Bảo tồn văn hóa tĩnh trong đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật: Chủ nhật 17/04/2022 - 07:58
 Bà Trần Thị Bích Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, trao đổi với bà con đồng bào dân tộc Sán Dìu ở xã Cổ Lũng (Phú Lương) về cách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Sán Dìu.
Bà Trần Thị Bích Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, trao đổi với bà con đồng bào dân tộc Sán Dìu ở xã Cổ Lũng (Phú Lương) về cách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của người Sán Dìu.

Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn được các cấp, ngành chức năng của tỉnh đặc biệt quan tâm. Không chỉ dừng lại ở bảo tồn động mà việc bảo tồn tĩnh cũng đang được các cấp, ngành đẩy mạnh triển khai.

Bà Vũ Thị Thanh Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn học dân tộc cho biết: Hiện nay, có nhiều hình thức bảo tồn cho từng giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc. Trong đó có bảo tồn động và bảo tồn tĩnh. Bảo tồn động là bảo tồn các di sản văn hóa trong chính môi trường xã hội mà nó nảy sinh và tồn tại thông qua tiếng nói, chữ viết, trang phục, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc...; còn bảo tồn tĩnh là bảo tồn văn hóa truyền thống của các DTTS ở ngoài môi trường sống của dân tộc đó, như trong bảo tàng, trong sách báo, trưng bày, triển lãm…

Năm 2012, Câu lạc bộ (CLB) Hát Soọng Cô xóm Chí Son, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), được thành lập. Từ đó đến nay, CLB đã góp phần khôi phục, gìn giữ và lưu truyền những nét văn hóa đặc sắc, trong đó có tiếng hát Soọng Cô truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu nơi đây.

Bên cạnh đó, để nhiều người biết đến cũng như lưu giữ những nét đẹp truyền thống trong trang phục của đồng bào Sán Dìu, chính quyền xã đã đầu tư tủ trưng bày những bộ trang phục này.

Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Nam Hòa chia sẻ: Nhằm bảo tồn những trang phục của đồng bào DTTS trên địa bàn xã, chúng tôi đã sưu tầm và mua lại 7 bộ trang phục của đồng bào dân tộc Sán Dìu và 1 bộ của đồng dân tộc Nùng. Những bộ trang phục này được xã trưng bày trong tủ kính tại Nhà văn hóa xã.

Còn CLB Soọng Cô xóm Trại Cau, xã Cây Thị (Đồng Hỷ), đã phục dựng lại ngôi nhà truyền thống, trang phục, các đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong sản xuất nông nghiệp, làm bánh nghé, xay thóc, giã gạo...

Bà Đặng Thị Sáu, Chủ nhiệm CLB Soọng Cô xóm Trại Cau, chia sẻ: Không chỉ trưng bày mà chúng tôi còn quay phim, chụp ảnh lại toàn bộ quá trình phục dựng những bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu nhằm tuyên truyền văn hóa của đồng bào dân tộc mình đến nhân dân trong và ngoài xã; đồng thời lưu giữ để sau này con cháu muốn tìm hiểu có thể xem lại…

Hiên nay, nhiều di sản văn hóa vật thể của các DTTS trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú, như: Trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ, sách của đồng bào dân tộc Dao, Nùng, Mông, Tày...

Các địa phương cũng như đồng bào DTTS từng bước nhận thức được những giá trị của việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa của dân tộc mình nên đã tiến hành sưu tầm, phục dựng lại để trưng bày, cũng như lưu giữ tại gia đình, nhà văn hóa xóm, xã.

Bà Trần Thị Bích Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Vừa bảo tồn động, vừa bảo tồn tĩnh là một cách bảo tồn rất tốt, được nhiều nơi áp dụng. Nó không chỉ giúp cho đa số người dân trong cộng đồng biết đến mà còn có thể trở thành nơi quảng bá, tham quan, tìm hiểu về văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế cho bà con đồng bào DTTS.

Vũ Công
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: