Đổi thay nhờ làm tốt công tác tuyên truyền

Cập nhật: Thứ ba 30/08/2022 - 09:35
 Cán bộ Trạm Y tế xã Cúc Đường đến từng hộ đồng bào dân tộc Mông để tuyên truyền về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Cán bộ Trạm Y tế xã Cúc Đường đến từng hộ đồng bào dân tộc Mông để tuyên truyền về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.

Huyện Võ Nhai hiện có 984 hộ dân với trên 4.200 nhân khẩu là đồng bào Mông, sinh sống ở 12 xóm, bản của 8 xã. Những năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và ngành chức năng nên công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình ở các xóm, bản người Mông có những chuyển biến tích cực. Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trẻ thay đổi nhận thức và chỉ sinh 2 con.

Anh Trần Văn Giàng, sinh năm 1990, sinh ra và lớn lên tại xóm Chòi Hồng, xã Tràng Xá. Năm anh 22 tuổi, vợ chồng anh về sinh sống ở xóm Trường Sơn, xã Cúc Đường. Anh Giàng hiện có 2 con, cháu lớn 9 tuổi và cháu nhỏ 7 tuổi.

Anh Giàng cho hay: Bố mẹ tôi sinh được 6 người con. Đông con nên kinh tế gia đình gặp không ít khó khăn, thường xuyên thiếu hụt. Cũng do đông con mà bố mẹ không thể lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn. Vì thế, rút kinh nghiệm từ bố mẹ mình nên vợ chồng tôi quyết định chỉ sinh 2 con, để có điều kiện chăm sóc và nuôi các cháu ăn học đầy đủ.

Ngay sát vách với nhà anh Giàng là gia đình anh Hoàng Văn Sầu, sinh năm 1994, anh có 1 cô con gái 4 tuổi và 1 cậu con trai 2 tuổi, các cháu đều bụ bẫm, kháu khỉnh.

Anh Sầu cho biết: Sau khi sinh cháu thứ 2, vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm nữa mà tập trung phát triển kinh tế. Hiện nay, vợ tôi đang làm công nhân may ngoài xã La Hiên, thu nhập mỗi tháng cũng được hơn 4 triệu đồng, còn tôi ở nhà trông con và lo việc đồng áng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình cũng dần khấm khá hơn, có điều kiện chăm sóc các con…

Trường hợp như anh Giàng, anh Sầu không còn hiếm gặp ở các xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên địa bàn huyện Võ Nhai. Anh Lầu Văn Cường, sinh năm 1989, xóm Lũng Luông, xã Thượng Nung, nhớ lại: Bố mẹ mình và các gia đình khác trong xóm trước đây sinh nhiều con nên vất vả lắm. Gạo, ngô không đủ ăn, học cao nhất cũng chỉ hết lớp 9 là dừng. Cuộc sống khó khăn nên lúc nào cũng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và các đoàn thiện nguyện đến giúp đỡ. Vì thế mình quyết định sinh ít con thôi.

Nhờ những thay đổi trong nhận thức của đồng bào dân tộc Mông mà số trẻ là con thứ ba trở lên chiếm tỷ lệ nhỏ. Đơn cử như năm 2021, trong tổng số 868 trẻ, chỉ có 153 trẻ là con thứ ba trở lên; 7 tháng đầu năm 2022, chỉ có 131 trẻ là con thứ ba trở lên trong tổng số 676 trẻ.

Để có được những kết quả trên, thời gian qua đã có sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng và chính quyền địa phương nơi có đông đồng bào dân Mông sinh sống.

Ông Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường, cho biết: Do ảnh hưởng từ phong tục tập quán, vì thế quan niệm sinh nhiều con để có người giúp đỡ gia đình làm việc đã tồn tại trong suy nghĩ của nhiều đồng bào Mông. Để thay đổi được điều này, xã xác định phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đa dạng hình thức tuyên truyền như thông qua hệ thống loa truyền thanh, các hội nghị, hội thảo, sinh hoạt xóm với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu về hệ lụy và tác động của việc sinh nhiều con. Nhờ đó, nhận thức của bà con đồng bào dân tộc Mông dần được nâng lên, hiện nay những cặp vợ chồng trẻ đa phần chỉ sinh từ 1-3 con.

Ông Hà Văn Rã, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Võ Nhai, chia sẻ: Để hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn huyện, chúng tôi đã tăng cường công tác tuyên truyền, trong đó, ưu tiên 12 xóm của 8 xã có đông đồng bào Mông sinh sống; tổ chức các đợt tư vấn trực tiếp chăm sóc sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại trạm y tế xã. Phát huy vai trò của 153 cộng tác viên dân số trong vận động những phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ thực hiện đúng chính sách dân số; tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp. Ngoài ra, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho cán bộ trạm y tế và y tế thôn, bản.

Vũ Công
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: