Hào hùng từ đồi Gò Gỗ

Cập nhật: Chủ nhật 17/07/2022 - 06:48
 Các bạn trẻ xã Yên Lãng (Đại Từ) bên Tượng đài truyền thống thanh niên Việt Nam.
Các bạn trẻ xã Yên Lãng (Đại Từ) bên Tượng đài truyền thống thanh niên Việt Nam.

Đồi Gò Gỗ, thôn Đồng Cẩm, xã Yên Lãng (Đại Từ), vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn làm nơi khai sinh Tổng Đội Thanh niên xung phong (TNXP) đầu tiên của Việt Nam. Đã sau 72 năm (1950-2022), đồi Gò Gỗ vẫn còn đây như một chứng tích lịch sử hào hùng, tạc khắc vào sử xanh đất Việt ý chí, tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất, trở thành niềm tự hào cho các thế hệ trẻ noi theo.

Từ Quốc lộ 37, đoạn km45, xã Yên Lãng, phóng mắt qua cánh đồng xóm Ao Trũng đã thấy một di tích lịch sử ghi dấu ấn của tuổi trẻ Việt Nam. Di tích lịch sử truyền thống thanh niên Việt Nam.

Ông Lê Huy Lanh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên tự hào: Ngày 15/7/1950, theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành lập đơn vị TNXP công tác Trung ương, với 225 đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Tham gia Tổng đội chủ yếu là con em các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Đội có nhiệm vụ sửa chữa cầu đường, mở tuyến giao thông vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men, quân trang, quân dụng từ hậu phương ra tiền tuyến.

Trên diện tích đất gần 17.500m2, Di tích được Trung ương Đoàn đầu tư xây dựng với các hạng mục: Tượng đài cao 12 mét; Tượng đài khắc họa một tinh thần quả cảm “dời non lấp bể”, quyết chiến, quyết thắng, hào khí ngút trời của tuổi trẻ Việt Nam.

Tiếp đến là sân hành lễ, nhà trưng bày truyền thống và cụm tượng các Anh hùng liệt sĩ tiêu biểu của TNXP Việt Nam, gồm: Lý Tự Trọng, Kim Đồng, Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Đoàn Thị Liên, Kpă KLơng.

Cạnh đó là Khu nhà truyền thống được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại. Nhà gồm 3 gian lớn, ở giữa là Bia tưởng niệm có trạm khắc quân hiệu TNXP và trích lời nói của Chủ Tịch Hồ Chí Minh “Thanh niên ta lập nhiều thành tích tốt, xứng đáng là thanh niên anh hùng của một dân tộc anh hùng”.

Hai gian bên dùng cho việc trưng bày hiện vật truyền thống TNXP. Theo dọc bậc lên xuống là 2 hàng tùng tượng trưng cho hàng tiêu binh kiêu hãnh trong du dương gió đại ngàn.

Di tích lịch sử truyền thống Thanh niên Việt Nam, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ.

Bên chân tượng đài, chuyện xưa, chuyện nay tái hiện qua lời kể của các bạn trẻ Yên Lãng như từng thước phim sống động. Vâng! Đồi Gò Gỗ, “nôi nằm” của thế hệ TNXP đầu tiên của Việt Nam. Lớp người của thế hệ bấy giờ phần nhiều đã về với thế giới người hiền. Người còn cũng ngoài tuổi 90.

Anh Lục Văn Ngọc, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Yên Lãng, chia sẻ: Quê hương tôi là địa danh khai sinh một lực lượng cách mạng Anh hùng. Lớp trẻ chúng tôi tự hào về điều đó… Hiện, Đoàn Thanh niên xã Yên Lãng có hơn 300 đoàn viên, thanh niên sinh hoạt tại 32 chi đoàn. Từ nhiều năm nay, Đoàn Thanh niên xã duy trì tốt việc tổ chức cho các bạn trẻ đến Di tích làm vệ sinh môi trường, kể chuyện truyền thống. Qua đó khuyến khích tuổi trẻ địa phương tích cực tham gia các hoạt động phong trào đền ơn đáp nghĩa; xây dựng nông thôn mới; xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ kinh phí cho học sinh con hộ nghèo có cơ hội vươn lên trong học tập...

Trở lại với câu chuyện của một thời năm xưa, những anh chị xây móng nền truyền thống bằng thành tích phá bom, mở đường, cáng thương, tải đạn phục vụ đắc lực cho bộ đội nơi tuyến đầu đánh giặc.

Chị Định Thị Ngân, Phó Bí thư Thường trực Đoàn Thanh niên xã Yên Lãng kể: Hồi bấy giờ, Tổng Đội TNXP trực thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với 3 liên phân đội, chỉ sau 2 tháng thành lập, các thành viên Đội được tham phục vụ Chiến dịch Biên giới năm 1950, cùng bộ đội chủ lực làm nên chiến công Đông Khê, Nậm Nang, Cốc Xa…, được Bác Hồ gửi thư khen.

Một vinh dự lớn với tuổi trẻ Việt Nam bấy giờ, ngày 20/3/1951, tại khu rừng cầu Nà Cù (Bắc Kạn), Bác Hồ tặng đội ngũ TNXP 4 câu thơ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Lời bài thơ trở thành định hướng tư tưởng, cẩm nang hành động của tuổi trẻ các thế hệ.

Với tinh thần quên mình phục vụ, bất chấp sự hy sinh, gian khổ, xung kích mở đường, chuyển lương, tải đạn, kéo pháo, đào hầm, đội ngũ TNXP luôn sát cánh cùng các lực lượng vũ trang, tiên phong trên khắp các chiến trường để phục vụ bộ đội chiến đấu.

Cho đến bây giờ và mãi mãi, trên cung đường lên Tây Bắc vẫn còn in đậm dấu chân “chị gánh, anh thồ”, những dốc Lũng Lô, đèo Phan Đin, ngã ba Cò Nòi, Hát Lót… đã có bao TNXP “sống mãi với tuổi hai mươi”.

Các anh, chị đã không tiếc máu xương mình cùng quân, dân cả nước làm nên một Điện Biên “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Không ngừng nghỉ trên dòng chảy lịch sử cách mạng, đội ngũ TNXP tiếp tục ngời sáng bằng phong trào “Ba sẵn sàng”, “5 xung phong”; “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Bền bỉ trên hành trình kháng chiến, kể từ Chiến dịch Biên giới 1950 đến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 và những năm sau này, các thế hệ TNXP không ngừng phát huy tinh thần quả cảm: “Gan không núng, chí không mòn”, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần.

Những ngày tháng Bảy lịch sử - Tháng để mỗi người có khắc giây nặng lòng hoài niệm, tưởng nhớ đến công đức hy sinh lớn lao của các thế hệ cha anh, ngước trông lên Tượng đài truyền thống thanh niên Việt Nam, thấy sừng sững giữa mây trời Tổ quốc một hùng thiêng sông núi. Tôi thầm nhủ với lòng mình: Trên rộng dài non sông đất Việt có nhiều lắm xương máu của tuổi trẻ Việt Nam.

Bởi lẽ ấy, các khu di tích; tượng đài TNXP trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, như: Khu Di tích Tượng đài TNXP chống Mỹ cứu nước Xuân Sơn (Quảng Bình); Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); Ngã ba Cò Nòi (Sơn La)… Và ngay trong lòng TP. Thái Nguyên, Khu Di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm các TNXP Đại đội 915 đều đặn mỗi ngày rung lên từng hồi chuông vọng về miền thẳm sâu ký ức.

Phạm Ngọc Chuẩn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: