Đổ đá xuống hồ Núi Cốc: Doanh nghiệp cam kết hoàn trả lại hiện trạng ban đầu

Cập nhật: Thứ sáu 09/07/2021 - 17:36
 Đến ngày 9-7, Doanh nghiệp đã bốc dỡ được khoảng 260m3 đá đã đổ xuống lòng hồ trước đó..
Đến ngày 9-7, Doanh nghiệp đã bốc dỡ được khoảng 260m3 đá đã đổ xuống lòng hồ trước đó..

Vừa qua, Báo Thái Nguyên nhận được thông tin Công ty TNHH Một thành viên khoáng sản và bất động sản Anh Thắng (Công ty Anh Thắng) đổ đá xuống lòng hồ Núi Cốc. Để xác minh vụ việc, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế tại khu vực thuộc xóm Tân Lập, xã Tân Thái (Đại Từ) - nơi Công ty đang thực hiện xây dựng các công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng bến tàu du lịch hồ Núi Cốc và nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, nhà hàng ăn uống và khu neo đậu tàu, trạm sửa chữa bảo dưỡng tàu.

Đem những thông tin này trao đổi với ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi (đơn vị được UBND tỉnh giao quản lý, vận hành, khai thác hồ Núi Cốc), chúng tôi được biết: Từ tháng 3-2021, Công ty Anh Thắng đã thực hiện đổ đá tại khu vực dưới cao trình +48,25m với khối lượng 363m3 đá. Sau khi phát hiện sự việc, Đội Quản lý lòng hồ Núi Cốc đã tiến hành lập biên bản vi phạm, yêu cầu đơn vị bốc xúc khối lượng đá ra khỏi lòng hồ, trả lại hiện trạng ban đầu. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì việc Doanh nghiệp đổ đá xuống hồ Núi Cốc là để phục vụ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng bến tàu du lịch hồ Núi Cốc và nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp, nhà hàng ăn uống và khu neo đậu tàu, trạm sửa chữa bảo dưỡng tàu. Lý giải việc đổ đá xuống lòng hồ Núi Cốc, ông Vũ Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty Anh Thắng cho hay: Quá trình xây dựng Dự án, Công ty đã phải xây bờ kè cao hơn 50m, dài 250m để chống sạt lở, đồng thời làm đường đi xuống bến tàu. Vị trí chúng tôi đổ đá xuống lòng hồ là khu vực xung yếu, dễ xảy ra sạt lở, cần gia cố nền móng, tả luy để chống sạt. Nhất là hiện nay đang là mùa mưa bão, nếu xảy ra sạt lở, toàn bộ các công trình xây dựng của Dự án có nguy cơ bị đe dọa.

Bằng chứng là năm 2017, Công ty đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng kè đá dài khoảng 150m tiếp giáp với Tỉnh lộ 270 (để bảo vệ tuyến đường và các công trình nằm trong dự án). Tuy nhiên, trong mùa mưa năm 2020, bức kè này đã bị đổ sụp, kéo theo hàng trăm mét khối đất và rác thải từ hành lang đường ĐT270 xuống hồ. Ngoài vị trí sạt lở này, 1 bờ kè đá phía ngoài eo bến thuyền cũng bị sạt với chiều dài 16m, cao 5,5m, kéo khoảng 250m3 đất đá xuống hồ và vùi lấp cửa cống thoát nước. Thêm vào đó, đây là vị trí tiếp giáp với đường lên xuống bến thuyền nên phải có sự kết nối giữa mặt nước với trên cạn để phục vụ việc lên xuống bến tàu. Công ty dự kiến sau khi gia cố nền móng, ta luy sẽ tiếp tục xây dựng kè và làm bậc lên xuống tại đây.

Các công trình xây dựng trái phép trong khu quy hoạch thuộc Dự án mà UBND tỉnh đã cấp phép cho Doanh nghiệp.

Cũng theo ông Dũng, Dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 15/1/2013 và được điều chỉnh tại Quyết định số 167/QĐ-UBND tỉnh ngày 26/8/2013 với tổng diện tích gần 150ha, trong đó phần diện tích đất là trên 30ha và hơn 110ha mặt hồ. Trên diện tích này, Dự án sẽ xây dựng khu bến thuyền du lịch, nhà hàng ăn uống, trung tâm hội nghị, dịch vụ công cộng, khách sạn cao cấp, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu sửa chữa bảo dưỡng và neo đậu tàu… Từ đó, Dự án sẽ góp phần tạo nên một khu du lịch hiện đại, đẳng cấp. Sau khi được phê duyệt Dự án, Công ty Anh Thắng đã triển khai xây dựng nhiều công trình, mua sắm các trang thiết bị, tàu thuyền… với tổng mức đầu tư đến nay đã lên đến trên 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Dự án đã gặp phải khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng.

Hiện nay, Công ty mới được bàn giao khoảng 5ha đất trong tổng số trên 30ha được phê duyệt, còn 16 hộ không nhất trí với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. Không những thế, một số hộ còn xây dựng các công trình trái phép ngay trong khu quy hoạch Dự án… Vì vậy, việc xây dựng bến tàu không thể tiếp tục triển khai nên đến nay vẫn dở dang, nhiều hạng mục chưa thể thực hiện được do chưa được bàn giao mặt bằng, làm ảnh hưởng tiến độ Dự án, gây thiệt hại nặng nề cho Công ty. Số trang thiết bị, tàu, thuyền… được mua về từ gần chục năm nay (dự kiến đưa vào vận hành khi các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng) phải “đắp chiếu”. Đặc biệt là nhiều chiếc du thuyền từng phục vụ cho các hoạt động của Fastival trà Quốc tế Thái Nguyên – Việt Nam các năm 2011 và 2013 đã bị han rỉ và không thể sử dụng được nữa.

Có thể thấy, khi đầu tư vào Dự án này, Doanh nghiệp đã rất kỳ vọng sẽ tạo ra được một khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng hiện đại ngay tại khu du lịch trong điểm Quốc gia Hồ Núi Cốc. Nhưng những khó khăn vấp phải không chỉ làm lãng phí rất nhiều tiền của của Doanh nghiệp mà còn kéo dài thời gian thực hiện Dự án. Nhất là trong thời gian vừa qua, thực hiện theo yêu cầu của các cấp, ngành chức năng, Doanh nghiệp đã huy động máy móc để bốc dỡ phần đá hộc ra khỏi vị trí vi phạm. Đến ngày 9-7, Doanh nghiệp đã bốc dỡ được khoảng 260m3 và tập kết ở bãi của doanh nghiệp.

Nhóm phóng viên
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: