Đình Cù Vân: Nơi mít tinh phát động Khởi nghĩa Thái Nguyên

Cập nhật: Thứ tư 29/03/2017 - 10:38
 Khuôn viên di tích lịch sử đình Cù Vân ngày nay.
Khuôn viên di tích lịch sử đình Cù Vân ngày nay.

Ngày 10-8-1945, tin phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh lan khắp thế giới, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) đã quyết định phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và cử ra Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và thành lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt nam do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng.

Tại Thái Nguyên, quân địch vẫn rất ngoan cố bởi chúng ỷ thế đây là một cứ điểm mạnh vẫn có thể uy hiếp khu giải phóng 6 tỉnh phía Đông Bắc. Giải phóng Thái Nguyên vừa là nguyện vọng của nhân dân, vừa là yêu cầu bức thiết tạo ra tiếng vang phát động toàn dân vùng lên tổng khởi nghĩa giải phóng Thủ đô Hà Nội.

 

Khoảng 15-16 giờ ngày 17-8-1945, quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp dẫn đầu về đến Đại Từ, tập kết tại sân đình Cù Vân. Đồng chí Văn (tức Võ Nguyên Giáp) có gặp và đưa cho ông Trương Văn Thiết, Bí thư Chi bộ Cù Vân, (người làm nghề thợ may) tấm vải nhờ ông may cờ để dùng trong buổi mít tinh ngày hôm sau. Khoảng 8 giờ sáng 18-8-1945, hưởng ứng lời kêu gọi của xã bộ Việt Minh, nhân dân các xóm đã tập trung đông đủ tại sân đình Cù Vân dự Lễ mít tinh kỷ niệm 28 năm Ngày khởi nghĩa binh lính Thái Nguyên (1917-1945) do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo, đồng thời nghe thông báo lệnh tổng khởi nghĩa giành độc lập. Trước đông đảo đồng bào các dân tộc xã Cù Vân và hàng trăm chiến sĩ Việt Nam giải phóng quân, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã phát động kêu gọi nhân dân tham gia tổng khởi nghĩa, ủng hộ lương thực, thực phẩm, vũ khí và cùng quân giải phóng tiến về thị xã Thái Nguyên đánh Nhật. Tại đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Ủy ban Giải phóng toàn quốc công bố thành lập Ủy ban Giải phóng xã Cù Vân, thành lập Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc của xã Cù Vân. Sau mít tinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp dẫn quân giải phóng đi tắt qua làng Sòng (xã An Khánh, Đại Từ) tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên. Dọc đường hành quân, nhiều thanh niên đã xung phong gia nhập quân giải phóng. Như vậy, đình Cù Vân đã ghi dấu một sự kiện lịch sử của dân tộc trong cuộc Cách mạng tháng 8-1945.

 

Theo nhiều nhân chứng và cứ liệu lịch sử ghi lại, trước năm 1945, đình Cù Vân là nơi để họp bàn các việc làng, xử kiện, phạt vạ… theo hương ước của làng. Đây cũng là địa điểm để nhân dân tổ chức các lễ hội, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Ngôi đình còn là nơi thờ Thành Hoàng làng (Dương Tự Minh). Tương truyền, lễ hội hằng năm diễn ra ở đình Cù Vân và đền Bãi Chè (nơi thờ chính đức thánh Dương Tự Minh, cách đình khoảng 1km). Lúc khai hội, nhân dân rước bài vị thần từ đền Bãi Chè về đình Cù Vân, kết thúc hội lại rước bài vị thần về đền. Đình Cù Vân xưa trông theo hướng Nam, phía trước là cánh đồng trải dài được án ngữ bởi dãy núi Pháo, sau lưng là dãy núi Cả. Đình mang dáng dấp ngôi nhà Việt truyền thống gồm 3 gian, 2 chái hình chữ nhật dài chừng 8m, rộng hơn 3m. Phía trước đình (cách khoảng 200m) có giếng đình. Giếng không sâu nhưng lúc nào nước cũng dồi dào, đủ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân các xóm xung quanh. Bà con vẫn có tục lệ gánh nước từ giếng về nhà từ những ngày giáp Tết Nguyên đán để rửa mặt sau giao thừa để cầu mạnh khỏe, may mắn, đầu óc minh mẫn trong năm mới.

 

Năm 1947, ngôi đình được “tiêu thổ” để phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp theo chủ trương của Đảng. Bởi vậy mà hiện nay, đình Cù Vân chỉ còn lại phần sân đình, giếng đình và một số dấu tích, chưa được phục dựng lại. Những năm trở lại đây, người dân chỉ tổ chức lễ hội tại đền Bãi Chè.

 

Đến năm 2009, Nhà văn hóa xóm Đình được xây dựng ngay tại địa điểm đình Cù Vân xưa. Cũng trong năm này, đình Cù Vân, nơi diễn ra mít tinh phát động khởi nghĩa giải phóng thị xã Thái Nguyên năm 1945 đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh.

 

Khảo sát thực tế tại di tích, chúng tôi thấy, cổng chào dựng ngay bên Quốc lộ 37, dù đường vào hơi nhỏ nhưng phía trong có Nhà văn hóa xóm và khoảng sân rất rộng. Tổng diện tích Khu di tích rộng trên 1.000m2 đã được xây tường bao bảo vệ. Phía bên phải Nhà văn hóa có gian thờ Bác Hồ và Thành hoàng làng được xây riêng. Tuy nhiên, những dấu tích còn lại của đình ngày xưa giờ chỉ còn một tấm bia đá, có khắc chữ nhưng không còn rõ nét và một số viên đá đặt chân cột đình được xếp gọn một góc gần gian thờ.

 

Qua trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo xã Cù Vân và nhiều người dân đều mong muốn được phục dựng lại ngôi đình Cù Vân, gắn bia ghi dấu sự kiện lịch sử diễn ra tại di tích. Đây là việc làm có ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ cũng như đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, phục vụ công tác nghiên cứu văn hóa vật thể và phi vật thể kết hợp với khai thác tiềm năng du lịch gắn với các địa danh khác.

Hoàng Anh
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: