Sản xuất công nghiệp: Những điểm sáng tích cực

Cập nhật: Thứ ba 18/10/2022 - 07:59
 May mặc là nhóm ngành có mức tăng trưởng cao và có đóng góp tích cực vào giá trị SXCN toàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất hàng may mặc của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.
May mặc là nhóm ngành có mức tăng trưởng cao và có đóng góp tích cực vào giá trị SXCN toàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất hàng may mặc của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Trong 9 tháng năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp (SXCN) toàn tỉnh đạt gần 673,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 73,2% kế hoạch năm. Trước bối cảnh khó khăn do giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, kết quả trên cho thấy sự nỗ lực lớn từ phía các doanh nghiệp (DN) cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành.

May mặc là nhóm ngành có mức tăng trưởng cao trong 9 tháng qua và có đóng góp tích cực vào giá trị SXCN toàn tỉnh. Kết thúc tháng 9-2022, sản phẩm may toàn tỉnh đạt 71,7 triệu sản phẩm, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 82,4% kế hoạch năm. Theo đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc cũng đạt được những kết quả khả quan trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đơn cử như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG - DN may quy mô lớn của tỉnh. Tính từ đầu năm 2022 đến hết tháng 9, doanh thu của Công ty đạt trên 5.200 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ và đạt 87,5% kế hoạch năm. Hiện, Công ty đang tập trung tối đa công suất để hoàn thành các đơn hàng trong quý IV/2022. Theo đại diện của TNG, tình hình dịch COVID-19 trong nước và trên thế giới được kiểm soát đã tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị tìm kiếm, ký kết nhiều đơn hàng may xuất khẩu sang nhiều nước như Mỹ, Pháp, Canada... Do đó, trong những tháng cuối năm, hoạt động của TNG sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ để hoàn thành mục tiêu cả năm.

Ngoài lĩnh vực may mặc, sản phẩm nước máy, điện thương phẩm cũng đạt mức tăng trưởng cao. Cụ thể, sản phẩm nước máy thương phẩm đạt 24,2 triệu/m3 (tăng 6,3% so với cùng kỳ); điện thương phẩm đạt 4.248 triệu KWh (tăng 5,2% so với cùng kỳ).

Theo ông Đặng Văn Hoạch, Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty Điện lực Thái Nguyên): Sau đại dịch COVID-19, nhiều DN có mức tiêu thụ điện tăng cao, tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của Công ty. Bên cạnh đó, để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng, thời gian qua, ngành Điện cũng đã quan tâm đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải của DN, cụm công nghiệp. Nhờ vậy, trong 9 tháng đầu năm, sản lượng điện thương phẩm của Công ty đạt gần 4.100 triệu kWh, tăng 3,14% so với cùng kỳ; tổn thất điện năng theo kỳ thương phẩm thực hiện đạt 3,42%, giảm 1,14% so với cùng kỳ; nộp ngân sách Nhà nước hơn 5,6 tỷ đồng.

Thời gian qua, ngành Điện đã tích cực quan tâm đầu tư, cải tạo hệ thống lưới điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải của DN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tương tự, đối với Nhà máy nhiệt điện An Khánh, sản lượng điện sản xuất của Công ty đạt 400 triệu kWh, bằng hơn 70% so với kế hoạch. Đây cũng là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh giá thị trường điện thấp nhưng giá nhiên vật liệu cao như hiện nay.

Theo đánh giá của ngành Công Thương, trong 9 tháng đầu năm 2022, các DN nói chung và đơn vị SXCN nói riêng thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Cùng với đó là sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2022, triển khai đồng bộ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Đây chính là điểm sáng giúp các đơn vị, DN nói chung và SXCN nói riêng có điều kiện phục hồi sau dịch COVID-19, đạt được những kết quả tích cực.

Mặc dù hoạt động SXCN của tỉnh đạt được những kết quả tích cực song còn có một số nhóm ngành công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là ngành khai thác than, đồng tinh quặng, sản xuất vật liệu xây dựng (sắt thép, bê tông thương phẩm...).

Bà Phạm Thị Huệ, Phó Giám đốc Công ty Công ty TNHH Xây dựng và XNK 168 Thái Nguyên, cho biết: Theo kế hoạch, kết thúc quý III/2022, sản lượng bê tông thương phẩm của Công ty đạt 40.000m3, tuy vậy, đến nay chúng tôi mới hoàn thành 50% so với kế hoạch.

Không riêng DN nhỏ như Công ty TNHH Xây dựng và XNK 168, mà nhiều DN sản xuất vật liệu xây dựng quy mô lớn trên địa bàn tỉnh như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Prime Phổ Yên... cũng chưa đạt kết quả sản xuất - kinh doanh theo kế hoạch.

Theo các DN này, nguyên nhân là do giá cả nguyên nhiên vật liệu có nhiều biến động. Cùng với đó là chính sách thắt chặt tín dụng của các ngân hàng khiến thị trường bất động sản bị chững lại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu xây dựng của người dân và DN. Trước khó khăn đó, nhiều DN đã khắc phục bằng cách giảm lợi nhuận để giữ vững thị trường, điều chỉnh chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh; chấp nhận bù lỗ để duy trì hoạt động của đơn vị và giải quyết việc làm cho người lao động.

Để hoàn thành mục tiêu giá trị SXCN toàn tỉnh đạt 920 nghìn tỷ đồng vào năm 2022, tăng 9% so với năm 2021, cùng với sự nỗ lực từ phía DN, hiện nay, ngành Công Thương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu tư và phát triển sản xuất, đặc biệt là các nhóm ngành nghề mới, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất các sản phẩm có mũi nhọn có tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cụm công nghiệp (hướng dẫn thành lập, mời gọi các nhà đầu tư vào các cụm công nghiệp); tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép cho các nhà đầu tư; tập trung xây dựng và đề xuất các cơ chế thu hút nguồn lực cho đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp...

Hoàng Cường
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: