Lời giải nào cho bài toán phát triển công nghiệp vùng khó? (Kỳ 1)

Cập nhật: Thứ ba 19/06/2018 - 11:29
  Sản xuất ván ép tại cơ sở chế biến lâm sản của gia đình ông Nguyễn Thế Hùng, thôn An Thịnh 1, xã Đồng Thịnh (Định Hóa).
Sản xuất ván ép tại cơ sở chế biến lâm sản của gia đình ông Nguyễn Thế Hùng, thôn An Thịnh 1, xã Đồng Thịnh (Định Hóa).

Xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh luôn xác định phát triển công nghiệp (CN) là nhiệm vụ trọng tâm, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế của địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cũng xác định sớm đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh CN theo hướng hiện đại. Vậy nhưng, trên thực tế, CN của tỉnh đang phát triển theo mũi nhọn, tập trung cho những địa bàn thuận lợi mà chưa quan tâm đúng mức nhằm tạo bứt phá rõ ràng hơn cho vùng khó. Vậy làm gì để phát triển CN ở các huyện vùng cao, miền núi và giải pháp nào mang tính toàn diện, bền vững hoàn thành Nghị quyết đã đề ra?

Khi công nghiệp vẫn là thứ yếu

Thái Nguyên có 5 huyện miền núi, vùng cao gồm: Phú Lương, Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai và Định Hóa. Những năm qua, mặc dù đã đạt được kết quả nhất định song ngành CN tại các huyện kể trên vẫn chỉ là thứ yếu trong cơ cấu kinh tế địa phương, sự chuyển dịch giữa các ngành, lĩnh vực nhìn chung chưa có nhiều thay đổi.

Theo số liệu thống kê, tổng giá trị sản xuất CN của toàn tỉnh năm 2017 đạt trên 571.400 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất CN của cả 5 huyện miền núi, vùng cao mới đạt trên 11.600 tỷ đồng, chiếm 2,03% tổng giá trị CN toàn tỉnh. So với 4 huyện còn lại, Đại Từ là địa phương đạt giá trị cao nhất nhưng cũng chỉ đạt gần 9.200 tỷ đồng, thấp hơn nhiều lần so với tổng giá trị CN của thị xã Phổ Yên, T.P Thái Nguyên và huyện Phú Bình. Và, thực chất giá trị sản xuất CN của huyện Đại Từ đạt cao là do đóng góp phần lớn của dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo. Như vậy, về cơ bản, CN vẫn được xác định là thứ yếu trong cơ cấu kinh tế tại phần lớn các huyện vùng cao, miền núi hiện nay.

 

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh về chế biến nông, lâm sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng… vốn được coi là thế mạnh của các huyện nhưng quy mô sản xuất chủ yếu là vừa và nhỏ. Do đó, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Cụ thể, mỗi năm, giá trị sản xuất của các DN tại Định Hóa, Võ Nhai chỉ đóng góp từ 20-40% vào tổng giá trị CN toàn huyện. Tại huyện Đại Từ và Đồng Hỷ, mặc dù khối DN đóng góp lớn vào tổng giá trị CN (50-60%) nhưng tập trung chủ yếu vào một số các dự án sản xuất lớn là CN Trung ương như: Công ty Than Núi Hồng, Công ty CP Cơ khí mỏ Việt Bắc, Công ty CP Xi măng Quán Triều… Còn tại huyện Phú Lương, dù có nhiều mỏ khoáng sản song đã khai thác từ lâu, đang dần cạn kiệt. Thêm vào đó, chi phí sản xuất tăng cao, khả năng tiêu thụ sản phẩm giảm đã dẫn tới 1 số công ty phải hoạt động cầm chừng hoặc dừng hoạt động.

Cùng với hoạt động của các DN, trung bình mỗi huyện hiện có hàng nghìn cơ sở, hộ sản xuất cá thể hoạt động trong lĩnh vực TTCN, chủ yếu là chế biến nông, lâm sản, cơ khí nhỏ lẻ. Tuy nhiên, những năm qua các cơ sở chế biến này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Thêm vào đó, các cơ sở chế biến theo hướng CN, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại tại các huyện chiếm tỷ lệ thấp, phần nhiều vẫn là thủ công, sản xuất phân tán theo quy mô hộ gia đình, cá nhân và HTX nông nghiệp. Theo bà Phan Thanh Huyền, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Lương cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 1.300 cơ sở CN-TTCN, chủ yếu là các lĩnh vực như: may mặc, khai thác khoáng sản, gạch không nung… Tuy nhiên, đa phần các cơ sở đều có quy mô nhỏ. Trong đó, chế biến lâm sản đang gặp nhiều khó khăn, số cơ sở hoạt động ổn định chỉ có khoảng 40 đơn vị, 125 cơ sở hoạt động theo mùa vụ, trên 20 cơ sở tạm ngừng hoạt động. Chia sẻ về vấn đề này, đại diện cho các đơn vị sản xuất nhỏ ở địa phương, bà Vũ Thị Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ): Do đơn vị còn khó khăn về nguồn vốn nên hiện chúng tôi chưa xây dựng được xưởng sản xuất tập trung. Chè sau khi thu hái được người dân đem về chế biến tại nhà hoặc mang đến sao, sấy tại các hộ có máy móc, thiết bị. Bên cạnh đó, một số cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc chế biến gỗ, sản xuất ván ép làm nguyên liệu để đóng bàn ghế, giường tủ xuất khẩu như HTX dịch vụ vận tải Chuyên Đức (xã Trung Hội, Định Hoá), DN tư nhân Thiên Sinh (xã Phượng Tiến, Định Hoá); DN tư nhân Thủy Hòa (Võ Nhai);... Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư, duy trì sản xuất tương đối lớn, thị trường không ổn định nên không ít cơ sở hiện đang gặp khó khăn.

Đóng góp vào giá trị TTCN của mỗi huyện còn có 1 phần không nhỏ là từ các làng nghề. Những năm gần đây, công tác phát triển làng nghề đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, thể hiện qua số lượng làng nghề tăng đều đặn qua các năm. Trung bình mỗi năm, UBND tỉnh công nhận mới từ 20-25 làng nghề, bình quân mỗi huyện 2-3 làng nghề được thành lập. Bên cạnh các làng nghề hoạt động tốt trên cơ sở tận dụng lợi thế địa phương thì vẫn còn không ít làng nghề chậm phát triển, thậm chí bị mai một dần. Ông Lê Quang Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Định Hóa cho biết: Trên địa bàn huyện có 21 làng nghề, trong đó có 4 làng nghề mành cọ, còn lại là chế biến chè. Tuy nhiên, những năm gần đây, do diện tích trồng cọ trên địa bàn huyện giảm nên số lượng người làm nghề giảm rõ rệt. Mặt khác, sản phẩm còn thô sơ, không đổi mới kỹ thuật nên chưa đáp ứng được thị hiếu của thị trường…

Trước thực trạng các DN CN phát triển tự phát, thiếu tập trung, tỉnh đã quy hoạch và phát triển cụm CN (CCN) tại mỗi địa phương với mong muốn tạo khâu đột phá thúc đẩy CN bền vững và tập trung. Hiện nay, mỗi huyện có từ 2-4 CCN được phê duyệt quy hoạch với diện tích trung bình hơn 36ha/cụm. Tuy nhiên, nhiều CCN gần như bỏ trống vì không thu hút được dự án như CCN Đại Khai, Nam Hòa và CCN Quang Trung - Chí Son (Đồng Hỷ); CCN Phú Lạc 1 (Đại Từ). Nhiều CCN thậm chí đưa ra khỏi quy hoạch và thay thế bằng CCN mới như CCN Tân Dương được quy hoạch bổ sung thay thế CCN Sơn Phú (Định Hóa); CCN Đu - Động Đạt (Phú Lương) phải chuyển đổi công năng thành Khu dân cư, thương mại, dịch vụ, du lịch... Thêm vào đó, một số nhà đầu tư không đủ năng lực đầu tư đã khiến nhiều dự án triển khai bị chậm tiến độ hoặc bỏ giữa chừng như HTX CN và Vận tải Chiến Công tại CCN Đu - Động Đạt (Phú Lương), CCN Phú Lạc 1 (Đại Từ); Dự án Nhà máy giấy, gỗ DELTA tại CCN Bảo Cường (Định Hóa)…

Do CN chưa phát triển nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của các huyện vùng cao, miền núi hiện thấp hơn bình quân chung của cả tỉnh. Đi kèm với đó là thu nhập bình quân đầu người cũng ở mức thấp, có huyện chỉ đạt trên 34 triệu đồng/người/năm. Những khó khăn về kinh tế đã khiến tỷ lệ hộ nghèo của các huyện này luôn cao hơn so với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, đạt từ 9-25%. Trong đó, đáng chú ý là Định Hóa và Võ Nhai là 2 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, đạt lần lượt là: 21,3% và 25,86%. Từ thực trạng trên có thể thấy rằng, phát triển CN miền núi, vùng cao đang là bài toán khó đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương nói trên. Thiết nghĩ, để giải bài toán này, trước hết cần thấy rõ những rào cản, từ đó có phương án khắc phục và thay đổi.

Phần lớn các DN, cơ sở sản xuất CN-TTCN trên địa bàn các huyện vùng cao, miền núi còn manh mún, nhỏ lẻ, khiến kinh tế chưa thể bứt phá.

Hoàng Cường - Thu Huyền
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: