Chuyện giảm nghèo của người Mông ở Đồng Tâm

Cập nhật: Thứ hai 30/05/2022 - 07:38
 Mô hình vườn, ao, chuồng của gia đình anh Đinh Văn Tuấn đươc nhiều người dân ở Đồng Tâm đến học hỏi kinh nghiệm.
Mô hình vườn, ao, chuồng của gia đình anh Đinh Văn Tuấn đươc nhiều người dân ở Đồng Tâm đến học hỏi kinh nghiệm.

Đồng Tâm là xóm đặc biệt khó khăn của xã Động Đạt (Phú Lương) với 74 hộ, 300 nhân khẩu, trong đó có trên 80% là người dân tộc Mông. Những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực tự thân, cuộc sống của bà con đã thay đổi đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm từ trên 55% năm 2015 xuống còn hơn 29% hiện nay.

Xóm Đồng Tâm nằm trong một thung lũng khá bằng phẳng, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi nối đuôi nhau tạo nên bức tranh vùng quê yên bình, mộc mạc. Trở lại lần này, chúng tôi nhận thấy diện mạo ở đây đã có nhiều khởi sắc khi toàn bộ các tuyến đường quanh xóm đã được đổ bê tông. Hai bên đường là những ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố, những đồi keo xanh bạt ngàn, nhiều gia đình đang tất bật thu hoạch gỗ keo.

Nhìn ra cánh đồng trước cửa nhà, anh Dương Văn Phong, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Tâm cho biết: Người dân ở đây rất cần cù, chịu khó song bao năm loay hoay với “bài toán” thoát nghèo, có của ăn của để. Nguyên nhân thì nhiều nhưng cốt yếu là do thủy lợi khó khăn, khe suối thấp, không có kênh mương, hồ đập nên việc sản xuất của bà con chỉ phụ thuộc vào tự nhiên. Bà con đã tích cực chuyển đổi nhiều loại cây trồng khác nhau như ngô, mía, sắn, dược liệu và cả cây ăn quả... nhưng rồi cũng không mang lại hiệu quả kinh tế. Một số cây trồng không duy trì được, cây khác như sắn, ngô cho năng suất cao nhưng mấy năm nay mất giá, khó tiêu thụ nên đa số bà con chuyển sang trồng cây lâm nghiệp, chủ yếu là keo.

Hiện nay, xóm có khoảng 20ha keo, 1 chu kỳ kéo dài từ 6 đến 7 năm, nếu chăm sóc tốt, 1ha bà con đạt doanh thu hơn 100 triệu đồng. Một số hộ “lấy ngắn nuôi dài” trồng xen canh các loại cây lương thực khác vào diện tích keo trong 1,2 năm đầu.

Theo người dân, trồng keo không phải chăm sóc nhiều, sau 6 năm cho khai thác, trong thời gian đó vẫn làm nhiều công việc khác để kiếm thêm thu nhập. Bởi vậy, cây keo đã giúp đời sống kinh tế của nhiều nhà khấm khá lên, điển hình như gia đình ông Hoàng Thế Tiến, Lý Văn Câu, Dương Văn Chợ...

Cùng với sự nỗ lực vươn lên, những năm qua, người nghèo trong xóm cũng nhận được nhiều hỗ trợ của Nhà nước, địa phương thông qua các dự án, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế, xây nhà, mua sắm thiết bị, phương tiện để sản xuất, tập huấn khoa học kỹ thuật...

Từ năm 2016 đến nay, trên 90% người dân được tham gia các lớp tập huấn, khoảng 10 hộ được hỗ trợ phân bón, giống cây trồng, máy cắt cỏ, máy cày bừa, 10 hộ được hỗ trợ tiền xây nhà, nhiều hộ được cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi... Nhờ đó, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, đến nay xóm chỉ còn 14 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo.

Người dân xóm Đồng Tâm luôn cần cù lao động, trăn trở tìm hướng thoát nghèo.

Một trong những hộ mới thoát nghèo là gia đình anh Lý Văn Páo. Anh Páo chia sẻ: Nhờ sự quan tâm của nhà nước, đặc biệt là các chính sách vay vốn ưu đãi từ chương trình 135 và Ngân hàng Chính sách xã hội, trong 2 năm (2018-2019), gia đình tôi được vay gần 30 triệu đồng để mua 2 con bò sinh sản. Tính đến năm ngoái, số bò được sinh sản thêm là 4 con, tôi bán cả được 67 triệu đồng. Ngoài ra, tôi cũng được huyện hỗ trợ 35 triệu đồng để xây nhà. Có nhà mới, gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo.

Người dân trong xóm cũng tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô trang trại vừa và nhỏ. Thay vì chăn thả rông, thức ăn phụ thuộc vào tự nhiên như trước thì giờ ai cũng biết làm chuồng trại cẩn thận, tận dụng đất ven đường, bờ bãi kém hiệu quả để chuyển sang trồng ngô, cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi.

Toàn xóm hiện có trên 100 con dê, gần 150 con trâu, bò. Đặc biệt, khoảng 5 năm trở lại đây, một số hộ dân mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình vườn, ao, chuồng như: Gia đình ông Đinh Văn Quyền, Đinh Văn Tuấn với mô hình chăn nuôi gà, bò, ao cá, dê; ông Thân Văn Công với trang trại nuôi lợn thịt quy mô trung bình khoảng 400 con/lứa... Những mô hình này không chỉ tạo việc làm, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân mà còn thúc đẩy ý chí vươn lên của nhiều gia đình khác.

Trời đã quá trưa, men theo con đường bê tông uốn lượn quanh xóm ra về, tôi thấy người dân ai nấy vẫn bận rộn với công việc của mình. Người mải miết vun trồng cho ruộng nho tự mày mò trồng thử nghiệm; người đi chăn dê, người chặt keo... Thế mới thấy, bà con luôn nỗ lực vươn lên, xoay sở mọi cách để thoát nghèo, làm giàu. Anh Lý Văn Sài, Trưởng xóm Đồng Tâm cho biết thêm: Do đất sản xuất ít một số hộ cũng tìm đến các vùng lân cận để thuê đất sản xuất, số khác thì đi làm thuê ở công ty hoặc ra ngoài kiếm việc làm.

Mặc dù số hộ nghèo, cận nghèo đã giảm tuy nhiên chưa bền vững. Thời gian tới, xóm Đồng Tâm mong muốn được các cấp, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, hỗ trợ vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi…

Lưu Phượng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: