Thành phố bên sông Cầu

Cập nhật: Thứ sáu 30/09/2022 - 11:47
 TP. Thái Nguyên được đầu tư phát triển dọc hai bên bờ sông Cầu. Ảnh: C.T.V
TP. Thái Nguyên được đầu tư phát triển dọc hai bên bờ sông Cầu. Ảnh: C.T.V

Có miền quê nào trên đất nước Việt Nam không mang trong lòng một dòng sông. Nhạc sĩ Đình Văn từng tâm sự qua bài hát “Vàm cỏ Đông” rằng: “Quê hương anh cũng có một dòng sông…”. Vâng! Dòng sông nào cũng mang trong lòng nó một niềm thương hiền hòa của chất thơ. Ngay như dòng sông trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà” của cụ Nguyễn Tuân, thì dù sông có lúc như quỷ dữ, nhưng lại hiền hòa ngay được. Còn với dòng sông Cầu lại như một chứng nhân lịch sử, lặng lẽ chứng kiến sự thăng trầm của một vùng đất mang tên TP. Thái Nguyên.

Bên dòng sông, một thành phố chưa bao giờ ngơi nghỉ. Đã có bao lớp người kiên trung, bền bỉ, vượt qua tất thảy gian khó để kiến tạo từ hoang sơ nên một thành phố thông minh, năng động như bây giờ. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến với Thái Nguyên đã cảm thán: Đây là một thành phố đáng để đến và để sống... Người ở thành phố này tự hào về điều đó và luôn mở rộng lòng mình với bè bạn năm châu bốn biển, thu nạp tinh hoa nhân loại để tiếp tục phát triển trên nền văn hóa truyền thống đặc sắc vốn có. Để ý thêm chút nữa sẽ nhận ra nét đằm thắm, hồn hậu trên gương mặt, nụ cười của bao người. Một nét đẹp văn hóa pha trộn của cư dân trên nhiều miền đất nước, vừa mạnh mẽ như chàng trai miền sơn cước, lại mềm mại như thôn nữ hái dâu trong thơ Hàn Mặc Tử.

Sắp đặt khéo léo của tạo hóa ban tặng cho TP. Thái Nguyên hội tụ tinh hoa trời đất. Một thành phố có núi, có sông, có cánh đồng mang nặng những mùa vàng cùng bạt ngàn nương chè tươi tốt và vườn quả lúc lỉu chín. Nưng nức đặc sản quê về phố làm quà cho cho thực khách. Nhưng có “2 món” làm nên tên tuổi của thành phố là chè và… gang thép. Chè là thứ ẩm thực làm mềm môi, say lòng người. Còn gang thép - nói đúng hơn là Khu công nghiệp luyện kim lớn nhất cả nước vào những năm đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Khu công nghiệp Gang thép đã tạo nên một sức sống mới trên vùng đất nửa đồng, nửa núi, vẽ vào bản đồ Việt Nam một dòng tên thành phố mới bên bờ sông Cầu. Tuy nhiên, có một số nhà sử học địa phương cho rằng: TP. Thái Nguyên được phôi thai, dần thành hình hài từ 138 năm trước - năm 1884, thực dân Pháp đã khắc tên vùng đất này lên bản đồ hành chính Việt Nam là thị xã Thái Nguyên.

Với lợi thế về vị trí địa lý, nên kể từ thời xa xưa, qua các triều đại phong kiến, vùng đất bên sông này đã trở thành một trung tâm thương mại. Bến Tượng không chỉ là nơi cho voi chiến uống nước, mà còn là bến bờ buôn bán, giao thương. Thời kỳ bắc thuộc gần nghìn năm, Pháp thuộc gần trăm năm, 9 năm đất nước trường kỳ kháng chiến chống Pháp, 21 năm kháng chiến chống Mỹ, rồi làm nhiệm vụ quốc tế, bảo vệ biên giới phía Bắc và những năm đất nước đổi mới, hội nhập phát triển, vùng đất bên dòng sông Cầu này vẫn rực rỡ là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục lớn của tỉnh và cả nước. 

Lẽ hiển nhiên từ xưa cho đến nay, vùng đất này luôn có những nhân tài nhiều phương hội tụ, góp trí - lực để cùng kiến thiết nên một thành phố mang sức sống ngồn ngộn, với những tòa nhà cao tầng, trung tâm mua sắm, hạ tầng cơ sở… được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, phù hợp với sự phát triển chung của các nước trong khu vực và trên thế giới. Những công trình mang kiến trúc hiện đại là minh chứng cho vóc dáng của một thành phố đầy sức sống đang tiếp tục vươn lên tầm cao mới. Những dự án nghìn tỷ theo nhau mọc lên cùng thời gian. 5 năm gần đây là hơn 400 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Đồng hành với ngân sách địa phương là 13 dự án từ nguồn vốn ODA, với tổng vốn đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng.

Giữa nhịp sống sôi động, chợt có giây khắc thảnh thơi riêng mình. Ấy là lúc sớm mai vừa độ hương cốm tháng Mười, thành phố như được tẩm hương trời đất. Từ sân thượng một tòa nhà cao tầng bên sông, vươn vai hà hít không khí trong trẻo của ngày chớm rét, chợt nhận ra các dãy phố và dòng sông Cầu chất chứa một vẻ đẹp huyền diệu. Phố theo dọc hai bên bờ sông, khiến bao người mỗi sớm nhàn tản thả bộ, ngắm nhìn những tòa nhà cao tầng in bóng trong lòng nước lại thảng thốt, mộng mơ với ước mong vào một ngày không xa, bờ tả, bờ hữu của dòng sông này sẽ có tuyến đường đi bộ. Bởi dòng sông này từng chứng kiến bao niềm đau, nỗi nhớ. Tất cả được khỏa lấp dưới lớp lớp sóng bồi và phép màu thời gian. 

Vùng chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên). Ảnh: L.K

Thành phố này đã có bao lớp người đứng dậy trên nỗi đau của hòn tên, mũi đạn, kiên cường tạo dựng tương lai. Và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người thành phố cũng luôn mở lòng chào đón bè bạn bốn phương. Dù thân, dù sơ, bạn đến chơi nhà đều có ấm trà đãi đằng, hàn huyên. “Ấm trà là đầu câu chuyện”, là cái cớ để bè bạn ngồi lại với nhau lâu hơn. Nói chính xác thì đó là thông điệp người Thái Nguyên chào đón bạn bè. Ở thành phố bên sông này, ngay cả lúc khó khăn nhất, lãnh đạo thành phố đã nghĩ đến việc “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư để từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển một thành phố công nghiệp, văn minh. Từ khóa công nghiệp 4.0, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã trở nên quen thuộc với mọi người.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao. Kết quả Chương trình xây dựng nông thôn mới từng bước phố hóa làng quê, nên thật khó phân định được đâu người thành phố, đâu người nông dân. Vì cái khoảng cách giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị đã xích lại rất gần. Việc “cải vũng lên đồi” được người dân làm bài bản, bảo đảm không phá vỡ quy luật tự nhiên, song tạo được cảnh quan mãn nhãn, hợp lòng người. Không phải duy ý trí, mà các thế hệ cán bộ, nhân dân thành phố luôn biết tôn trọng lịch sử, bảo vệ những gì là tinh hoa từ quá khứ để tạo dựng tương lai. 

Tôi nhận ra một cảm giác kỳ lạ tồn tại, nảy nở trong tâm trí con người là khi nhìn ngắm những công trình với kiến trúc hiện đại thường làm cho mỗi người nhớ về cái cũ kỹ của một thời khó nhọc, để từ đó sự sáng tạo được nảy nở như hoa, như nụ mùa Xuân. Tôi tự hỏi mình là vì sao TP. Thái Nguyên mời gọi được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hợp tác phát triển? Rồi lại tự trả lời rằng: Đơn giản thôi, bởi thành phố tạo dựng được cho mình trở thành một “địa chỉ đỏ” trong hợp tác đầu tư phát triển. Đó là chính sách thông thoáng từ chính quyền; sự nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở; các cấp chính quyền luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…

Tháng Mười nữa lại về, nhẹ nhàng như làn gió heo may phảng phất gợn lên từ mặt nước sông Cầu. Tôi rong ruổi bước trên hè phố để cảm nhận một sự nhàn tản hiếm hoi, chợt nhận ra mỗi ngày, khi bình minh thức dậy gọi mặt trời, thành phố này lại như cao hơn, đẹp hơn và đang tiếp tục vươn lên tầm cao mới.

Tùy bút của: Phạm Ngọc Chuẩn
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: