Phát triển đô thị dọc đôi bờ sông Công

Cập nhật: Thứ năm 06/10/2022 - 08:45
 Khu đô thị Cosy tại phường Thắng Lợi đã có nhiều cư dân đến sinh sống.
Khu đô thị Cosy tại phường Thắng Lợi đã có nhiều cư dân đến sinh sống.

Trong những nhiệm kỳ gần đây, TP. Sông Công luôn hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị xanh và có tính đặc trưng cao. Đặc biệt, địa phương đã và đang khai thác lợi thế để quy hoạch tổng thể đô thị hòa nhập với hệ sinh thái môi trường, thiết lập các không gian mở, khai thác cảnh quan hai bên bờ sông Công.

Thông tin đáng chú ý nhất trong phát triển đô thị của TP. Sông Công là mới đây đã có nhà đầu tư thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật để triển khai dự án có tổng số vốn trên 1 nghìn tỷ đồng ngay bên bờ sông Công. Cụ thể, Dự án Khu đô thị sinh thái dọc sông Công - Khu A được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận cho Công ty CP Tập đoàn Hải Long (TP. Hà Nội) thực hiện với tổng mức đầu tư trên 1.124 tỷ, diện tích 48,05ha tại phường Thắng Lợi và Phố Cò; quy mô 216 căn hộ liền kề và 14 căn biệt thự.

Mục tiêu của Dự án là đầu tư xây dựng khu đô thị nhằm cụ thể hóa quy hoạch chi tiết Khu đô thị sinh thái dọc sông Công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khi triển khai, Dự án này sẽ cùng với các dự án khu dân cư, khu đô thị khác trên địa bàn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Từ đó giúp TP. Sông Công sớm trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh.

Nhìn lại những kết quả trước đó, TP. Sông Công đã đầu tư rất mạnh cho xây dựng hạ tầng đô thị. Nhưng giao thông nội vùng được coi là yếu tố quyết định để từng bước nâng cấp chất lượng đô thị hiện tại và mở ra không gian đô thị trong tương lai.

Hiện, TP. Sông Công có hàng chục khu dân cư, khu đô thị được đầu tư xây dựng đồng bộ về thiết kế, chất lượng công trình và kết nối với các khu dân cư hiện tại. Trong đó, địa phương đã có 4 khu dân cư, khu đô thị (KĐT) hoàn thiện hạ tầng, bàn giao đất cho người dân. 3 dự án thuộc lĩnh vực đô thị đang mời gọi các nhà đầu tư, đó là: Dự án KĐT chức năng đầu cầu cứng sông Công có quy mô 24ha; Dự án KĐT và dịch vụ tiện ích Khu công nghiệp Sông Công II (thuộc phường Lương Sơn và xã Tân Quang), quy mô 46ha…

Ngoài phát triển đô thị ở các phường trung tâm, vùng ven khu, cụm công nghiệp, TP. Sông Công đã có chiến lược phát triển đô thị dọc theo sông Công và các xã trên địa bàn.

Quỹ đất 2 bên bờ sông Công sẽ được khai thác để mở rộng không gian đô thị.

Cụ thể hóa chủ trương này, địa phương đã đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đường du lịch sông Công - núi Cốc với tổng mức đầu tư trên 740 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Theo đó, tuyến đường có chiều dài hơn 6,3km, lộ giới 25,5 - 35,5m, đi qua 2 xã: Bá Xuyên và Bình Sơn, có điểm đầu tại vị trí cầu bắc qua sông Công (Km0+000), điểm cuối ranh giới giữa TP. Sông Công và TP. Thái Nguyên (Km6+323m).

Dự án này được giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Sông Công làm chủ đầu tư, thực hiện trong giai đoạn 2022-2025. Việc đầu tư xây dựng Đường du lịch sông Công - núi Cốc nhằm phát triển không gian đô thị khu vực phía Tây Nam TP. Sông Công, kết nối Khu du lịch hồ Núi Cốc với TP. Sông Công.

Bên cạnh đó, Dự án cũng được kỳ vọng góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và thu hút đầu tư tại địa phương.

Để tuyến đường sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, cơ quan chức năng của TP. Sông Công đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện 2 gói thầu xây lắp chính, gồm: Gói thầu xây lắp số 1, đoạn từ Km0+0,00 - Km0+294,58 (giá dự toán 66,143 tỷ đồng) và gói thầu xây lắp số 2, đoạn từ Km0+294,58 - Km1+811,63 (94,591 tỷ đồng), để có thể khởi công Dự án ngay trong quý IV/2022…

TP. Sông Công vốn là nơi “đất chật, người đông” nên địa phương luôn coi trọng công tác nghiên cứu lập kế hoạch sử dụng đất gắn với quy hoạch đô thị để phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, những lợi thế tự nhiên như dòng sông Công thơ mộng, hồ Ghềnh Chè rộng lớn… sẽ được bảo vệ, khai thác hiệu quả để phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Văn Hiến
Ý kiến bạn đọc Gửi ý kiến In trang này
Tìm kiếm: