Kiến tạo bản sắc đô thị

Cập nhật: Thứ sáu 12/08/2022 - 18:23
 Quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP. Thái Nguyên).
Quảng trường Võ Nguyên Giáp (TP. Thái Nguyên).

Có nhiều khái niệm về bản sắc đô thị, nhưng có thể hiểu đơn giản đó là tổng hòa của những thuộc tính thể hiện qua văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Thuộc tính căn bản nhất trong bản sắc đô thị là đặc điểm cảnh quan, địa hình thiên nhiên, nơi tạo lập đô thị. Bản sắc đô thị không đơn thuần là sự hiện diện của các công trình kiến trúc. Nhiều công trình đẹp, nhưng về tổng thể không hẳn tạo lập được bản sắc của một đô thị.

Vậy bản sắc đô thị của TP. Thái Nguyên là gì? Theo tôi đó là đô thị mang đậm nét vùng trung du, miền núi phía Bắc với đồi, núi, sông, suối, hồ nước, cây xanh, của miền đất được mệnh danh “Đệ nhất danh trà” và những con người thân thiện, nhân cách, ấm áp tình người, tình đời…

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung của tỉnh và cả nước, TP. Thái Nguyên đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc khai thác tiềm năng thế mạnh phát triển kinh tế xã hội. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét.

Lẽ dĩ nhiên, là một trong những thành phố công nghiệp ra đời sớm ở miền Bắc, không gian, chức năng đô thị không còn phù hợp với thực tiễn và bộc lộ những bất cập, cần có các phương án khả thi điều chỉnh là việc làm tất yếu.

Là người sinh ra, lớn lên và gắn bó với TP. Thái Nguyên, tôi vô cùng tự hào mỗi khi giới thiệu với bạn bè gần xa tầm vóc cùng sự chuyển mình ấn tượng của thành phố. Sau hơn ba mươi năm đổi mới, thành phố như mang trong mình sức vươn Phù Đổng, khỏe khoắn rạng ngời hướng về phía trước.

Trong kí ức tuổi thơ của tôi, ngày ấy thành phố nhỏ xinh như bàn tay con gái. Dù được quy hoạch dài rộng, nhưng do hậu quả nặng nề của chiến tranh, thành phố thực sự chỉ khuôn lại khu trung tâm với một vài dãy phố. Sau lưng phố vẫn là làng với nhiều vườn cây trĩu quả, những cánh đồng lúa, rau màu bốn mùa tất bật dáng người nông dân trong manh áo bạc.

Trẻ con bọn tôi thường leo lên đồi Thông, đồi Pháo chơi trận giả, hoặc lần mò ra các rãnh nước, ao hồ khu Phủ Liễn, Đầm Xanh bơi lội, câu cá, vặt trộm mọi thứ quả như sung, nhãn, nhội… ở các cây cổ thụ không rõ chủ nhân là ai trong mọi ngõ xóm.

Bóng dáng phố xưa vơi đầy trong tâm thức. Đi trên mỗi nẻo đường năm cũ, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Diện mạo thành phố thay đổi từng ngày. Cơ sở hạ tầng được tập trung đầu tư. Nhiều trục đường lớn được xây dựng. Hệ thống điện một số tuyến phố được ngầm hóa. Trụ sở cơ quan, trung tâm mua sắm, khách sạn, trường học, các tòa nhà cao tầng, khu đô thị mới mọc lên ngày càng nhiều và đa dạng kiểu dáng kiến trúc. Không gian đô thị được mở rộng dọc hai bờ sông Cầu và phát triển thành phố về phía Tây.

Cùng với quy hoạch kiến trúc, thành phố đã tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh. Cư dân nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, sống có tình nghĩa, ứng xử lịch thiệp, hài hòa trong các mối quan hệ xã hội. Du khách đến Thái Nguyên không chỉ ấn tượng về hương trà thơm mà còn có thiện cảm với hình ảnh đẹp của đất và người thành phố.

Nhiều bạn bè tôi từ tỉnh ngoài đến Thái Nguyên, vòng xe dạo trên các tuyến phố Hoàng Văn Thụ, Cách mạng Tháng Tám, Lương Ngọc Quyến, Bắc Kạn, trải nghiệm Không gian văn hóa trà Tân Cương… cũng thán phục sự phát triển vượt bậc của thành phố. Ý tưởng của họ về một phố trà, hay có thêm một không gian văn hóa trà ngay tại khu trung tâm gợi mở nhiều điều trong các cuộc đàm đạo.

Những người am hiểu về kinh tế cho rằng Thái Nguyên hội tụ nhiều yếu tố cho sự phát triển và là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư. Bên cạnh thừa nhận bản sắc văn hóa đã ăn sâu bén rễ và trở thành phong cách của người Thái Nguyên, không ít người cũng tỏ ý dè dặt khi đề cập đến bản sắc đô thị, bởi lẽ hình hài thành phố hiện nay không khác bất kì thành phố nào trên cả nước…

Cuối năm 2021, người dân thành phố vui mừng được biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP. Thái Nguyên đến năm 2035, trong đó điều chỉnh cục bộ khu vực phường Trưng Vương, nhằm mở rộng quảng trường, không gian công cộng, thương mại, văn hoá nghệ thuật, cơ quan, phố đi bộ, cây xanh tạo thành trục cảnh quan kết nối Quảng trường Võ Nguyên Giáp với sông Cầu tạo điểm nhấn đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.

Phương án xây dựng mới Sân vận động Thái Nguyên được triển khai. Thông tin đó tạo nên kỳ vọng về một sự đổi thay từ kiến trúc cho đến lối sống mới, văn hóa mới phù hợp với văn minh đô thị, tiện nghi, tiện ích.

Vấn đề xây dựng thành phố hiện đại, văn minh đặt ra những yêu cầu về bản sắc đô thị từ quy hoạch không gian, quy hoạch kiến trúc và quản lý đô thị. Thiết nghĩ trong giai đoạn thành phố phát triển mạnh mẽ như hiện nay, chúng ta cần vào cuộc một cách quyết liệt. Khắc phục khiếm khuyết trong một đô thị đã xây dựng hoàn chỉnh là việc làm vô cùng tốn kém.

Sông Cầu đoạn chảy qua xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên).

Thái Nguyên có sông Cầu chảy giữa lòng thành phố, qua thăng trầm của lịch sử, chúng ta vẫn giữ được một số ngọn núi lớn như núi Voi, Chùa Hang, Linh Sơn… Tôi mong muốn chúng ta coi sông Cầu và những ngọn đồi, núi là những “báu vật” thiên nhiên ban tặng cho thành phố để có cách ứng xử thích hợp, không để chúng bị tàn phá và bị những công trình bê tông làm biến dạng, hoặc làm khuất lấp. Dù bờ sông Cầu xây dựng kè bê tông phòng chống lũ, việc bảo tồn rặng tre pheo rủ bóng như nó vốn có từ ngàn năm trước và dành phần quỹ đất thỏa đáng cho không gian cây xanh là hết sức cần thiết.

Tôi cũng mong muốn cùng với việc triển khai phố đi bộ, thành phố nên nghiên cứu khôi phục lại đình Hàng Phố xưa vốn nằm trước cổng trụ sở Tỉnh đoàn Thái Nguyên và đã thực hiện tiêu thổ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (vị trí đặt bia giữa trục đường Đội Cấn chỉ mang ý nghĩa biểu tượng).

Tại đình Hàng Phố, ngày 19-8-1945, Việt Nam Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã đặt Sở Chỉ huy và tổ chức cuộc họp quan trọng có sự tham gia của quân Đồng minh, tổ chức bao vây, tấn công quân Nhật, giải phóng thị xã Thái Nguyên, tạo uy thế cho cao trào Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám.

Đình Hàng Phố bên phố đi bộ gần Quảng trường Võ Nguyên Giáp ngoài việc tôn tạo, phục dựng di tích, còn là không gian lí tưởng cho việc trưng bày nghệ thuật, quảng bá, giới thiệu văn hóa trà, trưng bày, triển lãm nghệ thuật... phục vụ người dân và du khách.

Có lần tới huyện Đồng Hỷ thăm một hộ kinh doanh cây công trình, ngắm những thân cây cổ thụ người chủ vườn gọi là “cụ cây” được mua gom từ nhiều vùng miền, tôi thầm ước giá thành phố phục dựng một khoảnh rừng trong phố, nhất định điểm trải nghiệm này sẽ có giá trị về nhiều mặt.

Tạo dựng bản sắc đô thị cho TP. Thái Nguyên là trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Tôi nghĩ, bằng niềm tin yêu, sự trân trọng với mảnh đất này, chắc chắn TP. Thái Nguyên sẽ phát triển xứng tầm và mang vẻ đẹp mới đầy huyền cảm.

Phan Thái
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: