Phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả

Cập nhật: Thứ năm 19/05/2022 - 10:59
 Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển trao cờ Tổ quốc tặng ngư dân trong đợt phối hợp tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam và tặng quà, hỗ trợ ngư dân tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Ảnh: MẠNH THƯỜNG.
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển trao cờ Tổ quốc tặng ngư dân trong đợt phối hợp tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam và tặng quà, hỗ trợ ngư dân tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Ảnh: MẠNH THƯỜNG.

Với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong chấp hành pháp luật trên biển, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hơn 3 năm qua, quán triệt, thực hiện Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 22-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam giai đoạn 2019-2023” và Quyết định số 5412/QĐ-BQP ngày 21-11-2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về triển khai kế hoạch thực hiện đề án, Bộ tư lệnh CSB với vai trò cơ quan chủ trì tổ chức triển khai thực hiện đề án đã huy động tối đa nguồn lực, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó đặc biệt coi trọng công tác phối hợp nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, từ các cấp, các ngành, các địa phương, các lực lượng đến đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu chung của đề án trên phạm vi cả nước, sớm đưa Luật CSB Việt Nam đi vào thực tiễn cuộc sống.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và mục tiêu, phạm vi của đề án, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh CSB đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng ban hành hơn 20 văn bản chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện đề án theo từng năm, từng quý, từng mảng nhiệm vụ đến các địa phương, cơ quan, đơn vị trên cả nước, làm căn cứ, cơ sở để các bộ, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án ở cấp mình.

Để có tài liệu làm cơ sở thực hiện thống nhất các nội dung tuyên truyền, Bộ tư lệnh CSB chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Vụ Pháp chế/Bộ Quốc phòng, Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị, các nhà xuất bản, nhà in trong quân đội tổ chức biên soạn, in ấn hệ thống tài liệu tuyên truyền, giáo dục với hơn 20.000 bộ đề cương tuyên truyền, hơn 15.000 cuốn văn bản quy phạm pháp luật về CSB, trong đó có Luật CSB Việt Nam; 15.000 cuốn hỏi đáp về Luật CSB Việt Nam cùng hàng chục nghìn cuốn catalog, tờ rơi, tờ gấp giới thiệu về lực lượng CSB, Luật CSB Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, kịp thời cấp phát cho hàng trăm đầu mối cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả nước.

Nhằm huy động cả hệ thống chính trị và tận dụng tối đa lợi thế của các kênh tuyên truyền, các loại hình tuyên truyền, Bộ tư lệnh CSB đã đề xuất đưa nội dung phối hợp tuyên truyền vào quy chế phối hợp để ký kết với cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các địa phương ven biển và các lực lượng liên quan đến biển, đảo, như: Quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, các quân khu có biển... Đến nay, Thường vụ Đảng ủy CSB đã ký kết quy chế phối hợp với 12 ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy. Cùng với đó, đã phối hợp tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền miệng, tuyên truyền lưu động, chương trình phát thanh nội bộ, phát hàng chục nghìn tờ rơi tuyên truyền; tổ chức nhiều hoạt động sân khấu hóa, giao lưu văn hóa văn nghệ, tọa đàm lồng ghép các nội dung tuyên truyền Luật CSB Việt Nam. Nhiều mô hình, chương trình mới, cách làm hay đã mang lại hiệu quả thiết thực, được dư luận xã hội đánh giá cao, như Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân”, “CSB với đồng bào dân tộc, tôn giáo”, Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” của CSB; “Hải quân nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” của Quân chủng Hải quân; “Biên giới với học đường”, “Tiếng loa biên phòng” của Bộ đội Biên phòng...

Kết quả nổi bật trong công tác phối hợp tuyên truyền là Bộ tư lệnh CSB đã tham mưu với Bộ Quốc phòng và trực tiếp chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt Hội nghị tập huấn Luật CSB Việt Nam cấp toàn quốc, làm cơ sở để thống nhất nội dung, phương pháp tuyên truyền trên phạm vi cả nước. Đồng thời, Bộ tư lệnh CSB chủ trì phối hợp với Bộ tư lệnh 86; Vụ Pháp chế/Bộ Quốc phòng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội cùng các ban, bộ, ngành, địa phương tổ chức thành công Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Tìm hiểu Luật CSB Việt Nam”. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trên cả nước và đông đảo kiều bào ta ở nước ngoài.

Cùng với đó, Bộ tư lệnh CSB và các cơ quan, đơn vị trực thuộc đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với hơn 30 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương, các nền tảng mạng xã hội, cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của các ban, ngành, địa phương... tổ chức mở mới nhiều chuyên trang, chuyên mục, xây dựng nhiều chương trình, tăng thời lượng phát sóng, đăng tải kịp thời hơn 2.000 tin, bài; hơn 40 phóng sự, phim tài liệu, gần 300 video clip, chương trình phát thanh để tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam và kết quả triển khai thi hành luật, kết quả thực hiện đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở... 

Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện đề án với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương; các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội; cơ quan thông tấn, báo chí; các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội..., công tác tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Hiện các quy định của luật từng bước ăn sâu, bén rễ trong đời sống xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong chấp hành pháp luật trên biển; nâng cao một bước về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân; làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CSB, từ đó tích cực chung sức, đồng lòng cùng CSB và các lực lượng chức năng trên biển thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển, đảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn cho các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thông qua các hoạt động phối hợp tuyên truyền còn góp phần xây dựng mối đoàn kết, đồng thuận cao giữa các bên, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng, địa phương.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo sẽ diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, tác động, ảnh hưởng xấu tới kinh tế, chính trị thế giới; tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến hòa bình, ổn định khu vực. Trong nước, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội với nhiều thủ đoạn tinh vi, công khai và quyết liệt hơn... Công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên các vùng biển ngày càng phức tạp.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam, nhanh chóng đưa luật vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật trên biển và xây dựng lực lượng CSB chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị có liên quan đến biển; phát huy trách nhiệm của ban chỉ đạo, cơ quan thường trực ban chỉ đạo, lực lượng chuyên trách các cấp trong triển khai thực hiện đề án; tăng cường lồng ghép, kết hợp nội dung tuyên truyền Luật CSB Việt Nam trong các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các cuộc vận động, phong trào của đơn vị, địa phương. Phát huy hơn nữa vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, các thiết chế văn hóa-thông tin cơ sở; tăng cường số lượng, thời lượng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến luật. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến luật gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; thông qua các kênh hợp tác, phối hợp, chú trọng mở rộng tuyên truyền Luật CSB Việt Nam ra khu vực, đến lực lượng thực thi pháp luật của các nước có biển liền kề...

Đặc biệt, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, đảm bảo sự nhịp nhàng, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội, nhất là ban chỉ đạo, cơ quan thường trực giúp việc ban chỉ đạo các cấp trong triển khai thực hiện đề án. Coi trọng và phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; tranh thủ nguồn lực, bộ máy, thiết chế và kinh nghiệm của hội đồng để triển khai tốt các hoạt động tuyên truyền. Duy trì tốt mối quan hệ công tác, thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký giữa ban chỉ đạo đề án các cấp với các ban, bộ, ngành, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội. Gắn công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, Luật CSB Việt Nam nói riêng với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương, đơn vị quân đội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương sản xuất nhiều sản phẩm tuyên truyền có chất lượng, theo chuyên đề để lan tỏa Luật CSB Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành luật vào cuộc sống...

Với sức mạnh tổng hợp của các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả nước, Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật CSB Việt Nam giai đoạn 2019-2023” đã và đang từng bước đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật nói chung, Luật CSB Việt Nam nói riêng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, thiết thực làm giảm vi phạm pháp luật trên biển, đưa phong trào tìm hiểu pháp luật, thực hiện đúng pháp luật trên biển lan tỏa trong toàn xã hội; góp phần xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu tướng BÙI QUỐC OAI, Chính ủy Cảnh sát biển
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: