Nhớ ngày vào Nam chiến đấu

Cập nhật: Chủ nhật 01/05/2022 - 18:36
 Hội Đồng ngũ “đi B” trong ngày gặp mặt.
Hội Đồng ngũ “đi B” trong ngày gặp mặt.

Để tiếp viện lực lượng chiến đấu cho chiến trường, ngày 12-5-1971, đã có hàng nghìn tân binh của tỉnh Bắc Thái (cũ) sau khi huấn luyện tại huyện Phú Bình đã đi vào Nam chiến đấu (đi B). Ngày trở về, những người còn sống đã tìm đến nhau và lập ra Hội đồng ngũ, hàng năm, họ chọn 12-5 là ngày gặp mặt.

Tôi may mắn được dự buổi gặp mặt của Hội đồng ngũ (đi B) tại gia đình ông Nguyễn Văn Tâm, xóm Thượng, xã Thuận Thành, TP. Phổ Yên. Hội đồng ngũ có 41 người, đều ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ai cũng giữ được tác phong nhanh nhẹn, sôi nổi của người lính.

Tôi gợi chuyện, những kỷ niệm “thời hoa lửa” lại ùa về trong tâm trí những người lính già. Ông Nguyễn Văn Tâm có mái tóc bạc trắng, chất giọng hào sảng, nhớ lại: Lúc lên tàu vào Nam đông lắm! Chúng tôi được bổ sung vào các đơn vị quân giải phóng, chủ yếu cho Sư 3 ở tỉnh Bình Định. Tôi nhớ nhất trận đánh chiến dịch D6-năm 1972 (đánh bốt Cây Rui, đường 19, đèo Thượng Giang, tỉnh Gia Lai). Hôm ấy, lệnh cấp trên đưa ra tín hiệu N+30 (tức là 12 giờ 30) khi có tín hiệu thì nổ súng. Nhưng đến 3 giờ sáng vẫn không có tín hiệu gì. Anh Vũ Văn Búp, Đại đội trưởng nói một mình “Hỏng rồi! Hỏng rồi!” (tức là đặc công không qua được hàng rào của địch). Sáng ra, lệnh Trung đoàn qua máy thông tin, cối và ĐKZ 75 chuẩn bị bắn, anh Búp hô pháo vào vị trí chiến đấu, các phần tử bắn. Số 1 (anh Quyến) đã sẵn sàng, tôi (số 2) đạn đã lên nòng, anh Búp hô bắn. Quả đạn bay đi sau tiếng đề 3, chớp lòe ở cạnh hàng rào địch. Anh Búp hô tăng tầm lên 1.430mét, quả đạn thứ 2 trúng bốt Cây Rui, tiếp đó, ĐKZ 75 bắn 20 quả đạn pháo liên tục vào bốt, cối 82 bắn 30 quả, cả Cây Rui mịt mù khói. Trận đó thắng lớn, chúng tôi được Trung đoàn khen ngợi.

Ông Nguyễn Văn Tâm xem những kỷ vật, bức ảnh thời còn chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Ông Nguyễn Văn Trình thì hào hứng kể về trận đánh ở huyện Hoài Ân (Bình Định): Vào tháng 7-1972, sau khi nhận thấy máy bay L19 bay do thám, ta nhận định địch sẽ đổ quân xuống Hoài Ân. Trung đoàn lệnh các đơn vị vào vị trí chiến đấu. Quả đúng vậy, sau khi máy bay phản lực F105 nhào ném bom xong, pháo các nơi bắn tới, khoảng 15 phút sau, hàng trăm chiếc trực thăng từ Quy Nhơn đổ quân xuống Hoài Ân. Trung đoàn lệnh cho trinh sát bám đếm chiếc máy bay thứ 51 thì bắn. Ta lệnh Trung đoàn cho ĐKZ 75 và cối 82 ly bắn vào đội hình của địch. Địch hoảng loạn nhảy xuống từ máy bay thì bị các ụ hỏa lực bộ binh, Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 5 của ta bắn, đầu hàng. Trận đánh này ta thu gom được nhiều đạn dược của địch mà lại ít thương vong…

Ông Nguyễn Văn Tâm: “Nói đến Sư đoàn 3 Sao vàng Anh hùng phải nói đến Trung đoàn 12. Nói đến Trung đoàn 12 là nói đến Đội cối 82 ly, đơn vị của chúng tôi. Hỏa lực mạnh, hỗ trợ đắc lực, có hiệu quả trong các trận đánh, nhiều lần bắn rơi máy bay trực thăng, bắn cháy xe tăng địch, được cấp trên tuyên dương, khen thưởng.”

Thấy tôi chăm chú nghe từng trận đánh, ông Đinh Văn Quyến cho tôi xem cuốn Hồi ký “Nhớ về nơi ấy” của ông Đồng Sỹ Tài, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 12 thời đó (sau này là Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 1) viết và xuất bản năm 2015.

Ông Quyến nói với tôi đầy vẻ tự hào: Nhiều anh em chúng tôi trong Trung đoàn 12 bám trụ đánh địch đến tận ngày giải phóng miền Nam. Nhiều người trong Hội đồng ngũ được ông Tài nhắc đến trong cuốn Hồi ký, nay đọc lại rất xúc động. Tôi lướt nhanh cuốn Hồi ký, có đoạn viết “Ngày 30/4/1975, các đơn vị Trung đoàn 12 của chúng tôi chiến đấu suốt từ 4 giờ sáng, cùng với các đơn vị bạn giải quyết được nhiều mục tiêu trong thành phố Sài Gòn. Đến khoảng 12 giờ 45 phút ngày 30-4, khu vực Trung đoàn 12 đảm nhiệm còn lại 2 cụm là: Khách sạn PALATS và Trường Thiếu sinh quân. Ở đây, Tiểu đoàn 6 và Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn đang chiến đấu quyết liệt, các loại súng lớn, súng nhỏ thi nhau nổ... Bỗng có tiếng nhớn nhác dưới tầng trệt vọng lên, tiếp sau đó là mấy bà lớn tuổi chạy thẳng lên chỗ chúng tôi đang chỉ huy, một bà nói “Sài Gòn giải phóng rồi các chú giải phóng ơi! Sài Gòn giải phóng rồi”... Tôi vội chạy lại cuối phòng mở chiếc ba lô “con cóc” lấy chiếc đài Na ty ô nal ra nghe. Quả đúng vậy! Thời khắc giải phóng miền Nam đến rồi!...”.

Phương Thơm (Lược ghi)
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: