Sau kiểm tra công tác CCHC: Nhiều vấn đề sẽ được "gỡ rối"

Cập nhật: Thứ tư 12/10/2022 - 07:03
 Đoàn kiểm tra số 2 làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC của UBND huyện Phú Bình.
Đoàn kiểm tra số 2 làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC của UBND huyện Phú Bình.

Giúp các địa phương nhìn nhận khách quan, toàn diện hơn về kết quả triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC); phát hiện, phân tích, làm rõ những hạn chế và trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện CCHC; đề xuất giải pháp để khắc phục, chấn chỉnh… Đó là những mục đích của đợt kiểm tra công tác CCHC, nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2022 vừa được tỉnh Thái Nguyên triển khai.

Theo nội dung và kế hoạch, việc kiểm tra tập trung vào công tác chỉ đạo điều hành và kết quả thực hiện về các lĩnh vực: cải cách thể chế; cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và tiếp thu những kiến nghị đề xuất.

Huyện Võ Nhai, Phú Bình là hai đơn vị cấp huyện được lựa chọn, kiểm tra trong đợt này. Để có đánh giá sâu hơn, các đoàn công tác của tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại một số xã, thị trấn (thị trấn Đình Cả và xã Phú Thượng của huyện  Võ Nhai; xã Thượng Đình và xã Kha Sơn của huyện Phú Bình).

Qua kiểm tra cho thấy, việc triển khai thực hiện cải cách TTHC của các địa phương đảm bảo được mục tiêu, yêu cầu, nội dung đề ra và đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời đối với việc triển khai các nhiệm vụ CCHC. Các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã góp phần rút ngắn thời gian, giảm phiền hà cho tổ chức, cá nhân.

Đánh giá sau kiểm tra cũng cho thấy, công tác tuyên truyền về CCHCđược các địa phương quan tâm, xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp. Các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và tự tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính. Công tác rà soát, kiểm soát TTHC, tiếp nhận và giải quyết các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định hành chính, hành vi hành chính được thực hiện thường xuyên. Việc tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông cơ bản đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hẹn cao…

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đoàn kiểm tra cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế về công tác CCHC của các địa phương. Đó là việc triển khai áp dụng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ bưu chính công ích còn hạn chế, số lượng hồ sơ phát sinh thấp. Công tác thực hiện chứng thực bản sao điện tử chưa cao, vẫn còn TTHC rườm rà, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Trình độ nhận thức và khả năng sử dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế.

Mặt khác, nhiều người dân có thói quen nộp hồ sơ trực tiếp, do đó việc triển khai thực hiện công tác giải quyết TTHC qua dịch vụ công đến nay vẫn còn gặp khó khăn. Nguyên nhân một phần là do phần mềm liên thông chưa đảm bảo…

Song song với việc chỉ ra những tồn tại, các đoàn kiểm tra cũng hướng dẫn, đưa ra giải pháp để các địa phương khắc phục những hạn chế do nguyên nhân chủ quan, khách quan; cách xác định, chấm điểm các tiêu chí CCHC đối cấp xã và các phòng, ban theo hướng dẫn…

Bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch UBND huyện Phú Bình, cho biết: Sau khi nhận được kế hoạch của UBND tỉnh về việc kiểm tra công tác CCHC, huyện đã thành lập các tổ công tác rà soát tại các xã, thị trấn và phòng, ban chuyên môn có liên quan. Qua kiểm tra, địa phương đã kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở những nội dung thực hiện chưa phù hợp với kế hoạch của huyện. Đặc biệt, sau khi làm việc với đoàn kiểm tra của tỉnh, chúng tôi thấy rõ hơn những ưu điểm, hạn chế trong công tác này. Và quan trọng nhất đối với chúng tôi qua cuộc kiểm tra là huyện được hướng dẫn, đưa ra giải pháp để khắc phục những hạn chế. Cụ thể như ở Phú Bình, UBND huyện sẽ có biện pháp chấn chỉnh các xã, thị trấn, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác CCHC để khắc phục tình trạng để quá hạn một số thủ tục, nâng cao trách nhiệm của UBND cấp xã về xây dựng kế hoạch về CCHC, thực hiện niêm yết công khai các TTHC tại bộ phận một cửa…

Đánh giá về kết quả kiểm tra, đồng chí Phạm Tuấn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Đoàn kiểm tra số 2, nhấn mạnh: Qua kiểm tra sẽ giúp UBND tỉnh nắm được tình hình triển khai thực hiện công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra cũng trực tiếp chỉ ra những mặt làm được, chưa được trong quá trình thực hiện công tác CCHC tại cơ sở để có giải pháp khắc phục, nhằm thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

Thông qua kiểm tra, các đoàn đã đề nghị cấp huyện, xã tiếp tục rà soát, đối chiếu TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết và niêm yết đầy đủ, công khai tại bộ phận 1 cửa và trên trang thông tin điện tử của đơn vị để thuận tiện, minh bạch cho người dân. Từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước, năng lực, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính. Chỉ khi mỗi địa phương, đơn vị đạt kết quả tốt thì mới có thể góp sức vào công cuộc CCHC chung của tỉnh.

Hoàng Anh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: