Dạy học trực tuyến tạo đà cho chuyển đổi số

Cập nhật: Thứ năm 16/12/2021 - 09:16
 Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên hướng dẫn học sinh THPT thực hành giáo dục STEM với các ứng dụng từ nguồn học liệu điện tử và kết nối nhiều phòng học cùng thời điểm.
Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên hướng dẫn học sinh THPT thực hành giáo dục STEM với các ứng dụng từ nguồn học liệu điện tử và kết nối nhiều phòng học cùng thời điểm.

Dịch COVID-19 tạo áp lực cho hoạt động dạy và học nhưng cũng đã mở ra cơ hội, động lực để ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thích ứng, áp dụng dạy học trực tuyến và thực hiện chuyển đổi số.

Nhanh chóng thích nghi

Trường THCS Nha Trang (T.P Thái Nguyên) có trên 1.700 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 với 38 lớp học, mỗi lớp trung bình có 45 em, nhưng chỉ có 18 phòng học. Ngay từ khi thực hiện học trực tuyến, Nhà trường đã tổ chức nhiều phương án dạy học linh hoạt để bảo đảm đúng kế hoạch và khung chương trình.

Hạn chế lớn nhất chính là kỹ năng sử dụng thiết bị và ứng dụng các phầm mềm công nghệ thông tin trong dạy và học của giáo viên và học sinh. Kế tiếp là hạ tầng thông tin, thiết bị chưa đồng bộ nên hiệu quả chưa cao, dẫn đến giáo viên vừa dạy trực tuyến vừa in sao tài liệu, giáo trình bài giảng chuyển đến những nhóm học sinh không có kết nối Internet tốt.

Tuy nhiên, khi tình thế bắt buộc phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tuyến với tất cả các môn học và các hoạt động của Nhà trường, đến thàng 10-2021, 100% cán bộ, giáo viên và nhân viên trong Trường đã chủ động chuyển trạng thái làm quen sang vận hành thành thạo, thích ứng.

Cô Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Trường đã triển khai hình thức kết hợp dạy học trực tuyến và trực tiếp. Trên mỗi lớp học, Trường đều lắp đặt thiết bị thu phát trực tiếp kết nối với máy tính để có thể chia sẻ nội dung bài giảng, tương tác trực tiếp trên màn hình. Như vậy, số học sinh học trực tuyến giảm tải ½ so với sĩ số nên không bị nghẽn mạng khi tương tác mà vẫn duy trì học tập 100%, chất lượng dạy học bảo đảm. Từ thực tế này, Trường có thể thực hiện dạy học linh hoạt hơn khi điều kiện phòng học thiếu và nếu được đầu tư tốt về hạ tầng công nghệ thông tin thì có thể dù không gian học tập hạn chế nhưng không gian về tri thức, kiến thức hoàn toàn không bị giới hạn.

Kể từ năm học 2020-2021, Trường đã có thêm kho học liệu điện tử, học sinh có thể xem lại bài giảng, bài tham khảo và  thậm chí có thể đăng ký lựa chọn giáo viên để vào học các giờ ôn tập.

Bài giảng môn Toán được thu phát trực tiếp của Trường THCS Nha Trang (T.P Thái Nguyên) thực hiện kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến.

Với hình thức kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, Trường đã có trên 1.000 bài giảng bằng video của các môn, 100% bài kiểm tra, đánh giá hoc tập môn Tiếng Anh, 1/5 câu hỏi, bài tập môn Toán đã được chuyển sang hình thức trắc nghiệm đánh giá trực tuyến. Các môn Văn, Lịch sử, Giáo dục công dân đã được giáo viên chuyển thể một số bài đánh giá học sinh bằng hình thức tự luận thông qua các trích đoạn file video theo nội dung bài học...

Định hình giáo dục mở

Là một nhà giáo tâm huyết, Nhà giáo Nhân dân Trịnh Trúc Lâm chia sẻ: “Có thể nói, chưa bao giờ trong lịch sử ngành Giáo dục Việt Nam lại phải đưa ra một quyết định chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến nhanh chóng, với quy mô rất lớn, trên phạm vi tất cả các cấp học như thời điểm hiện nay. Rất nhiều địa phương đã và đang thực hiện dạy học trực tuyến mà không giới hạn bởi các yếu tố khó khăn do hạ tầng. Sự cố gắng vượt bậc của đội ngũ giáo viên ở tất cả các môn học, bậc học và đặc biệt là tất cả giáo viên có thể học hỏi về công nghệ dạy học trực tuyến và thực hiện thành công. Họ đã tiếp cận công nghệ rất nhanh, sử dụng thành thạo và làm chủ được hình thức dạy học trực tuyến, mạnh dạn giảng dạy trước công chúng, trước sự chứng kiến của phụ huynh…, điều mà lâu nay rất nhiều giáo viên ngần ngại, nhất là giáo viên nhiều tuổi. Giờ đây, tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội đều phải vận động để chuyển đổi số. Giáo dục càng phải tiên phong và đi nhanh hơn”.

Thống kê toàn ngành Giáo dục năm 2021, đã có trên gần 97% trong tổng số hơn 20 nghìn giáo viên toàn tỉnh làm chủ thiết bị và công nghệ dạy học trực tuyến, trên 98% trong tổng số hơn 140 nghìn học sinh tiếp cận và được học trực tuyến.

PGS.TS Phạm Việt Đức, Giám đốc sở GD&ĐT nhận xét: Dạy và học trực tuyến có thể vượt qua rào cản khoảng cách địa lý, thế hệ,… và ngay cả rào cản ngôn ngữ (dịch tự động bằng trí tuệ nhân tạo), tối ưu hóa tần suất khai thác từ một tài liệu học tập nào đó cho số lượng học viên rất lớn, những kiến thức mới được cập nhật đến người học rất nhanh, giảm được rất nhiều chi phí so với dạy học trực tiếp, góp phần bảo vệ môi trường khi đi lại ít, sử dụng giấy bút ít, tần suất tập hợp đông người giảm. Hoạt động dạy và học trực tuyến đã vượt qua nhiều rào cản, bất cập còn tồn tại để hoàn thành sứ mệnh của giáo dục.

Trinh An
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: