Một ký ức không thể nào quên

Cập nhật: Thứ ba 13/09/2022 - 10:58
 Bà Trần Thị Tám, công dân tổ 11, phường Đồng Quang, kể chuyện với tác giả.
Bà Trần Thị Tám, công dân tổ 11, phường Đồng Quang, kể chuyện với tác giả.

Những năm làm công tác báo chí, chúng tôi tiếp cận nhiều nhà văn hoá lớn của đất nước. Cố giáo sư, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Văn Tạo (1917-2017) là một người trong số đó. Và, trong một lần tới nhà ông tại khu Kim Liên đặt bài, tôi đã được Giáo sư kể về công việc khó khăn đang làm, đó là phối hợp với Giáo sư Sử học Furuta Moto của Trường Đại học Tokyo Nhật Bản biên soạn một cuốn sách về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Ông bảo: “Thị xã Thái Nguyên là một địa chỉ nghiên cứu”. Tôi đã được tiếp ông và cộng sự tại Thái Nguyên đôi lần. Năm 2011 thì sách hoàn thành, tôi được tặng một cuốn. Cuốn sách quý, có tên “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam-Những chứng tích lịch sử, dày tới 750 trang, do Viện Sử học ấn hành.

Trong cái mạch đi tìm hiểu và viết về thành phố Thái Nguyên nhân 60 năm thành lập (19/10/1962), đây dứt khoát là một ký ức, ký ức buồn của một thời nô lệ đau thương và cần được nhắc nhớ…

Một nhẽ nữa là cần phải biết nơi chúng ta đang sống rất phong lưu, khá giả hôm nay, có những năm tháng đau thương nhói lòng như thế. Cũng là để chúng ta thấy trân quý cuộc sống hôm nay, tự hào và luôn nghĩ về trách nhiệm công dân giữ gìn cuộc sống tốt đẹp.

Sự việc diễn ra đã gần 8 thập niên, tư liệu để viết bài ngoài cuốn sách giáo sư Văn Tạo tặng, tôi trông cậy vào những câu chuyện ông bà, bố mẹ kể; vào hậu duệ của những người dân từng có mặt, là nạn nhân của nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu ấy.

Ở bình diện cả nước, thống kê trong cuốn sách cũng cho thấy chỉ mấy tháng cuối năm 1944 và đầu năm 1945, nạn đói đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu người dân Việt Nam. Đói từ Quảng Trị ra đến hầu hết các tỉnh miền Bắc, đồng bằng nặng nề hơn miền núi. Nguyên nhân nạn đói là do chính sách vơ vét lương thực, bắt dân bỏ lúa trồng đay để phục vụ chiến tranh của phát xít Nhật, sự bất lực của chính quyền bảo hộ là Pháp và triều đình bù nhìn.

Thị xã Thái Nguyên những năm 1940 là nơi đồng bào miền xuôi, theo đường 3 mà lên kiếm việc, chạy đói, hy vọng dựa vào núi rừng để sinh tồn. Số người sống vô gia cư hoặc kéo lê tấm thân tàn đến đây rồi chết vô địa táng cũng cả nghìn người. Đất trũng, thùng đấu, bãi hoang trong thị xã là nơi người khoẻ gom xác mà đổ xuống. Người ta đạt tên cho những nơi đó là Âm Hồn, Gò Mả, Bóng Tối… Những năm 2000, từ những tư liệu có được, tôi cùng nhóm nghiên cứu của Giáo sư Văn Tạo, Furuta  Moto đã dừng tại điểm Đồng Quang, nơi có 19,5% dân chết đói năm Ất Dậu 1945…

Bà Trần Thị Tám, tuổi ngót 90, công dân tổ 11, Phường Đồng Quang, có mẹ chồng là cụ Hoàng Thị Sen, anh trai chồng là ông Hoàng Xuân Thâm, chị chồng là bà Hoàng Thị Hát, chồng là ông Hoàng Xuân Thậm đều từ Bình Lục, Hà Nam, di cư lên đất này từ trước năm 1940. Sau khi nghe tôi nói về những nghiên cứu hơn 20 năm trước, qua những câu hỏi, tôi khẳng định những nét cơ bản nơi bà sống, trong đó có nạn đói năm 1945 mà bà được người thân nói lại là chính xác.

                                                              ***

Làng Đồng Quang thời thuộc Pháp thuộc tổng Đồng Quang, huyện Đồng Hỷ, phủ Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Tháng 7-1944, Thái Nguyên bị trận lũ lớn, lúa mầu bị thiệt hại nặng nề. Mùa Đông năm ấy lại rét đậm làm mất mùa vụ chiêm năm 1945.

Số lớn diện tích của Phổ Yên, Phú Bình, Đồng Hỷ, Đại Từ là đất mầu thì bị chính quyền bắt nhổ lúa để trồng đay, trưng mua lương thực giá rẻ mạt phục vụ quân đội Nhật. Tháng 2-1945, Pháp lại đưa lên Thái Nguyên hơn 3.000 quân, giá lương thực tăng vọt. Không kể đồi núi xa làng dân thường canh tác thì Đồng Quang rộng khoảng 1 cây số vuông có 5 xóm: Xóm Phú Thái (20 hộ, 80 khẩu), xóm Sắn (16 hộ, 70 khẩu), xóm Cầu Tre (20 hộ, 86 khẩu) và 2 ấp là Trại Được và Trại Dự Cả làng chỉ có 100 hộ, 500 khẩu người Tày, Nùng, Sán Dìu, Kinh làm ăn, sinh sống trong môi trường heo hút, thưa thớt.

Có khoảng 30% dân nữa là dân miền xuôi lên làm phu đồn điền thường xuyên tá túc. Cũng trước Cách mạng tháng Tám, ruộng đất canh tác của cả tỉnh phần đa nằm trong tay 14 địa chủ người Âu và hơn 100 địa chủ người Việt (36.500 ha). Đại bộ phận nông dân vùng trung du là tá điền, ăn bữa nay lo bữa mai. Nghề nghiệp chủ yếu của dân Đồng Quang và các làng quanh thị xã là làm nương, phu đồn điền, phu mỏ, một bộ phận trồng chè, cà phê, kiếm củi, măng, củ trên rừng.

Họ nghèo đến mức cùng cực. Nạn đói bắt đầu xảy ra từ ấp Trại Được và Ấp Dự, lúc đầu còn lác đác, sau tăng nhanh. Đến đầu tháng 3-1945 thì hầu như xóm nào cũng có người chết. Ngoài người Kinh là dân các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên… lên định cư từ những năm 1930 có người chết đói, nhiều gia đình người dân tộc cũng có người chết đói. Có nhà chết cả do đói và dịch tả, do ô nhiễm môi trường.

Theo một số nhân chứng thì nhiều trường hợp chết đói thật thê thảm. Có ông cụ đói quá đi vào rừng bới sắn non, yếu quá chết gục bên gốc sắn. Hai chị em ở xóm Phú Thái đi đào củ mài trong rừng đồi Ông Đống đói chết trong rừng, hơn tuần sau mới có người phát hiện. Đói quá vào rừng tìm củ mài, rau rừng, có người ăn phải lá độc, nấm độc chết tại chỗ…

Vốn là địa phương ảnh hưởng sâu sắc từ Cuộc vận động dân chủ (1936-1939), lại có sự động viên của Mặt trận Việt Minh (MTVM) từ chiến khu dội về, nhân dân thị xã Thái Nguyên tập hợp nhau lại đi vận động cơm gạo cấp đỡ cho đồng bào. Nhưng mỗi ngày cũng chỉ được vài trăm nắm cơm nhỏ, không cứu được người bản xứ kiệt quệ trong đói khát và hàng nghìn người từ các tỉnh miền xuôi đi lên tìm sự sống, vật vờ khắp thị xã...

Nạn đói chững lại ở cuối tháng 3-1945 khi dưới sự lãnh đạo của MTVM, chính quyền từ xã lên huyện cơ bản về tay nhân dân. Các kho thóc của Nhật ở Vạn Thọ (Đại Từ), Chã (Phổ Yên), Giang Tiên (Phú Lương)… bị nhân dân phá, chia cứu đói.

Tại Đồng Quang năm ấy, một số dân là phu đồn điền cũng tập hợp nhau lại cướp thóc gạo dự trữ của chủ đồn điền Kíp- Le chia cho người đói. Vài chục năm trước đây, lớp người được chứng kiến nạn đói năm Ất Dậu ở TP. Thái Nguyên còn đông, chúng tôi thường được nghe kể lại…

Cụ bà Nguyễn Thị Nhã (thường gọi là cụ Cai bò), một chủ trang trại bò bên Huống Thượng vốn có quê ở gốc Duy Tiên, Hà Nam, kể lại: Đói, người dưới xuôi từng đoàn kéo lên xin việc, xin ăn, gia đình cụ cũng cố hết sức cứu giúp mà chẳng được bao nhiêu, chết đói nhiều vô kể.

Hơn chục năm trước, cùng kíp đi tìm hiểu về nạn đói năm xưa tại Đồng Quang của Giáo sư Văn Tạo, chúng tôi cũng phỏng vấn được vài cụ tuổi tám, chín mươi, xin dẫn lại. Cụ Đỗ Mạnh Đích kể: Năm 1944, đầu năm 1945, Nhật bắt nhổ lúa trồng đay, dân dưới xuôi kéo lên, nhiều quá không cho nổi, chết dần. Rồi dân tại chỗ không có việc làm, không có ăn cũng chết. Mỗi buổi sáng xe bò dài, to đi dọc phố để nhặt xác, ngày ít cũng 6 xe xác người chở đến khu Âm Hồn.

Cụ Nông Văn Bền, công dân tổ 16, phường Đồng Quang, năm được phỏng vấn, cụ cũng đã 74 tuổi, kể: Nhật nó ác lắm, vào xóm cái gì nó cũng vơ vét hết. Làng Đồng Quang có 5 xóm, xóm nào cũng có người chết đói. Xóm Sắn có 2 nhà chết cả, đó là nhà ông Sọc và nhà anh Bật. Ấp Trại Được, nhà ông Tỵ có 5 người chết 2; 6 nhà còn lại nhà nào cũng có 1 người chết… 

Tội ác của đế quốc thực dân gây nên cho nhân dân ta là vô cùng lớn. Họ cũng đã có lời xin lỗi về những gì họ gây ra.

77 năm đã trôi qua, trong sự đắp đổi lẽ thường, Đồng Quang từ làng lên xã, từ huyện cắt về thị xã rồi thành phố, chính thức được gọi là phường từ ngày 8-5-1985, mở đầu thời kỳ phát triển mới. Đến ngày 21-9-1994, Đồng Quang tách đôi để thành lập thêm phường Quang Trung. Là một phường đô thị trung tâm thành phố văn minh và hiện đại, cư dân ngót 12.000 người sinh sống trong 12 tổ dân phố, có gần 1.000 đảng viên, Đồng Quang luôn vươn tới những đỉnh cao mới…

Ôn lại một sự kiện bi thương là nạn đói năm Ất Dậu 1945 diễn ra trên mảnh đất này là để chúng ta biết ơn Đảng, Bác Hồ đã đem lại cuộc sống ấm no; biết yêu cuộc sống và bảo vệ, vun đắp cho cuộc sông tươi đẹp hơn.

Hữu Minh (TP. Thái Nguyên)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: