Nỗ lực thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu

Cập nhật: Thứ hai 19/09/2022 - 14:07
 Lực lượng Công an huyện Đồng Hỷ thường xuyên sâu sát với cơ sở để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương trong quá trình triển khai Đề án 06.
Lực lượng Công an huyện Đồng Hỷ thường xuyên sâu sát với cơ sở để hỗ trợ kịp thời cho các địa phương trong quá trình triển khai Đề án 06.

Thực hiện Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong đó, quan tâm triển khai 25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Việc thực hiện các DVC trực tuyến theo lộ trình Đề án 06 đang được các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã tích cực triển khai thực hiện, trong đó nổi bật là vai trò gương mẫu đi đầu của Công an tỉnh. Trong 25 DVC thiết yếu, Công an tỉnh được giao thực hiện 11 dịch vụ và đến nay đã hoàn thành đạt tỷ lệ 100%. 

Để nâng cao kỹ năng tiếp nhận hồ sơ trên Cổng DVC trực tuyến, Công an tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức tập huấn quy trình tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho nhân viên ngành Bưu điện trên địa bàn và 9/9 đơn vị công an cấp huyện, 178/178 công an cấp xã. 

Trung tá Ngô Thanh Tú, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: Bên cạnh tuyên truyền, tập huấn cho lực lượng Công an, chúng tôi cũng phối hợp tổ chức nhiều buổi phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với tuyên truyền về tiện ích của DVC trực tuyến tới đông đảo nhân dân các địa phương ở từng xóm, bản, nhất là địa bàn vùng cao. Qua đó nâng cao nhận thức của người dân về các DVC trực tuyến mức độ 3-4. Như vừa qua, chúng tôi đã tổ chức thành công Hội nghị tập huấn về Đề án 06 và cách tiếp cận DVC trực tuyến cho trên 100 người là thành viên tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã và các xóm của xã Văn Lăng (Đồng Hỷ).

Ngay sau hội nghị tập huấn, trò chuyện với ông Nguyễn Văn Diên, Trưởng xóm Tân Lập, xã Văn Lăng, chúng tôi được ông cho biết: Qua hội nghị tập huấn, tôi thấy rất nhiều thông tin bổ ích về Đề án 06 và các DVC thiết yếu mang lại tiện ích cho người dân. Sau hội nghị này, tôi sẽ họp xóm, tuyên truyền rộng rãi cho bà con đăng ký nhiều tài khoản điện tử để sử dụng DVC trực tuyến. 

Hiện nay, tại xã Văn Lăng đã thành lập 13/13 tổ chuyển đổi số cộng đồng ở các xóm, bản với trên 80 thành viên tham gia. Xã tích cực tuyên truyền về Đề án 06 lồng ghép tại các hội nghị, buổi họp, sinh hoạt của MTTQ và các tổ chức đoàn thể để người dân hiểu và tiếp cận các thủ tục DVC trực tuyến. Xã cũng phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn từng hộ dân cài đặt một tài khoản trực tuyến, phấn đấu đến cuối năm nay có trên 90% số hộ có tài khoản dịch vụ này. 

Không riêng Văn Lăng, thời gian qua, tại nhiều xã, thị trấn của huyện Đồng Hỷ đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 06 cũng như tiện ích của các DVC trực tuyến. Trung tá Vũ Thị Thủy, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Đồng Hỷ) thông tin: Địa bàn huyện có số xã vùng sâu, xa, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, nhân dân nhận thức chưa đồng đều, ít tiếp cận và sử dụng DVC trên môi trường điện tử nên việc tạo lập tài khoản sử dụng DVC còn hạn chế. Vì thế, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06.

Chủ động, trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ 

Với tinh thần chủ động, trách nhiệm, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung để phục vụ giải quyết các DVC trực tuyến, thủ tục hành chính mà không trông chờ vào việc triển khai của các bộ, ngành. 

Đơn cử như phường Gia Sàng và phường Quang Trung là hai đơn vị của TP. Thái Nguyên vừa được tỉnh chọn làm điểm để số hóa dữ liệu hộ tịch. Để bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu số hóa đề ra, hai địa phương đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện hiệu quả, trong quá trình thực hiện chú trọng phát huy vai trò năng động, trách nhiệm, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch của phường và cán bộ, chiến sĩ Công an phường.

Bà Lê Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết: Sau khi được triển khai thí điểm, chúng tôi đã phân công anh em ngoài nhiệm vụ chuyên môn hàng ngày phải thực hiện nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch theo lịch. Ngoài thời gian làm việc ban ngày, chúng tôi chỉ đạo anh em làm tăng ca buổi tối (từ 19 giờ 30 phút đến 22 giờ). Trong quá trình thực hiện phường cũng gặp một số khó khăn phát sinh nhưng nhanh chóng được cán bộ Công an tỉnh và bộ phận viễn thông hỗ trợ kịp thời.

Với sự chủ động, trách nhiệm của các lực lượng, đến nay, toàn bộ hồ sơ hộ tịch của phường Quang Trung và phường Gia Sàng lưu trữ từ trước đến nay đã được nhập trên hệ thống máy của ngành Công an và tuyệt đối bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với 2 địa phương của TP. Thái Nguyên, các xã Thành Công, Phúc Thuận (TP. Phổ Yên) được chọn thực hiện điểm việc số hóa dữ liệu hộ tịch cũng hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm tiến độ đề ra.

Cùng với nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong tỉnh tích cực, sáng tạo, nỗ lực triển khai và hoàn thành nhiều nhiệm vụ của Đề án 06. Kết quả sau hơn 6 tháng triển khai thực hiện Đề án, đến nay toàn tỉnh đã đưa 22/25 DVC thiết yếu lên Cổng DVC quốc gia. 25 DVC thiết yếu đã thực hiện số hóa tại bộ phận “một cửa” các cấp từ ngày 01/7/2022. Ngoài 11 DVC của Công an tỉnh đã hoàn thành, đối với DVC của các sở, ngành được giao, đến nay đã thực hiện được 11/14 DVC. Còn 3 DVC thiết yếu của Sở Tư pháp và Sở Giao thông - Vận tải đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để triển khai thực hiện... 

Linh Lan
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: