Bình minh trên sông Cầu

Cập nhật: Thứ sáu 30/09/2022 - 16:31
 Dòng sông Cầu uốn lượn như ôm lấy TP. Thái Nguyên. Ảnh: T.L
Dòng sông Cầu uốn lượn như ôm lấy TP. Thái Nguyên. Ảnh: T.L

Bắt nguồn từ huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) kết hợp với nhiều chi lưu với khác, sông Cầu phô diễn tất cả đường cong mềm mại của mình khi chảy trong lòng thành phố Thái Nguyên, lặng lẽ bồi đắp phù sa làm nên những cánh đồng màu mỡ và trù phú. Dòng sông ấy là nhân chứng lịch sử, là dòng chảy vắt từ thăm thẳm quá khứ mang bao phù sa, trầm tích văn hoá để hiện diện trong cuộc sống hôm nay.

Một dòng sông của sử thi

Đứng trên cầu Bến Tượng trong sớm đầu thu bảng lảng khói sương, ta như nghe thấy trong gió, trong mây lời thầm thì của ông bà cha mẹ trong từng trang sử quê hương. Trong chiến lược đẩy mạnh khai thác thuộc địa về kinh tế của thực dân Pháp, năm 1910, bến Than, đường Goòng là nơi những người nông phu làm nghề bốc vác than quần quật từ 10-12 tiếng, quần áo rách tươm, mặt mũi đen nhẻm, đội những thúng than đầy đổ lên những “thuyền đinh” có trọng tải lớn, trước sự đốc thúc của những tên cai Pháp. Năm 1912, chúng khai thác được 7.646 tấn than thì một ngày có tới vài chục người bỏ mạng.

Sông Cầu khi đó trĩu nặng nỗi đau đời!  Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 do Anh hùng Lương Ngọc Quyến lãnh đạo đã kêu gọi được hàng trăm phu bốc vác và nhân dân thuộc lưu vực sông Cầu tham gia chiến đấu một cách kiên cường. Kéo dài được hơn 6 tháng và sau đó bị dìm trong bể máu, nhưng đó là điểm son rực rỡ của phong trào yêu nước theo đường lối đấu tranh vũ trang. Điểm son ấy mãi là niềm tự hào của người Thái Nguyên.

Năm 1952, sông Cầu lại oằn mình hứng những trận mưa bom do thực dân Pháp dữ dội thả xuống các đập then chốt, nhằm phá cầu, vỡ đập, khiến cho việc vận chuyển khó khăn, việc sản xuất nông nghiệp cũng thiếu nước canh tác. Trước tình hình đó, 1954, Chính phủ huy động hang vạn dân công đi khôi phục lại công trình thuỷ nông Bích Động, kịp thời cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp 2 huyện Đồng Hỷ, Phú Bình.

Sông Cầu lúc này vẫn là con đường chính, hàng vạn tấn than vẫn được đưa lên thuyền cung cấp  cho nhà máy điện Yên Phụ - xưởng phát điện lớn nhất miền Bắc lúc bấy giờ. Hà Nội nhờ đó mà không một ngày mất điện, Hồ Gươm lung linh ánh đèn.

Giống như bao chiến sĩ quả cảm trên quê hương Thái Nguyên, sông Cầu kiêu hùng, mang trên mình bao vết xước, nỗi đau do chiến tranh tàn phá nhưng vẫn chiến đấu anh dũng, ăm ắp vinh quang. Cùng nhân dân cả nước, lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Bên sông là một đô thị của hiện đại và truyền thống

Đất nước vẹn toàn một dải, non sông thu về một mối, bản hùng ca chiến đấu năm xưa giờ thành bản tình ca xây dựng cuộc sống mới. Bao quanh sông Cầu giờ đây là các trường đại học, những công trình san sát, những khu đô thị nhộn nhịp, những trung tâm thương mại muôn sắc màu, những cánh đồng rực mùa no ấm như minh chứng cho trí tuệ, khát vọng người Thái Nguyên.

Bên sông –  Khu đô thị  Danko City đậm chất châu Âu sầm uất, xanh, sạch, đẹp được kỳ vọng sẽ thiết lập chuẩn mực mới tại xứ chè. Cây cầu Bến Tượng có quy mô lớn nhất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nối liền đôi bờ vui tạo ra điểm nhấn cho  mỹ quan đô thị thành phố hai bên sông. Kết nối giao thông giữa thành phố Thái Nguyên với các huyện phía Bắc của tỉnh. Đó là minh chứng về một thành phố bên dòng sông mang sắc thái mới, diện mạo mới, rực rỡ cho hôm nay và mai sau.

Với Thái Nguyên, sông Cầu không chỉ là con đường giao lưu kinh tế , huyết mạch quan trọng trong nhiều thế kỷ qua,  mà còn là cầu nối văn hoá giữa các dân tộc anh em Kinh, Tày, Nùng, Can Lan, Sán Chí. Những làn điệu dân ca được hình thành trong quá trình lao động sản xuất, từ cuộc sống thường ngày như lễ hội mùa Xuân, những đêm trăng nông nhàn, với các thể loại hát giao duyên, hát lượn, hát sli… những câu hát, lời ca từ ngọn nguồn sông Cầu theo dòng nước hiền hoà đến với điệu ví, trống quân, cò lả ở cuối dòng sông làm lên những đặc sắc của văn hoá của vùng trung du, miền núi và đồng bằng Bắc Bộ…

Tôi yêu thành phố bên sông bằng tình yêu đơn phương, lặng thầm và chung thuỷ. Cho dù ở nơi xa, tình yêu từ thưở mới bắt đầu ấy cho đến giờ vẫn đằm sâu như tuổi tác của mình.  Tình yêu ấy cho tôi muôn vàn xúc cảm, niềm tin yêu và hy vọng. Khi ý Đảng lòng dân thống nhất, một Thái Nguyên sẽ bừng bừng sức sống vươn dậy như người trai Phù Đổng...

Bình minh đang lên, ánh nắng mùa thu thật dễ chịu , ánh nắng chan hoà trên mặt sông Cầu trên cả những toà nhà cao tầng của thành phố, trên những công trình đang được hoàn thiện để nhanh chóng đi vào sử dụng. Trên cầu Bến Tượng từng đoàn xe hàng, xe thồ, xe máy… hối hả toả đi khắp phố thị.

 Bình minh đang lên!

Cẩm Anh (TP. Sông Công)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: