Nghi lễ liên quan đến sinh đẻ của người Mông

Cập nhật: Chủ nhật 09/10/2011 - 16:12

Đối với người Mông Thái Nguyên, đứa trẻ ra đời là một sự kiện trọng đại vì thế đi kèm việc sinh đẻ là những kiêng kị và lễ nghi khá phức tạp.

Khi mới sinh đứa trẻ được tắm bằng nước đun sôi để nguội. Tháng đầu sau khi sinh, sản phụ chỉ ăn cơm nóng với thịt gà và uống nước đun sôi để nguội. Họ thường không ăn thịt gà trắng, gà hoa mơ và khi chế biến tránh xào, kho mà chỉ luộc hoặc nấu canh, họ cho rằng như vậy sản phụ mới nhiều sữa. Sau một tuần sinh đẻ, sản phụ mới được tắm rửa bằng lá thuốc và kiêng giặt giũ trong vòng một tháng. Qua tháng đầu đứa trẻ mới được bế ra ngoài và mẹ đứa trẻ cũng mới được ra khỏi nhà. Theo tập tục, bà ngoại sẽ đem đến cho con gái một cái địu, một con gà và một ít gạo nếp. Trong ba ngày đầu hoặc một tháng đầu người ta lấy cành lá xanh cắm ở cổng hoặc cửa nhà làm dấu hiệu báo cho người lạ biết không vào nhà.

 

Sau khi sinh người Mông quan niệm đứa trẻ chưa có linh hồn ngay mà phải đợi đến khi gia đình làm lễ gọi hồn mới đặt tên trong đó kết thúc bằng việc các thành viên trong gia đình lần lượt buộc chỉ hoặc tặng cho cháu bé vòng, khăn, áo và nói những lời chúc tốt đẹp nhất.

 

Nếu trong vòng hai, ba tháng đầu sau lễ đặt tên mà đứa bé cứ khóc liên tục theo quan niệm của người Mông nghĩa là đứa bé không hợp với cái tên đó và phải làm lễ đặt tên lại. Nếu đứa bé khó nuôi hay ốm đau bệnh tật thì gia đình làm lễ nhận bố mẹ nuôi cho con để đỡ đầu cho đứa bé.

TNĐT (g/t)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: