Một chuyến đi thành phố

Cập nhật: Thứ sáu 09/09/2022 - 06:22

Mỗi khi nói về thành phố Thái Nguyên thì kỷ niệm tuổi thơ của tôi lại trỗi dậy với những lần tôi được về thành phố. Ngày ấy tôi còn rất nhỏ, đang là học sinh học trường làng, cũng có lẽ vì thế, những chuyến đi từ Phú Lương về thành phố với tôi luôn đong đầy kỷ niệm và để lại ấn tượng khó phai mờ.

Lần đầu tiên tôi được anh đưa về thành phố chơi là vào ngày Quốc khánh 2-9-1970. Ngày ấy chưa hề có xe buýt như bây giờ, kế hoạch cho chuyến đi chơi mùng 2-9 được anh em chúng tôi chuẩn bị trước cả tuần lễ. Theo đó, sáng sớm anh em chúng tôi sẽ đi về thành phố Thái Nguyên bằng xe đạp. Nhà tôi cách thành phố 20km, nhưng cảm giác như cách cả trăm cây số, vậy nên, anh tôi chuẩn bị rất kỹ cho chuyến đi, xem lại săm lốp xe và mang cả bơm tay theo đề phòng xe thủng săm dọc đường.

Chờ đợi mãi ngày Quốc khánh cũng đến. Thanh thiếu niên xóm tôi háo hức hẹn nhau đi xuống thành phố chơi nên mờ sáng đã gọi nhau ý ới, nhắc nhau mang theo áo mưa đề phòng trời mưa. Các bà, các mẹ luôn miệng dặn con giữ tiền cẩn thận kẻo bị rơi hay bị móc túi. Một số bạn tôi trong xóm không có xe đạp nên đi bộ thành từng tốp 5 - 10 người, vì đi bộ nên phải dậy từ tầm 4 giờ sáng, 5 giờ đã lên đường, còn anh em tôi có xe đạp nên đi muộn hơn, tầm 6 giờ mới xuất phát.

Trên đường từ nhà xuống thành phố, tôi ngồi sau xe đạp đưa mắt ngắm quang cảnh hai bên đường, ngày đó phố phường chưa đông đúc, hàng quán ven đường cũng ít, Quốc lộ 3 vẫn chỉ trải đá dăm, “ổ voi”, “ổ gà” nhiều vô kể, xe chạy xóc như xóc ốc.

Dọc đường đi, chúng tôi cũng gặp rất nhiều người từ các vùng lân cận đổ về thành phố, tới khu Quán Triều thấy cờ và băng rôn được cắm và giăng bên cổng Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ đỏ rực, ống khói Nhà máy điện Cao Ngạn vươn cao, ngồi sau, tôi ngắm nhìn mà lòng ngập tràn niềm vui.

Điểm đến của chúng tôi là Bảo tàng Việt Bắc. Chúng tôi đến nơi tầm 8 giờ, người ở khắp nơi đã tụ về đây đông nghịt, anh tôi ở ngoài trông xe cho tôi vào tham quan trước. Theo dòng người, tôi len lỏi vào hết các phòng triển lãm, tôi ngạc nhiên với các mô hình trưng bày trong bảo tàng, các sa bàn lịch sử có bóng điện xanh đỏ, vui nhất là khi ra xem chiếc Mic 17 được trưng bày tại sân sau Bảo tàng…

Tôi háo hức và tò mò cùng dòng người đông đúc đi khắp các gian trưng bày, hơn 2 tiếng sau mới quay trở ra để trông xe cho anh vào xem, anh sợ tôi lạc nên chỉ vào chừng nửa tiếng đã trở ra đưa tôi xuống bách hóa tổng hợp. Bách hóa tổng hợp đối diện chợ thành phố bây giờ, tại đây rất nhiều người chen chúc xếp hàng mua “hàng tự do”. Vì không có tiền nên quanh quẩn một lúc anh em tôi đạp xe về ngã tư thành phố, lúc này đã muộn và đói, chúng tôi vào cửa hàng ăn uống tổng hợp, ngay trước cổng Bảo tàng nhìn sang cạnh Ngân hàng Ngoại thương) bây giờ). Tôi giữ xe để anh  xếp hàng mua bánh bao. Sau một hồi  lâu anh cũng mua được 2 chiếc bánh bao với giá thời đó là 2 hào 1 chiếc, chúng tôi ngồi xổm ngay rìa đường ăn bánh.

Nghỉ ngơi một chút, chúng tôi tiếp tục hành trình ngược về cầu Gia Bẩy. Đã trưa nhưng người khắp nơi đổ về vẫn rất đông, những đứa bạn tôi đi bộ cũng đã đến, tôi thấy mấy thằng mặt mũi đỏ căng, nhưng rất hớn hở. Chúng chào hai anh em rồi hối hả đi vào Bảo tàng.

Hai anh em tôi về đến Quán Triều thì vào cửa hàng kem xếp hàng mua kem. Đã đi chơi thành phố là phải ăn kem, không được ăn kem coi như chưa về thành phố, các anh chị ngày đó thường nói thế. Và kem cũng là món lạ đối với dân quê chúng tôi, chỉ về thành phố mới có. Anh tôi lại xếp hàng rất lâu mới chen ra khỏi đám đông, hai tay cầm chục que kem. Chúng tôi ngồi ngay trên vệ đường, ngốn ngấu ăn.

2 giờ chiều, chúng tôi về đến nhà. Tôi khoái chí chạy tìm mấy thằng bạn không đi chơi để kể về thành phố với bao điều mới lạ. Mấy thằng chưa được đến Bảo tàng bao giờ cứ háo hức ngồi nghe, rồi chúng bảo năm sau sẽ xin bố mẹ cho về thành phố thăm Bảo tàng như tôi…

Kể từ chuyến đi đầu tiên ấy, tôi đã đi thành phố nhiều lần nữa và mỗi lần tôi lại thấy thành phố có nhiều nét đổi thay. Trong cảm nhận của riêng tôi, từ một thành phố miền núi còn rất nghèo xưa, Thái Nguyên nay đã vươn lên sánh vai cùng các đô thị trong cả nước, một thành phố hiện đại, văn minh.

Bùi Nhật Lai (Phú Lương)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: