Thuận lợi và khó khăn trong thực hiện tinh giản đầu mối cơ sở đảng ở Phú Bình

Cập nhật: Thứ hai 22/09/2014 - 09:19
 Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện ủy Phú Bình, những năm gần đây, bộ mặt đô thị và nông thôn của huyện đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Trong ảnh Một góc thị trấn Hương Sơn hôm nay.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện ủy Phú Bình, những năm gần đây, bộ mặt đô thị và nông thôn của huyện đã có nhiều thay đổi tích cực, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Trong ảnh Một góc thị trấn Hương Sơn hôm nay.

Sau gần 1 năm triển khai thực hiện Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương “Về xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức một số loại hình tổ chức cơ sở đảng”, Đảng bộ huyện Phú Bình đã tinh giản được từ 76 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) xuống còn 56 chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy. Sự tinh giản này được đánh giá là có nhiều cái được, nhưng cũng làm nảy sinh không ít khó khăn, hạn chế…

Theo Hướng dẫn số 38, có 3 nội dung, chỉ tiêu mà Huyện ủy Phú Bình tập trung thực hiện, đó là: Tập trung xem xét, sắp xếp, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ) trong các cơ quan đơn vị hành chính; sắp xếp, kiện toàn TCCSĐ trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn huyện và củng cố, sắp xếp, kiện toàn tổ chức đảng trực thuộc TCCSĐ xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến nội dung sắp xếp, kiện toàn TCCSĐ trong các cơ quan đơn vị hành chính.

 

Theo đó, Huyện ủy Phú Bình đã thành lập Đảng bộ cơ quan khối Đảng trực thuộc Huyện ủy, gồm 6 chi bộ trên cơ sở hợp nhất 6 TCCSĐ, gồm các chi bộ: Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, Ban Tổ chức, Văn phòng Huyện ủy và Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện. Thành lập Đảng bộ Khối Đoàn thể trên cơ sở hợp nhất 6 TCCSĐ, gồm chi bộ: Ủy ban MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội LHPN, Liên đoàn Lao động và Huyện đoàn. Thành lập Đảng bộ khối quản lý Nhà nước trên cơ sở hợp nhất 13 tổ chức cơ sở đảng thuộc các phòng quản lý nhà nước cấp huyện, gồm: Chi bộ Văn phòng HĐND-UBND huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Tư pháp, Phòng Y tế, Phòng Giáo dục - Đào tạo, Phòng Nông nghiệp - PTNT, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Dân tộc, Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Chi cục Thống kê và Thanh tra huyện. Từ mô hình tổ chức trong sinh hoạt đảng, các hội, đoàn thể khác như: Thanh niên, Cựu chiến binh… cũng được hình thành và hoạt động theo mô hình khối

 

Sau gần một năm đi vào hoạt động, việc tinh giản các TCCSĐ trực thuộc Huyện ủy được nhiều đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đánh giá là có nhiều cái được, nhưng cũng tồn tại không ít khó khăn, hạn chế. Theo đồng chí Hồ Việt Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, cái được đầu tiên phải kể đến là vấn đề cải cách hành chính, vì qua đó hệ thống văn bản, phương pháp tổ chức và cách thức hoạt động của cấp ủy các cấp được giản tiện; việc triển khai văn bản có liên quan của các cấp, ngành đến các TCCSĐ trực thuộc Huyện ủy nhờ đó trở nên dễ dàng và công tác kiểm tra, kiểm soát cũng thuận tiện hơn. Cũng do có sự tham gia sinh hoạt của nhiều cơ quan chuyên môn trong cùng một đảng bộ nên việc kiểm tra, giám sát giữa các cơ quan được tăng cường và tạo ra sự đoàn kết, gắn bó rộng rãi giữa các đảng viên trong cùng đảng bộ. Việc xem xét, kết nạp hoặc bổ nhiệm cán bộ càng trở nên công khai, dân chủ, buộc người thuộc diện được xem xét, bổ nhiệm phải nỗ lực hơn để nhận được sự đồng tình cao của số đông các đảng viên trong đảng bộ.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, theo đồng chí Trần Văn Tùng, Phó Ban Tổ chức Huyện ủy Phú Bình, việc tinh giản các TCCSĐ để thành lập đảng bộ khối cũng gặp phải không ít khó khăn, hạn chế. Đó là việc xây dựng quy chế, chương trình hành động của 3 đảng bộ này khó có thể bao quát, đầy đủ, do mỗi phòng, ban đều có chức năng, nhiệm vụ riêng. Cũng chính bởi chức năng, nhiệm vụ không giống nhau, hàng ngày lại không cùng sinh hoạt, làm việc chung nên các phòng, ban khó đánh giá đúng và đầy đủ năng lực, trình độ của từng người, do đó trong công tác quy hoạch hay bổ nhiệm cán bộ khó tránh khỏi sự chủ quan, phiến diện, có thể dẫn đến việc cán bộ tốt nhưng chưa chắc đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của số đông. Việc triển khai các nghị quyết, văn bản đến các chi bộ trong đảng bộ nhiều lúc không kịp thời do các phòng, ban khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp 1 thời gian chung. Ngay việc biểu quyết thông qua 1 nội dung nào đó cần đảm bảo đầy đủ số lượng, thành phần Ban Chấp hành Đảng bộ cũng không phải dễ dàng…

 

Trên thực tế, việc thành lập đảng bộ khối đảng và đảng bộ khối dân đã được Huyện ủy Phú Bình thực hiện từ những năm 2000. Tuy nhiên, trong giai đoạn đó, các đảng bộ này đã hoạt động không hiệu quả, không sát với tình hình thực tế của địa phương nên mô hình này đã bị giải thể. Rút kinh nghiệm từ thực tế đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Bình đã tiến hành xây dựng nội quy, quy chế, chương trình hoạt động của Đảng bộ không chỉ sát với tình hình thực tế của địa phương (cả trước mắt và lâu dài) mà còn phân công cụ thể đồng chí Phó Bí thư thường trực Huyện ủy làm Bí thư Đảng bộ khối Đảng; đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện làm bí thư Đảng bộ khối quản lý nhà nước; đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện làm Bí thư Đảng bộ khối dân. Việc phân công các đồng chí giữ các chức vụ chủ chốt của Huyện ủy đảm đương vai trò bí thư của 3 đảng bộ này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vai trò trách nhiệm của từng đồng chí, đồng thời cũng giúp tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, điều hành của các đảng bộ.

 

Sự thay đổi phân công trong công tác lãnh đạo của từng đảng bộ trên có ý nghĩa quan trọng, thậm chí mang tính chất quyết định đến hiệu quả hoạt động của các đảng bộ, cũng như của từng chi bộ trực thuộc các đảng bộ. Do đó, rất cần sự năng động, nhiệt tình, trách nhiệm của từng đồng chí bí thư, của cấp ủy trong các TCCSĐ cũng như đội ngũ cán bộ, đảng viên trong đảng bộ từ việc xây dựng nội quy, quy chế, chương trình hành động và kế hoạch, cách thức tổ chức, phương pháp hoạt động. Bên cạnh đó, cũng rất cần đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên trong việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đảng bộ.

Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: