Tiên Thù - ATK II của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ

Cập nhật: Thứ hai 04/05/2009 - 16:39

TNĐT- Tiên Thù trước cách mạng tháng Tám là một tổng thuộc huyện Phổ Yên. Vùng đất Tiên Thù nay thuộc xã Tiên Phong, Phổ Yên, trong những năm 1939-1945 nơi đây được chọn làm An toàn khu II (ATK II) của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ.

Tiên Thù được chọn làm ATK II  bởi vùng đất này nằm ven sông Cầu, thuận lợi cho việc đi lại của cán bộ cách mạng. Nhân dân Tiên Thù kiên trung, một lòng theo Đảng, không ngại hy sinh vất vả để bảo vệ cán bộ cách mạng.

 

Nhiều địa danh ở đây đã chứng kiến các sự kiện lịch sử quan trọng:  Soi Quýt, nhà ông Ngô Hải Long, nhà bà Lưu Thị phận…

 

Soi Quýt là bãi đất ven sông Cầu được bao phủ bởi quýt, trám, vải. Phía bên kia sông Cầu đối diện Soi Quýt là Vân Xuyên (Hiệp Hòa, Bắc Giang), nơi đặt trạm liên lạc bí mật của Đảng. Đêm 20 rạng ngày 21/11/1942, đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh tổ chức lớp huấn luyện cán bộ ở Vân Xuyên, Hoàng Vân, Bắc Giang, bị giặc Pháp và tay sai vây bắt, đồng chí được hai bố con ông lão đánh cá đưa sang Soi Quýt thuộc đất Tiên Thù. Tại đây, đồng chí đã được bảo vệ an toàn.

 

Nhà ông Ngô Hải Long là nơi nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Xứ ủy ở và làm việc trong thời kỳ hoạt động bí mật (1941) như: đồng chí Trường Chinh - Tổng bí thư của Đảng; Hoàng Quốc Việt - Thường vụ Trung ương Đảng. Các đồng chí trong xứ ủy: Nguyễn Hải Lục, Nguyễn Trọng Tỉnh…

 

Nhà bà Lưu Thị Phận là địa điểm bí mật đưa đón cán bộ, phát hành báo chí, tổ chức một số cuộc họp quan trọng của Trung ương Đảng và Xứ ủy. Tại đây, đồng chí Trường Chinh đ phổ biến nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII cho một số cán bộ lúc đó đang hoạt động ở các vùng lân cận ATK II.

 

Là ATKII của Trung ương Đảng và Xứ ủy trước cách mạng tháng Tám năm 1945, các cơ sở đảng, đảng viên cùng nhân dân địa phương đã nuôi dấu, chở che, bảo vệ an toàn tuyệt đối các cán bộ Đảng, các cuộc họp quan trọng của Trung ương và Xứ ủy.

 

Xã Tiên Phong đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp, khu di tích lịch sử Tiên Phong đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1993.

TNĐT (B/S)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: