Doanh nghiệp nợ thuế

Cập nhật: Chủ nhật 21/11/2021 - 08:28
 Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm, kiểm tra điều kiện làm việc của cán bộ, công chức Cục Thuế tỉnh, ngày 9-9-2021. Ảnh T.L
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm, kiểm tra điều kiện làm việc của cán bộ, công chức Cục Thuế tỉnh, ngày 9-9-2021. Ảnh T.L

Tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian qua luôn là vấn đề thời sự, được người dân quan tâm. Mặc dù ngành Thuế đã có nhiều giải pháp để thu nợ, kể cả việc công khai tên, địa chỉ DN nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng chưa thể giải quyết triệt để. Vẫn còn trường hợp chây ỳ, chậm trả làm ảnh hưởng đến uy tín DN, môi trường đầu tư của tỉnh và quan trọng là thất thu ngân sách Nhà nước.

Mới đây, Cục Thuế tỉnh đã lập danh sách tới 77 DN nợ thuế với tổng số tiền gần 260 tỷ đồng đề nghị các cơ quan báo chí địa phương và Cổng thông tin điện tử của tỉnh đăng tải.

Đây không phải lần đầu tiên Cục Thuế tỉnh đề nghị công bố công khai các DN nợ thuế trên báo chí. Mấy năm gần đây, Báo Thái Nguyên đều đăng công khai danh sách DN nợ thuế với tần suất 2 lần/năm trên cả báo in và báo mạng điện tử. Về cơ bản, sau khi bị đăng tải, nhiều DN đã tự giác nộp đủ số thuế còn nợ, nhưng vẫn còn không ít DN vì lý do này hay lý do khác chưa trả được khiến số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế tiếp tục dầy lên.

Theo danh sách mới nhất mà Cục Thuế tỉnh cung cấp, đứng đầu là Công ty TNHH Một thành viên Khai khoáng và Bất động sản Anh Thắng với số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp còn nợ đến 31-10-2021 là trên 80 tỷ đồng. Đứng thứ hai và thứ ba lần lượt là Công ty TNHH Trường Phát nợ gần 50 tỷ đồng, Công ty CP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Đại Việt nợ trên 40 tỷ đồng.

Số DN nợ từ 1 tỷ đồng đến 26 tỷ đồng có tới 14 đơn vị. DN nợ thuế thấp nhất là trên 6 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số các DN nợ thuế cũng có nhiều DN khó khăn thực sự, việc thanh toán phải có lộ trình, giải pháp cụ thể hơn và cần được tạo điều kiện. Tuy vậy, cũng không loại trừ các DN có khả năng nhưng chưa chịu trả, lợi dụng nguồn thuế chưa nộp để phục vụ lợi ích riêng.

Được biết, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có cả giải pháp quyết liệt là dừng cấp hóa đơn giao dịch cho DN nợ thuế nhưng tình trạng nợ thuế vẫn diễn ra. Có DN lần nào cũng xuất hiện trong danh sách nợ thuế với số nợ ngày càng tăng, cho thấy các DN này chưa có giải pháp trả nợ.

Chúng ta đều biết, nợ nần là vấn đề tế nhị thường được giấu kín. Bởi vậy, việc công khai danh sách các DN nợ thuế chắc chắn là giải pháp bất đắc dĩ của ngành Thuế vì sự chây ỳ quá đỗi của DN và trách nhiệm hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách ở địa phương.

DN là nền tảng phát triển kinh tế đất nước, nên DN luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, DN phải hoạt động theo đúng quy định pháp luật và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, trong đó có nghĩa vụ nộp thuế.

Sơn Trường
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: