Múa rối cạn của người Tày ở Định Hóa

Cập nhật: Chủ nhật 10/05/2009 - 13:29

TNĐT- Đến Định Hóa, du khách không chỉ được thăm những địa danh nổi tiếng của vùng ATK xưa mà còn được tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Múa rối cạn là một trong những loại hình nghệ thuât đặc sắc của đồng bào Tày ở thôn Thẩm Dộc xã Bình Yên và thôn Ru Nghệ xã Đồng Thịnh.

Tương truyền trò múa rối này đã có từ hai trăm năm trước và được lưu truyền đến tận bây giờ. Ở Thẩm Dộc và Ru Nghệ, gia đình nghệ nhân đứng đầu phường rối còn lưu giữ được nhiều cuốn sách chữ nôm Tày ghi chép về các trò rối cạn này. Trong lễ hội mùa Xuân, người Tày ở Định Hóa thường diễn trò múa rối Tắc Kè - Pú Cấy. Màn rối này gồm một rối Tắc Kè và một rối ông già được gia công từ gỗ thực mực to bằng một thân cây mây cao khoảng 40cm, mặc quần áo khác màu đeo dao trông rất ngộ nghĩnh được gắn lên một thân gỗ dài khoảng 3m.

 

Tích trò là câu chuyện con Tắc Kè, đại diện cho loài vật vì cậy có khả năng dự báo thời tiết tốt nên tranh giành với ông Pú Cấy (con người) công làm ra ngũ cốc. Các nghệ nhân sẽ điều khiển hai con rối múa nhiều động tác leo lên, tụt xuống trên cây gỗ để giao tranh với nhau. Động tác của rối mô phỏng những động tác chạy, nhảy, vồ, cào, cấu, giằng xé, đánh, đấm giữa con người và động vật rất sinh động, gây ra những trận cười sảng khoái cho người xem. Kết thúc không có kẻ thắng người thua nên Tắc Kè và Pú Cấy chung sống hòa thuận và cùng nhau cầu chúc cho mùa màng bội thu.

 

Cùng với tích trò Tắc Kè - Pú Cấy, các trò rối khác của hai phường rối Thẩm Rộc và Ru Nghệ được phục hồi và giới thiệu rộng rãi trong tỉnh và trong nước. Đến với Định Hóa, du khách không thể bỏ qua loại hình nghệ thuật độc đáo này.

TNĐT (B/S)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: