Nhớ gió trung du, nhớ trăng Thành phố Thép

Cập nhật: Chủ nhật 14/08/2022 - 07:30
 Cầu Bến Tượng.
Cầu Bến Tượng.

Lần đầu tiên tôi xa TP. Thái Nguyên là năm 17 tuổi. Đêm đầu tiên xa quê, nằm thao thức nơi ký túc xá trường đại học giữa Thủ đô Hà Nội hoa lệ mà lòng quay quắt nhớ gió trung du, nhớ trăng “Thành phố Thép”, nhớ tiếng khe khẽ trở mình của mẹ... và nhớ cả tiếng ộp ộp của chú ếch ương gọi bạn tình...

Nhớ đó, mà nay đã trở thành một miền ký ức. Hơn 30 năm, kể từ ngày tôi xa thành phố lần đầu, tôi mới thấm đẫm lời thơ của nhà thơ Chế Lan Viên “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Đúng vậy! Những ngày đầu xa quê, sự lung linh, huyền ảo, sầm uất nơi đô thành với biết bao điều mới lạ không đủ sức làm tôi nguôi ngoai nỗi nhớ quê.

Thái Nguyên với những cơn mưa cuối tuần bất chợt khiến bao lần làm trái tim tôi thắc thỏm lo một buổi hẹn không thành. Thái Nguyên, nơi có dòng sông Cầu thơ mộng, nước trong mát chảy mềm như dải lụa vắt ngang bờ vai thiếu nữ nõn nà. Những lúc áp lực học hành hay có chuyện buồn vu vơ, tôi thường rủ cô bạn thân ra bờ sông Cầu tìm nơi có thảm cỏ xanh ngồi ưỡn lồng ngực về phía mặt sông, đôi mắt khép hờ để đón những làn gió mát mơn man da thịt như vỗ về.

Tôi nhớ, nhớ da diết những buổi chiều tan học, lại cùng chúng bạn đạp xe tung tăng vào vùng chè Tân Cương “đệ nhất danh trà”, thỏa thuê ngắm những đồi chè tăm tắp, xanh mướt, trải rộng như thảm nhung; rồi lại xuôi theo dòng kênh qua xã Phúc Trìu để ngắm hoàng hôn hồ Núi Cốc, thả hồn bồng bềnh, đắm say trong huyền thoại “chàng Cốc, nàng Công” với mối tình thủy chung son sắt... TP. Thái Nguyên của tôi lúc đó đẹp như thiếu nữ tuổi đôi mươi, mơn mởn, khỏe khoắn, căng tràn nhựa sống với biết bao tiềm năng, thế mạnh...

Thời gian như “bóng câu qua cửa sổ”, đã 30 năm kể từ ngày tôi tốt nghiệp đại học trở về quê hương, góp sức nhỏ cùng nhân dân các dân tộc thành phố xây dựng “Thủ đô gió ngàn” ngày càng văn minh, hiện đại. Những cảnh vật năm nào giờ đã có nhiều đổi khác theo tháng năm dựng xây, kiến tạo, xứng tầm với vị thế là đô thị trung tâm theo hướng đồng bộ, tiện ích, văn minh và hiện đại.

Tôi thầm tự hào với một Quảng trường khang trang, rộng lớn, thoáng đãng mang tên vị tướng tài ba của dân tộc - Đại tướng Võ Nguyên Giáp; cầu Bến Tượng sừng sững, vững trãi bắc qua sông Cầu, thuận tiện cho người, xe qua lại giao thương, buôn bán; đêm về huyền diệu trong ánh đèn, tô điểm cho “gương mặt” phố thị thêm lung linh, mê hoặc; một Danko mang dáng dấp châu Âu - nơi đáng sống của người dân thị thành; hệ thống các khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, siêu thị tiện ích mọc lên ngày càng nhiều góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thành phố.

Ở tuổi chín muồi, tôi càng cảm nhận đầy đủ, sâu sắc hơn tình cảm dành cho quê hương - Thành phố tháng Mười. Tháng Mười, gió heo may khe khẽ thổi khiến lòng người vô cớ buồn vu vơ. Tôi thường cho xe máy chạy chậm trên những cung đường: Lương Ngọc Quyến, Hoàng Văn Thụ, Phan Đình Phùng, Trưng Vương, Việt Bắc... để cảm nhận “hồn quê”.

Trong cái hối hả, nhộn nhịp phố phường cũng có những góc riêng tư để dành cho những ai thích “sống chậm”, muốn hòa mình vào thiên nhiên... với những điểm đến, như: Không gian văn hóa trà Tân Cương; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt nam; Chum Cà phê; Nhà sàn cuối ngõ... 

Thái Nguyên tôi yêu là như vậy đó, trong cái náo nhiệt, phồn hoa, hiện đại vẫn có sự tĩnh tại, nhẹ nhàng, thanh tao... Sau những giờ lao động vất vả, ai cũng có thể hòa mình với thiên nhiên, hít thở bầu không khí trong lành, thưởng thức vị ngọt chát đậm đà của trà Tân Cương xứ Thái - Sản phẩm đặc sản nổi tiếng trong và ngoài nước.

Cây chè - một trong những cây trồng chủ lực trong nền kinh tế nông nghiệp của thành phố cũng như của tỉnh, không chỉ giúp người nông dân quê tôi giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng...

Cuộc sống của đại bộ phận người dân TP. Thái Nguyên ngày càng khấm khá, bởi họ đã năng động, linh hoạt trong đầu tư và phát triển theo kịp với sự phát triển chung của thời đại với các loại hình công nghiệp, thương mại - dịch vụ phong phú, đa dạng nhưng không quên nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến một nền sản xuất hàng hóa sạch theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn OCOP... Đơn cử như năm 2021, dù dịch COVID-19 hoành hành, diễn biến phức tạp nhưng tốc độ tăng trưởng của các ngành sản xuất của thành phố vẫn đạt trên 10%; thu ngân sách đạt trên 3.289 tỷ đồng, vượt gần 950 tỷ đồng so với kế hoạch; số hộ nghèo chỉ còn 0,56%; số hộ cận nghèo 0,7%...

Đời sống vật chất ngày càng nâng cao, người dân TP. Thái Nguyên quan tâm hơn, nâng niu hơn đời sống tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những giá trị tinh hoa của đất và người Thái Nguyên thông qua hoạt động cộng đồng, du lịch sinh thái, tâm linh, hướng về cội nguồn... Dành nhiều tình cảm, sự kính trọng, lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đi trước... tạo nên một nét đẹp văn hóa đáng ngưỡng mộ, đáng trân trọng của người dân vùng đất anh hùng đối với bạn bè, du khách gần, xa khi tới thăm TP. Thái Nguyên.

TP. Thái Nguyên đã, đang và tiếp tục trên đà phát triển ngày càng phồn thịnh, tất cả người dân đoàn kết một lòng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, người người được hạnh phúc... TP. Thái Nguyên hội tụ nhiều yếu tố của một thành phố xanh- sạch- đẹp với 26 tuyến phố đã được công nhận tuyến phố văn minh đô thị. Thái Nguyên - Thành phố đáng sống không chỉ với riêng tôi!

Hải Đăng
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: