầu hoàn toàn chính đáng thì HC lại bắt khách phải chịu một khoản phí không nhỏ. Trong khi trước đó, HC không hề đưa ra thông tin này khi tư vấn sản phẩm cho khách.

Đặt giả sử, nếu chị H. không cương quyết, không biết tự bảo vệ quyền lợi của mình thì rõ ràng đã bị HC xâm phạm quyền lợi. Vẫn biết, mỗi cửa hàng đều có quyền đưa ra các quy định trong việc mua - bán, nhưng phải dựa trên căn cứ, quy định của pháp luật và đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền lợi chính đáng của khách hàng, chứ không thể tùy tiện áp đặt như Siêu thị điện máy HC Thái Nguyên trong trường hợp này.

Sự việc trên cho thấy, mỗi người khi đi mua hàng, nhất là mua những sản phẩm có giá trị lớn nên tìm hiểu kỹ chính sách bán hàng để tránh bất lợi.

T.H
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: