Người dân Phúc Hà chưa hết lo

Cập nhật: Thứ ba 12/04/2022 - 07:15
 Nước dâng cao mỗi khi trời mưa khiến một số hộ dân ở xóm Nam Tiền (xã Phúc Hà, T.P Thái Nguyên) bị cô lập.
Nước dâng cao mỗi khi trời mưa khiến một số hộ dân ở xóm Nam Tiền (xã Phúc Hà, T.P Thái Nguyên) bị cô lập.

Khoảng 3km2 thuộc xã Phúc Hà (T.P Thái Nguyên) là bãi đổ thải của Công ty than Khánh Hòa (thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc). Lâu nay, nhiều hộ dân ở xã luôn thấp thỏm lo âu vì sống gần bãi đổ thải của Mỏ cao tới cả trăm mét. Không chỉ vậy, trong quá trình đổ thải, nhiều đoạn kênh ngòi, sông suối bị chèn lấp, dòng suối chính trên địa bàn bị “nắn ngược” khiến tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng.

Dòng suối Nam Tiền chảy qua xã Phúc Hà có chiều dài khoảng hơn 2km, rộng 4m, sâu 2m; qua các xóm: Hồng - Nam Tiền - 5 - Mỏ đến suối Tân Long và đổ ra sông Cầu. Khoảng 10 năm trở lại đây, việc Công ty than Khánh Hòa mở rộng bãi đổ thải đã khiến dòng suối chảy sang hướng khác, từ xóm Hồng đến xóm Nam Tiền đổ ngược về dòng suối trên địa bàn xã An Khánh (Đại Từ).

Phía hạ lưu suối cao hơn thượng lưu nên nước rất khó tiêu thoát. Khi trời mưa to, nước suối thoát không kịp đã dâng cao tràn vào nhà của các hộ dân, gây ngập úng diện tích lớn của cánh đồng gần đó. Nhiều năm qua, tình trạng này vẫn lặp đi, lặp lại khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Điều đáng nói, có 8 hộ dân ở xóm Nam Tiền giáp với dòng suối này thường xuyên bị cô lập khi trời mưa to, không thể di chuyển ra bên ngoài. Mực nước dâng cao nhất có thể lên tới 3m. Nước rút chậm khiến nhiều tài sản trong nhà dân bị hư hỏng.

Ông Hoàng Vĩnh Vệ, một người dân đang sinh sống giáp dòng suối nhớ lại: Năm 2018 có trận mưa to, nước dâng cao, cả 8 chiếc xe máy của 4 hộ dân ở đây dù đã dắt vào nhà nhưng đều bị hỏng do ngâm nước lâu quá. Các hộ dân ở đây không kịp đi thuyền ra phía ngoài phải leo ngược đồi phía sau nhà để thoát nạn. Chúng tôi phải mở cửa chuồng để gà, lợn tự chạy, con nào không chạy được thì chết. Những mùa mưa sau, cả nhà tôi thường xuyên phải sang nhà ông chú phía ngoài để ở nhờ.

Còn ông Hoàng Vĩnh Long buồn rầu nói: Khu vực chúng tôi đang sống đều thuộc quy hoạch của Công ty than Khánh Hòa nhưng đơn vị chưa thu hồi đến. Không chỉ bị ngập úng khi mưa bão, bà con sống ở đây cũng không được xây dựng mới nhà cửa kiên cố. Mọi thứ đều phải làm tạm bợ. Chúng tôi đã đề nghị Công ty bồi thường để di chuyển ra chỗ ở khác nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Được biết, phía Công ty than Khánh Hòa cũng cắt cử người thường xuyên phối hợp với xã Phúc Hà xử lý tình huống khi có mưa bão xảy ra. Đồng thời cho máy móc nạo vét một số khu vực dòng suối bị chèn, lấp dòng chảy; đền bù sản lượng hoa màu thiệt hại mỗi mùa vụ. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ là tạm thời.

Đối với xã Phúc Hà, năm nào cũng vậy, địa phương luôn phải “gồng mình” ứng phó với ngập úng khi mùa mưa bão đến. Điện thoại liên tục đổ chuông trong đêm mưa bão là điều không xa lạ đối với lãnh đạo, cán bộ xã. Đã từng có cán bộ xã bị thiệt mạng khi ứng cứu người dân trong vùng bị cô lập.

Ông Nguyễn Đức Nhất, Chủ tịch UBND xã Phúc Hà cho biết: Cách đây nhiều năm, Công ty than Khánh Hòa đã có phương án nắn lại dòng chảy của con suối xuôi về phía Nam trước đây. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Chúng tôi đề nghị cấp, ngành liên quan chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đối với Công ty than Khánh Hòa trong việc điều chỉnh dòng chảy, đồng thời di dời những hộ dân còn lại trong vùng nguy hiểm đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế…

Chung An
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: