Yên Lãng, căn cứ chỉ huy Phân khu Nguyễn Huệ

Cập nhật: Thứ ba 21/04/2009 - 16:45

TNĐT- Phân khu Nguyễn Huệ thuộc Yên Lãng, huyện Đại Từ, là cơ quan đầu não cách mạng của các tỉnh thuộc Khu giải phóng Việt Bắc. Địa điểm thành lập căn cứ của phân khu Nguyễn Huệ tại Yên Lãng đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1999.

Xã Yên Lãng có địa thế hiểm trở, phía Tây là dãy Tam Đảo, phía Bắc có núi Hồng, là cửa ngõ phía Tây Nam của Tân Trào-Tuyên Quang. Ngày 25/2/1944, tại Hội nghị Khuổi Kịch, Sơn Dương, Tuyên Quang, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định chia chiếm khu Hoàng Hoa Thám làm hai phân khu: Phân khu A và phân khu B, Yên Lãng nằm trong Phân khu B (phân khu Nguyễn Huệ) và là nơi đặt căn cứ chỉ huy của phân khu

 

Năm 1940, nhiều chiến sỹ trong đội Cứu quốc quân và những người tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn bị bắt đưa về giam tại nhà tù Chợ Chu (Định Hóa). Ngày 2/10/1944, 12 đồng chí đảng viên đã vượt ngục Chợ Chu luồn rừng về Yên Lãng. Ngày 10/10/1944, tại Yên Lãng các đảng viên vượt ngục nhà tù Chợ Chu đã họp bàn đẩy mạnh hoạt động trong Phân khu Nguyễn Huệ. Đồng chí Song Hào được phân công phụ trách Phân khu Nguyễn Huệ.

 

Cuối tháng 10 năm 1944 đến tháng 12 năm 1944, đồng chí Song Hào bí mật ở và làm việc tại nhà đồng chí Lý Thanh, dân tộc Nùng ở xóm Khuôn Muống, xã Yên Lãng.

 

Phân khu Nguyễn Huệ có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo phong trào cách mạng phát triển rộng khắp, có tổ chức gây ảnh hưởng lớn đến đông đảo quần chúng làm cho kẻ địch chùn lại không dám hung hăng khủng bố.

 

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính lật đổ chính quyền Pháp và tay sai ở Đông Dương. Ngày 10/3/1945, Phân khu nguyễn Huệ chớp thời cơ lãnh đạo lực lượng võ trang và nhân dân nổi dậy khởi nghĩa, lập chính quyền cách mạng ở một số xã. Ngày 13/3/1945, Phân khu họp Hội nghị quyết định khởi nghĩa giải phóng toàn bộ các huyện trong Phân khu. Mỗi huyện, xã đều lập chính quyền cách mạng có một đại đội võ trang tập trung, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn. Đó là kết quả của cả quá trình xây dựng lực lượng lãnh đạo khởi nghĩa và thành lập Khu giải phóng của Phân khu Nguyễn Huệ với nòng cốt là 12 cán bộ vượt ngục nhà tù Chợ Chu

 

Phân khu Nguyễn Huệ còn góp phần bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt cho cuộc đấu tranh giành độc lập và kháng chiến chống thực dân Pháp. Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Nhị Quý làm Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Trung Đình làm Chủ tịch tỉnh, đồng chí Lý Thanh sau làm Chủ tịch UBND huyện Đại Từ. Thượng tướng Song Hào làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng…

TNĐT (B/S)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: