Thành phố và ký ức tuổi thơ tôi

Cập nhật: Thứ năm 18/08/2022 - 09:32
 Nhà máy Điện Cao Ngạn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: T.L
Nhà máy Điện Cao Ngạn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: T.L

Năm 1962, khi Thái Nguyên là thành phố thì tôi đang ở tuổi nhi đồng. Nhà tôi ở Linh Sơn, mỗi lần được mẹ cho đi đò qua sông Cầu sang chợ bên thành phố là vui như Tết. Tôi chỉ biết thành phố là nơi có chợ, luôn đông người với đủ các mặt hàng. Con đường tôi được đi sang chợ là con đường rải cấp phối chỉ rộng hơn bốn mét, lỗ chỗ những ổ gà do năm tháng nhiều phương tiện đi qua.

Khi tôi lên tuổi thiếu niên thì cả nước có chiến tranh. Từ tháng Bảy, tháng Tám năm 1965, trên bầu trời Thái Nguyên đã có tiếng máy bay gầm rú và tiếng pháo cao xạ nổ. Đám trẻ chúng tôi trèo lên cây quan sát mà không nhìn thấy chiếc máy bay nào. Sau này mới biết, máy bay bay rất cao, lại trước tiếng động rất xa nên nhìn theo tiếng động thì không bao giờ thấy. Mảnh đạn pháo rơi xuống tạo ra những tiếng vu vu trong không khí rồi cắm xuống đất. Chúng tôi chẳng biết là vật gì, thi nhau tìm rồi chuyền tay nhau những mảnh gang sắc cạnh đang còn nóng ấm. Thời gian này máy bay Mỹ đang bay vào trinh sát, chưa ném bom nơi nào.

Ngày đầu tiên thành phố bị ném bom, đó là khoảng mười giờ sáng ngày 17/10/1965. Tôi đang hái rau muống để về nấu cơm thì nghe tiếng máy bay. Lần này nhìn rõ những chiếc máy bay Mỹ bay vòng sau các dãy núi ở hướng Đông thành phố rồi bất ngờ ngoặt từ hướng Nam lao vào ném bom cầu Gia Bẩy. Những cột khói màu đen cuộn lên bầu trời. Tai tôi nghe thấy tiếng bom vang dội và mặt đất rung chuyển.

Sau đợt ném bom đầu, tôi cứ nghĩ đã trở về yên ắng thì khoảng mười phút sau, máy bay địch lại lao vào ném bom đợt hai. Chiều đó nghe tin có vài trăm người thiệt mạng vì đúng ngày Chủ nhật, lại là phiên chợ.  

Lần đầu tiên, tôi biết được cảm giác của chiến tranh. Nó đã hiện hữu trên mảnh đất thành phố lâu nay vẫn yên bình. Sau ngày đó, các cơ quan, cửa hàng, nhân dân trong thành phố phải đi sơ tán hết. Thành phố hàng ngày vang lên tiếng còi báo động. Tiếng còi rúc liên hồi là báo có máy bay sắp vào địa phận thành phố. Còi rúc một hồi dài là báo yên, máy bay địch đã bay xa. Loa truyền thanh trong thành phố và các vùng ngoại vi như làng tôi luôn vang lên những thông báo: “Đồng bào và các lực lượng vũ trang chú ý. Có nhiều tốp máy bay địch đang lao vào thành phố từ hướng Tây bắc. Bà con khẩn trương xuống hầm trú ẩn. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu”.

Những buổi chiều năm đó, ít có ngày bình yên. Thường cứ tầm hai đến ba giờ là hay có báo động. Chiều nào cũng có tiếng máy bay gầm rú và tiếng bom đạn rung chuyển. Thái Nguyên có nhiều đầu mối quan trọng của cả nước nên chiến tranh càng xảy ra ác liệt. Khi thì chúng ném bom ở khu Gang thép, khi ở Nhà máy điện Cao Ngạn, rồi các ga tàu, kho tàng và một số cây cầu trên thành phố.

Bọn trẻ chúng tôi thường chăn trâu ngoài đồi, núp vào búi cây nhưng vẫn hướng mắt lên xem. Khi nhìn thấy máy bay Mỹ bị bắn cháy liền nhảy cẫng lên reo hò. Trong lòng thành phố tháng ngày này im ắng. Các cơ quan, trường học, chợ, bệnh viện đều sơ tán hết. Tôi còn nhớ Bệnh viện đa khoa sơ tán lên Chùa Hang. Chợ Thái chia về họp các ngả như Thịnh Đán, Núi Voi và một số địa phương khác. Ban ngày chỉ có bóng dáng những người làm nhiệm vụ trên đường.

Sự học những năm tháng chiến tranh với tôi cũng là dấu ấn khó quên. Ba năm học cấp hai thì một năm phải học đêm dưới mái trường nửa chìm nửa nổi bên khu đồi thuộc xã Linh Sơn. Trường cấp hai Nha Trang đã sơ tán từ thành phố sang đây. Một thời đi học với chiếc mũ rơm trên đầu, tối đến xách chiếc đèn chai đi học. Những sợi rơm vàng săn được bện thành dây dài to cỡ ngón tay. Sau đó cuốn lần lượt, và siết dây lạt thành hình chiếc mũ rộng vành. Học sinh đi học bắt buộc phải có. Bạn bè đến lớp với những chiếc mũ rơm mỗi người bện một vẻ, trông rất ngộ nghĩnh và vui mắt.

Chiếc đèn để học cũng tùy theo sáng kiến từng người. Chủ yếu là các bậc phụ huynh làm cho. Người thì lấy lọ mực cũ, nhét bông đầy rồi đổ dầu vào để dầu không bị sóng sánh khi đi. Rồi cho vào ống bơ, có quai xách, khoét lỗ cho ánh sáng về một hướng. Người lại làm đèn từ chiếc chai, được cắt phần trên và phần đáy chụp trên chiếc đế gỗ có lọ đựng dầu và quai xách, tha hồ chạy không tắt. Có bạn cầm luôn chiếc đèn hoa kỳ bằng sắt tây bán sẵn ở cửa hàng. Tan học, chúng tôi trông như đàn đom đóm bay về các ngả. Rất nhiều buổi học phải tắt hết đèn, ra hầm trú ẩn vì có tiếng còi báo động…

Mấy năm có chiến tranh, tôi không còn được cùng mẹ sang chợ bên thành phố để ngắm bao điều lạ lẫm nữa. Phía ấy, ban ngày vẫn thường vang lên tiếng còi báo động, ban đêm vẫn hắt lên một vệt sáng mờ ánh điện. Nhưng tôi lại được học dưới một mái trường của thành phố. Tôi biết thêm bao bạn bè ở khu phố Trưng Vương và nhiều phố khác sơ tán sang Linh Sơn quê tôi. Xa con đường, phố chợ, nhưng lại gần thêm tình phố hàng ngày.

Phạm Quý
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: