Nghĩ về Bác, lòng con trong sáng hơn

Cập nhật: Thứ hai 20/06/2022 - 14:20
 Cụ Dương Văn Tọa kể chuyện một lần được gặp Bác Hồ.
Cụ Dương Văn Tọa kể chuyện một lần được gặp Bác Hồ.

92 tuổi đời, 62 năm tuổi Đảng, ngực áo lấp lánh huân huy chương, tường nhà treo chật các phần thưởng từ Trung ương đến địa phương, nhưng với cụ Dương Văn Tọa, ở xóm Làng, xã Úc Kỳ (Phú Bình) không có niềm kiêu hãnh nào lớn hơn là một lần được gặp Bác Hồ.

Cụ Tọa tự tay pha trà, tự chuyên trà ra chén mời khách. Đã ở tuổi “lão mạo”, lại mắc chứng parkinson, nhưng cụ vẫn minh mẫn, hoạt bát, cách trò chuyện sảng khoái như một chàng trai trẻ. Nhất là lúc chúng tôi gợi lại chuyện của cụ - một chiến sĩ thi đua ái quốc đã cùng những nhân tố điển hình xuất sắc của tỉnh được gặp Bác Hồ. 

Nhấp ngụm trà như để nén kìm xúc động, cụ ôn tồn: Phải rồi, hôm đó là ngày 13/3/1960, tại “Hội nghị Thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa và Chiến sĩ thi đua Khu tự trị Việt Bắc”, chúng tôi được đứng rất gần Bác Hồ.

Sinh ra trong gia đình ông đồ nho nghèo, có 10 người con, cụ Tọa là con thứ 6, nhưng về đinh điền cụ là trưởng nam (nhà có 4 anh em trai). Cụ “được tiếng” nghịch ngợm nhất làng, luôn đứng đầu trò của đám trẻ. Cụ còn nhớ khi bố phát hiện mình xâu khuyên tai, rồi khi có người mách cụ làm Đội trưởng Đội Nhi đồng cứu quốc, Đội trưởng Đội Thiếu niên tiền phong… Vì sợ Tây đồn bắt con tra khảo, cụ thân sinh đã gọi về đánh đòn “thừa sống thiếu chết”. 

Cụ kể: Bố tôi dữ đòn lắm. Cụ vụt thong thả, nhưng roi nào quắn lên roi ấy. Vừa đánh, vừa dạy cho mấy anh em trai tôi về “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Rồi bố cưới cho tôi một cô gái cùng làng làm vợ. Lúc ấy tôi 15 tuổi, song hằng ngày tôi vẫn mê mải với các hoạt động của Đội Thiếu niên tiền phong xã. 17 tuổi, tôi viết mấy chữ đặt lên đầu giường: “Con đi bộ đội, khi nào đất nước hết giặc, con về”.

Gia đình biệt tin, phải gần 9 năm sau cụ mới “lừng lững” đứng ngoài ngõ. Thấy con về, người bố ôm ghì lấy, khóc nấc thành tiếng. Còn bà Dương Thị Ngự - cô gái làng cụ cưới năm xưa - chạy thẳng vào buồng vì tủi thân. Cụ nói hóm hỉnh: Cụ bà về nhà làm dâu, nhưng gần 9 năm sau mới chính thức được làm vợ. Vợ chồng tôi có 7 người con, hiện đều thành đạt, có cuộc sống riêng… 

Giây lát dừng lời, cụ tiếp tục câu chuyện: Hơn 10 năm phục vụ trong Quân đội, tôi từng tham gia Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, đánh trận ở Điện Biên Phủ. Tôi xuất ngũ do bị sức ép bom đạn, sức khỏe yếu. Nên sau này có 4 lần đăng ký tình nguyện tái ngũ, xin vào miền Nam chiến đấu nhưng đều bị loại. 

Đầu năm 1958, cụ phục viên trở về địa phương, được chính quyền giao nhiệm vụ làm Bí thư Chi đoàn, Tổ trưởng Tổ đổi công, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã. Cụ làm việc bằng tất cả bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, nên bà con xã viên ví cụ là “cánh chim đầu đàn” trong lao động sản xuất. Để phong trào sôi động, cụ xây dựng đội ngũ đoàn viên thanh niên làm lực lượng nòng cốt. Điển hình như phong trào “Giải phóng đôi vai”, cụ vận động đoàn viên thanh niên làm được hàng trăm xe cút kít và xe quệt phục vụ sản xuất. Phong trào làm thủy lợi, cụ vận động hơn 100 đoàn viên thành niên tham gia mỗi ngày, kết quả đào đắp được 2km mương đưa nước vào đồng. Rồi trong phong trào làm phân xanh mang tên “Cờ Hồng trên núi Ngọc”, đoàn viên thanh niên đã làm được hàng trăm tấn phân bón mỗi năm để cải tạo ruộng đồng. 

Câu chuyện về xây dựng cánh đồng 5 tấn, phong trào cấy lúa thẳng hàng và sạch làng tốt ruộng của tuổi trẻ xã Úc Kỳ hồi bấy giờ, và câu chuyện về cụ Tọa được gặp Bác Hồ đến nay vẫn còn được truyền tụng. Cụ kể: Hôm đó, tôi cùng các anh Phạm Trung Pồn, Đặng Đình Sinh, đều là Chiến sĩ thi đua ái quốc ngồi cùng một dãy ghế, sau 2 hàng ghế đại biểu. Thấy vậy, Bác Hồ bảo nhân viên phục vụ lấy thêm ghế kê lên phía trước, bảo chúng tôi lên ngồi. Rồi Bác gọi anh Pồn, sau nữa là tôi và anh Sinh lên đứng gần Bác. Tôi còn nhớ như in về câu chuyện Bác dành cho mọi người thân thiện, ấm áp, nhưng sâu sắc, thấm thía. 

Sau lần được gặp Bác, cụ Tọa luôn răn mình phải tích cực phấn đấu, cống hiến cho cách mạng bằng những việc làm thiết thực. Sau này cụ được điều động lên Tỉnh đoàn công tác, rồi chuyển sang làm ở Liên hiệp Công đoàn, nay là Liên đoàn Lao động tỉnh. Đến năm 1972 cụ nghỉ hưu. Ở vị trí công tác nào cụ cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được nhân dân tin mến. Cả khi về địa phương nghỉ ngơi, cụ tích cực tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa, phong trào bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự… 

Chợt cụ khoe: Suốt đời tôi có 3 cuốn sách gối đầu giường, gồm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cuốn “Thư ký Bác Hồ kể chuyện” của tác giả Vũ Kỳ; cuốn “Những chuyện kể về đức tính cẩn thận, chu đáo của Bác Hồ”. Khi rảnh, tôi lấy ra xem lại, càng xem càng ngấm, càng rèn mình trong sáng hơn. 

Cụ có thói quen dậy sớm tập thể dục, tự nấu món ăn mình thích và ngồi vào bàn làm thơ, viết nhật ký. Ông Dương Văn Hợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Úc Kỳ phấn chấn: Ngẫm lại, suốt cuộc đời cụ Tọa không một lần lảng tránh trách nhiệm, luôn vì lợi ích chung. Động lực thôi thúc lớn nhất là bởi cụ học được từ Bác Hồ đức tính không ngừng phấn đấu vươn lên, trở thành tấm gương sáng, người truyền lửa cho thế hệ trẻ về phong trào thi đưa yêu nước tại địa phương. 

Ngọc Chuẩn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: