Kinh nghiệm tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật: Thứ sáu 14/06/2019 - 15:33

Là tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, Phú Thọ có dân số trên 1,4 triệu người với 34 dân tộc anh em cùng chung sống tại 13 huyện, thành, thị. Những năm qua, Tỉnh ủy Phú Thọ luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng, ban hành nhiều Nghị quyết về công tác phát triển đảng viên theo các giai đoạn, đến năm 2013, tỉnh Phú Thọ đã “xóa trắng” khu dân cư chưa có chi bộ. Đến nay toàn tỉnh có 104.362 đảng viên đang sinh hoạt tại 783 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 486 đảng bộ cơ sở, 297 chi bộ cơ sở, 5.511 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở.

Là cơ quan ngôn luận của Đảng, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Phú Thọ, Báo Phú Thọ luôn xác định công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng là nhiệm vụ quan trọng, thể hiện tính Đảng, tính chiến đấu của tờ báo Đảng địa phương, đồng thời tạo cầu nối đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với đời sống xã hội, biến chủ trương của Đảng thành ý chí, quyết tâm và hành động cách mạng thực tiễn của quần chúng. Thông qua các tác phẩm báo chí, các chủ trương, quyết sách của Đảng được thể hiện sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng trong thực tiễn cuộc sống, biến ý Đảng lòng dân thành hiện thực sinh động. 

Trong tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, Báo Phú Thọ đã xây dựng các chuyên mục: “Xây dựng Đảng”, “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, “Gương sáng đảng viên”, “Học và làm theo Bác”… đăng tải thường xuyên, định kỳ trên cả 4 ấn phẩm là báo in (báo hàng ngày, báo Cuối tuần, Phú Thọ miền núi) và báo điện tử. Các bài viết về lĩnh vực xây dựng Đảng thường xuyên được Đảng ủy, Ban biên tập quan tâm chỉ đạo và yêu cầu đầu tư đúng mức để có những tác phẩm vừa đúng định hướng, chủ trương, đường lối, quan điểm chính trị vừa hấp dẫn bạn đọc. Các bài viết trong các chuyên mục đã tập trung đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

 BBT Báo Phú Thọ thường xuyên chỉ đạo, định hướng phóng viên viết về công tác xây dựng Đảng phải bảo đảm ba yếu tố: đúng, trúng và hay. Ngoài viết đúng đường lối, quan điểm, định hướng chính trị, nhà báo còn cần chọn vấn đề tiêu biểu, cụ thể, nêu trúng vấn đề bạn đọc quan tâm. Bài viết cần giản dị, dễ hiểu, chọn lọc những chi tiết độc đáo, bình luận gợi mở, sắc sảo; khắc phục cách viết lủng củng, khô khan, nặng về số liệu, báo chí hóa các bản báo cáo, xa rời thực tiễn. Vì vậy để thể hiện một tác phẩm báo chí có chất lượng về xây dựng Đảng, đòi hỏi phóng viên phải hội đủ nhiều yếu tố, trong đó có những yếu tố chủ đạo, đó là phải có kiến thức về xây dựng Đảng, phải nắm chắc những nội dung trọng tâm, những vấn đề mới và những giải pháp chính trong công tác xây dựng Đảng để xác định chủ đề tuyên truyền cho phù hợp. Trong giai đoạn hiện nay, ngoài phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, vốn sống phong phú, phóng viên phải thường xuyên nghiên cứu, học tập, cập nhật các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII để trau dồi thêm kiến thức, nhãn quan chính trị của nhà báo.

BBT Báo Phú Thọ luôn khuyến khích phóng viên bám sát thực tế cuộc sống, tăng cường xuống cơ sở, nắm bắt thông tin đa chiều, toàn diện để xây dựng những tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng chứa đựng nhiều hơi thở cuộc sống. Những tác phẩm bắt nguồn từ cơ sở đã thể hiện rõ mối quan hệ máu thịt giữa dân với Đảng, là cầu nối đưa chủ trương, đường lối của Đảng đi vào hiện thực cuộc sống; đồng thời, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân đối với tổ chức Đảng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Việc phát hiện, lý giải những vấn đề mà quần chúng nhân dân quan tâm, bức xúc, đồng thời biết giải quyết đến cùng sự việc, biết "mềm” hóa những vấn đề bằng bút pháp sinh động, trên tinh thần "chống” để "xây” sẽ tránh được sự khô khan, tạo nên hiệu quả tuyên truyền tối đa cho tác phẩm báo chí viết về xây dựng Đảng.

Trong tuyên tuyền về công tác phát triển đảng viên, nhất là phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Biên tập Báo Phú Thọ đã chỉ đạo, định hướng cho phòng chuyên môn, cụ thể là Phòng Chính trị -Xã hội xây dựng các tuyến bài viết có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các vấn đề đang được dư luận quan tâm, tránh các bài viết thiếu sắc bén, sức thuyết phục chưa cao, tính chiến đấu còn hạn chế, các bài viết thường thông tin một chiều, đơn điệu, khô cứng. Để có được những bài viết có sức lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, giúp người dân thêm niềm tin vào Đảng, giác ngộ lý tưởng, phấn đấu vào tổ chức đảng, BBT Báo Phú Thọ đã chỉ đạo phóng viên bám nắm cơ sở, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tổ chức các huyện thành thị, các chi, đảng bộ dưới cơ sở kịp thời có những bài viết biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện công tác xã hội, phát triển kinh tế gia đình, những đảng viên tiêu biểu, có sức lan tỏa và tạo hiệu ứng xã hội tích cực để nhân dân noi theo.

Trước thực trạng người dân, đặc biệt là thanh niên ở các vùng nông thôn đi làm ăn xa khiến khu dân cư thiếu nguồn để phát triển đảng viên dẫn đến hiện tượng chi bộ khu dân cư toàn đảng viên cao tuổi hoặc tình trạng thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không đáp ứng yêu cầu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, ngoài việc có các bài viết phản ánh thực trạng và đề nghị các cơ quan liên quan có các giải pháp hữu hiệu để thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về công tác phát triển đảng viên tại các địa bàn trên, BBT Báo Phú Thọ đã định hướng cho phóng viên tìm những điển hình tiêu biểu như thanh niên lập thân, lập nghiệp ngay tại mảnh đất quê hương hoặc những người tuy tuổi đã cao nhưng vẫn cố gắng theo học nhằm trang bị thêm kiến thức, trình độ văn hóa để tuyên truyền, tạo sự lan tỏa để mọi người học tập và làm theo.

Trước đây, việc phát triển đảng viên nữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng gặp không ít khó khăn bởi nhiều lý do, trong đó có lý do do tâm lý người chồng không muốn vợ hơn mình cũng gây ảnh hưởng không nhỏ trong việc phát triển đảng ở khu dân cư. Để người chồng hiểu ra và ủng hộ, phóng viên có nhiệm vụ tuyên truyền bằng những bài viết dẫn chứng cụ thể về những người vợ là đảng viên tham gia công tác xã hội nhưng vẫn đảm nhiệm tốt việc gia đình, lo chồng chăm con, nhiều chị đã phấn đấu tham gia vào các chức vụ ở khu dân cư, ở xã, nhiều chị là người dân tộc thiểu số vươn lên thành Huyện ủy viên, Tỉnh ủy viên…Các bài viết đó có sức lan tỏa, không chỉ giúp người chồng tạo điều kiện cho vợ tham gia công tác xã hội mà chính người chồng đã giác ngộ lý tưởng phấn đấu để cũng được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Là mảng đề tài được nhận định là “khô, khó” song để việc tuyên truyền về xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dễ đi vào lòng người, có sức lan tỏa để quần chúng có quyết tâm phấn đấu vào Đảng, Ban biên tập Báo Phú Thọ định hướng để phóng viên không nhất thiết lúc nào cũng phải tham gia vào những mảng đề tài lớn mà có thể phản ánh theo từng lát cắt để có cái nhìn cận cảnh, cụ thể, sát thực hơn với thực tiễn ở cơ sở. Trong các bài viết phải dẫn dắt các dẫn chứng để mềm mại, dễ đi vào lòng người.

Qua thực tiễn chỉ đạo công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng, Báo Phú Thọ yêu cầu các phóng viên, cộng tác viên phải nghiên cứu tình hình thực tế cơ sở, bám sát thực tiễn đời sống; phản ánh được ý kiến của nhân dân khi tham gia xây dựng Đảng. Qua kênh góp ý của nhân dân và sự phản ánh của báo chí giúp tổ chức Đảng điều chỉnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, từ đó góp phần nâng cao số lượng, chất lượng đảng viên, nhất là việc phát triển đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không ít chi bộ khu dân cư nông thôn nhiều năm liền không phát triển được đảng viên nhưng qua các bài viết trên Báo Phú Thọ đã áp dụng vào chi bộ của mình nên đã phát triển được thêm đảng viên cũng như xây dựng củng cố tổ chức đảng ngày càng vững mạnh.

 Để tăng tính hấp dẫn, Báo Phú Thọ thường xuyên phối hợp với Hội Nhà báo mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động nghiệp vụ, kể cả những ưu tiên về phương tiện hành nghề, chế độ nhuận bút, tạo điều kiện để đội ngũ phóng viên có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh, chính xác và đầy đủ nhất. Ngoài ra, các chuyên mục về xây dựng Đảng trên Báo Phú Thọ luôn duy trì thường xuyên và chủ động, đảm bảo nhanh nhạy, đúng định hướng nhưng lại dễ tiếp thu, dễ hiểu đối với bạn đọc. Tuy nhiên, để đề tài xây dựng Đảng trở thành “món ăn tinh thần” hấp dẫn bạn đọc, qua các bài viết trong chuyên mục cần nâng cao vai trò của cấp ủy các cấp, vai trò của người đứng đầu cấp ủy trong việc giải quyết, xử lý từng việc cụ thể ở cơ sở, giải quyết được những vấn đề bức thiết của người dân. Bên cạnh việc cổ vũ những mặt tích cực, những việc làm được thì cũng cần những bài viết phản ánh những yếu kém, những việc chưa làm được ở từng cấp ủy, tránh một chiều trong tuyên truyền về xây dựng Đảng.

Dưới sự chỉ đạo, định hướng của Đảng ủy, BBT Báo Phú Thọ, các bài viết về xây dựng Đảng của phóng viên Báo Phú Thọ đã đạt được các giải cao tại Giái Báo chí của tỉnh, của Quốc gia, đặc biệt là Giải Búa liềm vàng. Đạt được kết quả đó, chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm tuyên truyền về công tác xây dựng đảng từ thực tiễn của tỉnh Phú Thọ như sau:

Thứ nhất: Đảng ủy, BBT Báo Phú Thọ luôn xác định viết về công tác xây dựng Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên đã xây dựng và duy trì đều đặn, có hiệu quả các chuyên mục về xây dựng Đảng. Hàng tháng BBT đều bám sát sự định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đảng ủy cấp trên để đưa ra biện pháp chỉ đạo, định hướng cụ thể về công tác tuyên truyền xây dựng Đảng, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng thời điểm, nhất là việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng và công tác phát triển đảng viên ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các phòng chuyên môn đều xây dựng kế hoạch tuyên truyền, trong đó  chỉ đạo phóng viên viết bài có trọng tâm, trọng điểm các vấn đề có tính dài hơi cũng như các chuyên đề cụ thể cho từng số báo.   

Thứ hai: Ban Biên tập chỉ đạo các phòng chuyên môn, chủ công là Phòng Chính trị- Xã hội phân công phóng viên phụ trách chuyên mục xây dựng Đảng lựa chọn đề tài viết về công tác xây dựng Đảng phải đảm bảo 3 yếu tố: Đúng, trúng, hay. Ở Báo Phú Thọ, không chỉ riêng phóng viên phụ trách viết về mảng đề tài này mà mọi phóng viên đều tham gia viết bài về xây dựng Đảng, kèm theo đó BBT có cơ chế khen thưởng kịp thời cho những phóng viên có bài viết hay, mang tính tổng kết thực tiễn, dự tính, dự báo chính xác vấn đề, giúp cấp ủy chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng.

Thứ ba: Báo Phú Thọ luôn khuyến khích phóng viên bám sát thực tế cuộc sống, tăng cường xuống cơ sở, nắm bắt thông tin đa chiều, toàn diện để xây dựng những tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng. Ban Biên tập cũng luôn chủ động trong việc gợi mở đề tài, khuyến khích triển khai thực hiện những tác phẩm mang tính phát hiện, thể hiện sinh động, khách quan thực tế diễn ra ở cơ sở.

Thứ tư: Phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban tổ chức các huyện, thành, thị ủy, các chi, đảng bộ cơ sở để kịp thời nắm bắt thông tin, tuyên truyền đúng định hướng, đồng thời kết nối đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở, tranh thủ ý kiến của các đảng viên lão thành, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ để  luôn cập nhật được thông tin, bảo đảm dung lượng thông tin phong phú, thông tin mang tính chất mở, đối thoại hai chiều giữa cơ quan tuyên truyền, cơ quan báo chí với cơ sở và ngược lại, qua đó tạo sức hấp dẫn đối với bạn đọc.

Nguyễn Kim Chi
Tổng Biên tập Báo Phú Thọ
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: