Xử lý ngập úng tại các khu dân cư: Không thể mãi giải pháp tình thế

Cập nhật: Thứ sáu 27/08/2021 - 08:44
 Ngập cục bộ tại khu dân cư thuộc tổ 22, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), ngày 23-8-2021.
Ngập cục bộ tại khu dân cư thuộc tổ 22, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên), ngày 23-8-2021.

Trước tình trạng ngập úng trên địa bàn T.P Thái Nguyên, nhất là tại các khu dân cư, khu đô thị, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã triển khai các giải pháp xử lý như khơi thông cống rãnh; cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước... Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những giải pháp tình thế; phương án xử lý lâu dài đã được chỉ ra nhưng chưa thể thực hiện một cách đồng bộ.

Sau những trận mưa lớn vừa qua, tuyến đường nối từ Trường Tiểu học Nha Trang đến ngõ 309 đường Cách mạng Tháng Tám bị ngập sâu gần 2 ngày đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của 30 hộ gia đình của tổ dân phố 22, phường Phan Đình Phùng.

Nguyên nhân là do hệ thống cống thoát nước nằm sâu 2-2,5m dưới lòng đất đã xây dựng từ lâu, nhiều chỗ hư hỏng và có một phần nằm trong đất của các gia đình đã được cấp “bìa đỏ” nên khó xác định vị trí lấp, tắc.Khi chính quyền huy động lực lượng cùng người dân triển khai máy móc đào xới mới có thể khơi thông dòng chảy.

Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở một số khu dân cư khác của T.P Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Xuân Khu, Tổ trưởng tổ dân phố 3, phường Quang Trung, phản ánh: Từ năm 2019, sau khi khu dân cư số 3 hoàn thiện và đưa vào sử dụng thì có hiện tượng ngập úng mỗi khi mưa to tại đây. Có nhà bị nước ngập cao hơn 1m so với nền nhà. Lý do là cống hộp của khu dân cư mới có chiều rộng 1,8m nhưng lại đấu nối vào cống ngầm chung tiết diện nhỏ, xây dựng từ lâu nên không đảm bảo tiêu thoát nước.

Tại khu dân cư thuộc tổ 1, phường Tân Lập, một số hộ dân lấn chiếm và xây dựng nhà xưởng trên mương thoát nước chung đã làm tắc mương thoát nước thải; san lấp mặt bằng khiến cốt nền của nhũng nhà xây dựng trước đó thấp hơn khiến nước không thoát được, gây ra ngập cục bộ.

Ông Nguyễn Hồng Thuận, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Lập thông tin: Chúng tôi đã lập biên bản, yêu cầu các hộ tự tháo dỡ phần nhà xưởng lấn chiếm hệ thống thoát nước và tới nay đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần của thực trạng, hệ thống thoát nước ở khu dân cư này còn chắp nối, chưa đồng bộ nên không đảm bảo tiêu thoát nước.

Hệ thống thoát nước của khu dân cư số 3, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) không đồng bộ với hệ thống cống ngầm chung nên gây ra tình trạng ngập cục bộ khi mưa lớn. Trong ảnh: Lãnh đạo phường Quang Trung kiểm tra khu vực thường xảy ra ngập úng.

Ngập úng cục bộ tại một số khu dân cư, khu đô thị là vấn đề không mới ở T.P Thái Nguyên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó đáng chú ý là hệ thống thoát nước đã xuống cấp hoặc bị người dân lấn chiếm.

Nhiều khu dân cư xây dựng còn dang dở nhưng người dân đã làm nhà, chưa hoàn thiện hạ tầng thoát nước hoặc hạ tầng thoát nước không đồng bộ, chưa kết nối với hệ thống thoát nước chung.

Hay như việc đấu nối các ống cống mới thi công với tuyến ống cũ chưa phù hợp về cao độ đáy cống dẫn đến tiêu thoát nước không kịp như ở cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, cổng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cổng Công an T.P Thái Nguyên.

Nhiều nơi hệ thống thoát nước bị lấn chiếm mặt cống như trên đường Minh Cầu... Người dân lấn chiếm mặt cống xây dựng nhà ở, công trình dân dụng xả rác, đất đá gây cản trở dòng chảy.

Để giải quyết tình trạng này, T.P Thái Nguyên và các phường, xã trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp. Nhất là tăng cường nạo vét bùn đất, thông hút cống ngầm, khơi thông nhiều tuyến cống hộp; cải tạo, sửa chữa các điểm cống bị sập; xây các hố ga thu nước mặt đường...

Thực tế, đây là nhiệm vụ thường xuyên và để xử lý ngập úng tức thời. Về lâu dài thì vấn đề quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch ở các khu dân cư, khu đô thị phải được quan tâm hơn, đảm bảo tiến độ và đồng bộ với điều kiện hạ tầng hiện có. Đồng thời tăng cường quản lý và xử lý nghiêm trường hợp cố tình lấn chiếm hành lang kênh mương thoát nước; nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ, khơi thông hệ thống thoát nước ở khu dân cư…

Theo đại diện Phòng Kinh tế - đơn vị thường trực về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn T.P Thái Nguyên, các giải pháp mang tính tổng thể chống ngập úng cho thành phố đã được xây dựng từ lâu nhưng đòi hỏi nguồn kinh phí lớn nên chưa thể triển khai đồng bộ. Đây là vấn đề cần được quan tâm tạo điều kiện hơn nữa.

Nhóm P.V
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: